Dù thế, ông Putin cũng thận trọng rằng sẽ chờ xem hành động cụ thể của Mỹ. Diễn giải lời ông Putin, nhà báo Lucian Kim của NPR cho biết “chưa nhìn thấy dấu hiệu Mỹ rút quân khỏi Syria”, hơn thế trong thời gian 17 năm đóng quân ở Afghanistan, hầu như năm nào Mỹ cũng nói sẽ rút quân nhưng điều này vẫn chưa diễn ra.
Ngoài Nga, quyết định của Mỹ còn là tin mừng với Thổ Nhĩ Kỳ vốn xem lực lượng tay súng người Kurd ở Syria (YPG) - đồng minh của Mỹ trong cuộc chiến đánh IS ở Syria - là cánh tay nối dài của tổ chức ly khai đảng Công nhân người Kurd (PKK) ở miền Nam. Anadolu dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Hulusi Akar ngày 20-12 nói quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đang chuẩn bị một chiến dịch mới nhắm vào Syria.
Không phải là tin vui như với Nga hay Thổ Nhĩ Kỳ, quyết định của ông Trump mang lại bất mãn và lo lắng lớn cho đồng minh của Mỹ. Mỹ rút quân khỏi Syria là đòn đau với YPG. Ngày 20-12, đưa tin từ Beirut (Lebanon, giáp Syria), nhà báo Ruth Sherlock của NPR cho biết tại TP Kobani, tỉnh Aleppo giáp Thổ Nhĩ Kỳ, người Kurd đang đào đường hầm do lo ngại Thổ Nhĩ Kỳ tấn công khi họ không còn Mỹ để dựa dẫm. Nhà báo Sherlock dẫn lời nhiều nguồn tin YPG rằng việc Mỹ rút quân sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến phần còn lại của cuộc chiến đánh IS.
Tại Israel, Thủ tướng Benjamin Netanyahu nói ông tôn trọng quyết định của Mỹ nhưng sẽ theo dõi chặt lịch trình rút quân và các hệ quả dính tới Israel, đảm bảo an ninh Israel không bị ảnh hưởng.
Lý do ông Trump đưa ra quyết định rút quân khỏi Syria là chiến dịch đánh IS đã thành công không được nhiều đồng minh đồng tình, trong đó có Pháp - thành viên liên quân quốc tế đánh IS. Ngày 20-12, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly cho rằng IS “dù đang suy yếu hơn bao giờ hết nhưng chưa bị quét sạch khỏi bản đồ”.
Chẳng những bên ngoài mà ngay trong nội bộ Mỹ cũng có xáo trộn. Ngày 20-12, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis thông báo sẽ ra đi vào tháng 2-2019 vì bất đồng chính sách với ông Trump. Trước đó, ông Trump thông báo sẽ thay vị trí chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng quân đội Mỹ của tướng Joe Dunford.