Thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin dự kiến sẽ diễn ra vào ngày mai 16-7 tại thủ đô Helsinki của Phần Lan. Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov vừa có cuộc trao đổi với nhà báo Larry King (CNN) về kết quả lý tưởng của cuộc thượng đỉnh này trong khuôn khổ chương trình truyền hình Politicking phát trên đài RT America.
Khôi phục được đối thoại đã là thành công
Theo ông Lavrov, quan hệ hai nước đang rất thấp, “hầu hết các kênh giao tiếp tồn tại hơn 8 năm qua đã bị đóng băng, kể cả các kênh giao tiếp về các vấn đề rất quan trọng như chống khủng bố và an ninh mạng”.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) sẽ gặp nhau vào ngày mai 16-7 tại Helsinki (Phần Lan). Ảnh: SPUTNIK
Ông Lavrov cho rằng mâu thuẫn trong quan hệ hai bên bắt đầu từ thời điểm Mỹ “nhận ra” Nga sẽ không mù quáng theo phương Tây “về mọi thứ”. Phần mình, Nga chỉ muốn tiếng nói của mình được lắng nghe và được xem như một đối tác ngang bằng, theo ông Lavrov.
“Cái chúng ta có hiện giờ là các cuộc gặp rời rạc lác đác giữa các nhà ngoại giao và các nhà quân sự, chủ yếu về vấn đề Syria” – ông Lavrov nói.
Vì vậy theo ông Lavrov với thực tế quan hệ Mỹ-Nga đang ở mức thấp như vậy nên nếu sau cuộc thượng đỉnh Trump-Putin mà hai bên có thể khôi phục được đối thoại bình thường thì đã là một thành công.
“Nếu kết quả thượng đỉnh giữa Tổng thống Trump và Tổng thống Putin có thể mở lại tất cả các kênh đối thoại về các vấn đề mang tính hợp tác lẫn chia rẽ hai bên thì có thể xem là lý tưởng” – theo ông Lavrov.
Phải nghĩ về cái giá phải trả
Khi được hỏi liệu Nga có tiếp tục ủng hộ Tổng thống Syria Bashar al-Assad, ông Lavrov nói các nước cần phải thực tế và có trách nhiệm về an ninh thế giới cũng như an ninh quốc gia mình, đôi khi cần phải hợp tác với “những người giúp mang lại các điều kiện để người dân nước mình an toàn hơn”.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov trao đổi với nhà báo Larry King qua màn hình. Ảnh: RT chụp từ màn hình
Ông Lavrov đánh giá sự can thiệp của Mỹ vào các nước Trung Đông, Bắc Phi khiến nhiều người chết hơn là khi các nước này còn sống dưới quyền “các nhà độc tài mà Mỹ lật đổ”.
“Dù Muammar Gaddafi và Saddam Hussein độc tài, khi so sánh sự mất mát người dân phải chịu đựng dưới thời của họ với bây giờ, sau khi Mỹ can thiệp vào, có thể thấy số người chết, bị thương hay phải rời bỏ nhà cửa nhiều hơn cả hàng trăm ngàn người” – theo ông Lavrov.
“Chúng tôi không biện hộ cho các nhà độc tài. Thay vào đó Nga muốn tất cả các nước đầu tiên phải có mọi bước đi đảm bảo hành động của mình không bất cẩn, trước khi có bất cứ quyết định mạo hiểm nào. Chúng ta phải có cái nhìn rộng và phải nghĩ về cái giá phải trả” – ông Lavrov nói, thêm rằng những người đã “phá hủy Iraq và Libya giờ muốn làm điều tương tự với Syria”.
Phương Tây không công bằng với Nga
Trao đổi với nhà báo Larry King, ông Lavrov cũng chỉ trích quan điểm của phương Tây với chuyện Crimea – được sáp nhập về Nga sau một cuộc trưng cầu dân ý năm 2014. Theo ông, cuộc trưng cầu này – mà phương Tây không công nhận – được “thực hiện hợp pháp và minh bạch hơn sự đơn phương công nhận Kosovo độc lập mà không cần cuộc trưng cầu dân ý nào”.
Ông Lavrov nhắc tới thái độ của Anh quanh chuyện quần đảo Falklands – Anh kiểm soát từ năm 1833 và chính thức sáp nhập năm 1983 sau thời gian tranh chấp với Argentina. Anh một mặt nói “tình trạng quần đảo được xác định dựa trên một cuộc trưng cầu dân ý tự do và công bằng phù hợp với Hiến chương Liên Hiệp Quốc”, một mặt yêu cầu LHQ lên án việc Argentina trừng phạt mình vì chuyện trưng cầu này. Trong khi với trường hợp Crimea thì Anh có thái độ hoàn toàn khác.
Ông Lavrov cũng chỉ trích hành động của Mỹ trong khủng hoảng Ukraine. Theo ông, đối thoại giữa Nga và Mỹ về vấn đề này chẳng đem lại kết quả gì khi “phía Mỹ vẫn cứ cố làm trệch hướng Thỏa thuận Minks mỗi lần họ gặp phía Nga”.
Phương Tây cần đối thoại với Nga thay vì mở rộng NATO
Ông Lavrov cũng chỉ trích chính sách phương Tây củng cố, tăng cường sức mạnh NATO, trong khi thiếu hẳn đối thoại với các nước như Nga.
“NATO là một biến thể của thời chiến tranh lạnh” – ông Lavrov nói, thêm rằng việc phương Tây cứ mãi lên án Nga sáp nhập Crimea không gì khác “kiểu suy nghĩ trì trệ, cố chấp từ thời chiến tranh lạnh”.
Các lãnh đạo NATO trong kỳ thượng đỉnh vừa rồi ở Bỉ. Ảnh: NYT
“Chúng tôi không tin điều NATO đang làm – cố mở rộng hơn và rộng hơn nữa về các khu vực biên giới với Nga – sẽ giúp ích gì cho an ninh liên minh này. Chúng tôi không cho đó là cách giải quyết vấn đề ngày nay”.
NATO chi cho quốc phòng nhiều hơn Nga tới 12 lần, theo ông Lavrov, nhưng vẫn “chưa hiểu mình không thể ra lệnh cho các nước phải xử lý các vấn đề an ninh quốc tế thế nào”. Vì thế theo ông, “Cần thiết phải đối thoại”.