Theo truyền thông Mỹ, sau khi “bật đèn xanh” cho Ukraine dùng tên lửa ATACMS của Mỹ đánh vào lãnh thổ Nga, Tổng thống Mỹ Joe Biden tiếp tục duyệt chuyển giao mìn chống bộ binh (anti-personnel mine) do Mỹ sản xuất cho Kiev, theo tờ The New York Times.
Mìn chống bộ binh là gì?
Mìn chống bộ binh là vũ khí nổ nhỏ được thiết kế để phát nổ khi có người giẫm lên hoặc đến gần chúng. Lực lượng quân đội thường triển khai mìn này như vũ khí phòng thủ, để ngăn chặn lực lượng đối phương tiếp cận hoặc vượt qua một khu vực nhất định, theo Mine Action Review - tổ chức phi lợi nhuận giám sát việc sử dụng loại vũ khí này.
Có nhiều loại mìn chống bộ binh khác nhau và nhiều cách cài cắm khác nhau. Một số loại mìn có hình dạng giống như quả bóng khúc côn cầu, đường kính từ 7 đến 40 cm, còn một số loại khác thì có hình trụ hoặc hình nón.
Chúng được thiết kế để gây ra mức độ thương tích khác nhau. Ví dụ, mìn “nổ" được thiết kế để phát nổ với một phạm vi lực có thể làm nạn nhân bị thương hoặc phát nổ với lực đủ mạnh để giết chết một người. Còn một số loại mìn chống bộ binh khác thì khi phát nổ sẽ bắn mảnh mìn ra, đôi khi mảnh này nảy lên trên dưới 1 m.
Mìn chống bộ binh có thể được chôn dưới bề mặt đất, đặt trong một tòa nhà có bẫy mìn hay đặt nằm trên mặt đất. Sau khi được kích hoạt, chúng sẽ phóng ra một số dây bẫy mỏng theo các hướng khác nhau. Khi một người hoặc một con vật làm chạm vào một trong những dây bẫy đó, quả mìn sẽ phát nổ.
Loại mìn này có thể được rải bằng đạn pháo, tên lửa, bom chùm và bệ phóng gắn trên trực thăng hoặc xe tải.
Ai đang dùng mìn chống bộ binh?
Loại mìn này đã được sử dụng kể từ Nội chiến Mỹ (1861-1865). Chúng được sử dụng phổ biến trong Chiến tranh thế giới thứ hai và quân đội Mỹ thường xuyên dùng trong các cuộc chiến ở Triều Tiên và Việt Nam. Theo hồ sơ của chính phủ, lần cuối cùng mà quân đội Mỹ dùng mìn chống bộ binh trên quy mô lớn là trong cuộc chiến tranh vùng Vịnh vào năm 1991.
Lần sử dụng mìn chống bộ binh gần đây nhất của quân đội Mỹ là vào năm 2002, khi lực lượng đặc nhiệm Mỹ ở Afghanistan dùng một quả lựu đạn cầm tay làm từ một quả mìn chống bộ binh được tái chế, được gọi là đạn dược, ngăn chặn truy đuổi.
Theo Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, lực lượng Nga đã sử dụng hơn một chục loại mìn chống bộ binh khác nhau ở Ukraine. Kể từ chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine năm 2022, Nga vẫn tiếp tục triển khai mìn chống bộ binh và loại vũ khí này được phát hiện ở 11 trong số 27 khu vực ở Ukraine.
Năm ngoái, một cuộc điều tra của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phát hiện ra rằng lực lượng Ukraine cũng đã bắn tên lửa pháo có chứa mìn chống bộ binh vào một khu vực do Nga kiểm soát ở miền đông Ukraine.
Tại sao mìn chống bộ binh lại gây tranh cãi?
Mìn có thể khiến những đối tượng không tham chiến bị thương hoặc thiệt mạng, thậm chí xảy ra nhiều năm hay nhiều thập niên sau khi chiến sự chấm dứt.
Theo Chiến dịch quốc tế cấm mìn, năm 2022, mìn đã giết chết 1.661 người và làm bị thương 3.015 người. Dân thường chiếm 85% số thương vong đó và đáng buồn là một nửa trong số đó là trẻ em. Syria có số người bị thương và tử vong cao nhất, tiếp theo là Ukraine, Yemen và Myanmar.
Quân đội hoặc các nhóm lực lượng dùng mìn chống bộ binh hiếm khi lập bản đồ khu vực họ đã đặt mìn và do đó, mọi người, đặc biệt là trẻ em, đều không biết nơi nào có mìn để tránh.
Trong 20 năm qua, hầu hết các nước đã dừng hoặc phá hủy kho dự trữ mìn chống bộ binh của mình vì lo ngại về tác hại bừa bãi mà chúng gây ra.
Có một loại mìn cũ, thường được gọi là mìn "bám trụ", nghĩa là chúng có thể vẫn có chất nổ và gây chết người trong nhiều năm. Chúng có ngòi nổ cơ học cho phép chúng phát nổ miễn là các cơ cấu bên trong của nó vẫn còn nguyên vẹn.
Vào những năm 1970, quân đội Mỹ đã phát triển một loại mìn chống bộ binh mới hơn, kết hợp các thiết bị điện tử cho phép mìn tự hủy sau một khoảng thời gian được thiết lập trước. Tuy nhiên, các cơ chế an toàn này đôi khi không hoạt động.
Năm 1977, Hiệp ước cấm mìn (hay còn gọi là Công ước về Cấm sử dụng, tích trữ, sản xuất và chuyển giao mìn chống người và về việc phá hủy chúng) được ký kết và hiện nay 164 quốc gia đã tham gia thỏa thuận này.
Ukraine là một bên ký kết hiệp ước này, nhưng vẫn giữ im lặng về việc thừa nhận có dùng chúng hay không trong chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga. Còn Mỹ và Nga vẫn chưa ký hiệp ước này.