Tranh cãi về phương án dạy cầu thủ nhí lặn để thoát ra ngoài

Các thợ lặn đang tính dạy các cầu thủ cách lặn để ra ngoài. Tuy nhiên trao đổi với CNN, chuyên gia lặn cứu hộ Anmar Mirza - thành viên Ủy ban Lặn Cứu hộ Quốc gia Mỹ - cho biết đây là phương án nguy hiểm nhất.

“Nó có thể khiến các thợ lặn bị rủi ro. Rủi ro lớn nhất là bản thân bọn trẻ. Lặn trong hang động là việc nguy hiểm khó hình dung thậm chí với những thợ lặn kinh nghiệm đầy mình. Giờ quý vị định làm điều này với những người chưa có chút kinh nghiệm hay có rất ít hiểu biết về lặn, đưa họ vào tình huống hoàn toàn mờ mịt, chỉ biết trông cậy vào thiết bị thở. Tụi nhỏ chỉ cần sơ sót rời thiết bị thở này trong 1-2 phút thôi là thảm họa liền” – chuyên gia Mirza lo ngại.

Theo chuyên gia Mirza, phương án an toàn nhất là để bọn trẻ ở lại hang động, cung cấp đầy đủ nhu yếu phẩm và chăm sóc y tế cần thiết cho chúng đến khi nào nước rút, hay tìm được một lối vào khác khô ráo hơn.

Chuyên gia lặn người Anh John Volanthen trước cửa hang động Tham Luang bắt đầu một đợt tìm kiếm. Ảnh: GETTY IMAGES

Chuyên gia lặn người Anh John Volanthen trước cửa hang động Tham Luang bắt đầu một đợt tìm kiếm. Ảnh: GETTY IMAGES

Cùng quan điểm với chuyên gia Mirza, chuyên gia lặn quốc tế Edd Sorenson thuộc tổ chức phi lợi nhuận Lặn và Cứu hộ Quốc tế (Mỹ) nói với BBC rằng đội bóng nhí Thái Lan nên ở lại hang động vài tuần nữa chờ nước rút, thay vì mạo hiểm lặn ra ngoài lúc này.

Giống chuyên gia Mirza, chuyên gia Sorenso cũng cho rằng thậm chí với các thợ lặn được huấn luyện tốt và có kỹ năng tốt, với điều kiện hiện tại trong hang động – tối tăm và nước liên tục dâng, bơi ra ngoài cũng “cực kỳ nguy hiểm”. Vì thế với các cầu thủ nhí vốn chưa được huấn luyện về bơi, lặn thì điều này sẽ là “một sự nguy hiểm không thể tin được”.

“Khả năng cực kỳ cao là chúng sẽ trở nên hoảng loạn một khi lặn xuống nước” – theo ông Sorenson.

“Miễn là tụi nhỏ biết chúng ta đã tìm thấy chúng, chúng được cung cấp thực phẩm, nước uống, ánh sáng, được giữ ấm, an toàn nhất là đợi đã. Đưa chúng xuống nước lúc này không chỉ cực kỳ nguy hiểm cho tụi nhỏ và huấn luyện viên mà cả với các nhân viên cứu hộ” – theo ông Sorenson.

Dàn máy bơm vẫn hoạt động hết công suất từ nhiều ngày nay, bơm được khoảng 1,6 triệu lít nước ra khỏi hang động mỗi giờ. Tuy nhiên chỉ nhờ vào các máy bơm thì sẽ khá lâu vì nước trong hang động vẫn tiếp tục dâng do mưa lớn.

Hai chuyên gia lặn người Anh: Richard Stanton (thứ hai từ trái sang) và John Volanthen (phải) tiếp tục có mặt tại hang động Tham Luang tham gia cứu hộ đội bóng nhí. Ảnh: GETTY IMAGES

Hai chuyên gia lặn người Anh: Richard Stanton (thứ hai từ trái sang) và John Volanthen (phải) tiếp tục có mặt tại hang động Tham Luang tham gia cứu hộ đội bóng nhí. Ảnh: GETTY IMAGES

Chuyên gia lặn Peter Wolf, Giám đốc Hiệp hội Thợ lặn trong hang động Úc nhận định chiến dịch giải cứu đội bóng nhí Thái Lan sẽ phải mất hàng tháng. Theo ông, không thể sớm hơn được với tình hình các cầu thủ nhí không thể bơi ra khỏi hang động.

“Phương án tốt nhất là để chúng ở lại đó, ổn định lại môi trường chúng ở, đáp ứng được các nhu cầu cơ bản. Vì môi trường ướt át nên phải giữ chúng luôn được khô ráo và ấm áp, cung cấp thực phẩm, nước sạch, không khí sạch cho chúng” – theo ông Wolf.

Lực lượng cứu hộ quốc tế, ngoài lực lượng đặc nhiệm hải quân Thái Lan (Navy Seal) còn có binh sĩ Mỹ và hàng chục chuyên gia Anh, Úc, Trung Quốc đang phải đối mặt với các thách thức về hậu cần.

Và theo chuyên gia Wolf, với chiều dài của hang động – dài nhất Thái Lan – và các điều kiện hiện tại – ngập nước, ngập bùn, tối tăm, “sẽ có rất ít thợ lặn trên hành tinh này có thể mang được các thứ cần thiết đến cho bọn trẻ”.

Tuy nhiên ông Wolf tin đội bóng nhí sẽ nhận được những thứ cần thiết trong thời gian chờ giải cứu vì trong đội chuyên gia lặn hiện có mặt tại hang động Tham Luang “có nhiều chuyên gia kinh nghiệm thuộc hàng bậc nhất thế giới, đặc biệt trong lĩnh vực lặn tìm kiếm và cứu hộ”.

Chuyên gia Wolf có 10 năm kinh nghiệm lặn trong hang động, cho biết chiến dịch giải cứu tương tự vụ đội bóng nhí Thái Lan và thành công mà ông biết là chiến dịch giải cứu 12 thợ lặn hang động chuyên nghiệp bị mắc kẹt trong hang động Pannikin Plains ở Úc ngập nước vì lũ thập niên 1980.

Đội bóng nhí Thái Lan có thể phải ở lại hang động từ vài tuần tới vài tháng. Ảnh: CNN

Đội bóng nhí Thái Lan có thể phải ở lại hang động từ vài tuần tới vài tháng. Ảnh: CNN

Có vẻ chính quyền tỉnh Chiang Rai cũng cùng quan điểm và phương án với các chuyên gia, khi khuya 2-7 sau khi tìm thấy đội bóng nhí, Tỉnh trưởng Narongsak Osottanakorn của tỉnh Chiang Rai cho biết trước mắt lực lượng cứu hộ sẽ hút sạch nước trong hang động ra ngoài rồi mới tiến hành đưa 13 thành viên đội bóng ra.

Trong khi đó cảnh sát hoàng gia Thái Lan cho biết có kế hoạch cung cấp cho đội bóng một lượng thức ăn có thể ăn trong 4 tháng.

Đội bóng nhí Lợn Rừng của Thái Lan được tìm thấy còn sống sót khuya 2-7, sau 9 ngày mắc kẹt trong hang động ngập nước Tham Luang Nang Non ở tỉnh Chiang Rai.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm