Cách điều trị ngộ độc thực phẩm bằng than hoạt tính

Than hoạt tính được làm từ gỗ hoặc các phế chất hữu cơ khác như xơ dừa, vỏ gáo dừa.

Than hoạt tính không độc. Khi uống không hấp thu vào máu mà thải ra ngoài theo phân (tạo màu đen). Than hoạt tính có vai trò quan trọng trong xử trí và điều trị ngộ độc thực phẩm.

Một số hướng dẫn sử dụng than hoạt tính khi ngộ độc thực phẩm:

- Ngộ độc thực phẩm cấp tính do vi sinh vật và độc tố: Được dùng ở dạng viên nén nhai, viên nang, viên bao đường với liều thường dùng 62,5-125 mg/lần x 2-3 lần/ngày. Uống sau bữa ăn, trong vòng 4-5 ngày.

Trường hợp ăn khó tiêu, người lớn có thể dùng 125 mg/lần x 2-3 lần/ngày.

- Ngộ độc thực phẩm cấp tính do hóa chất: Thường dùng ở dạng bột mịn hoặc dạng nhũ dịch.

+ Dạng bột mịn: Người lớn dùng 50 g, khuấy trong 250 ml, lắc kỹ trước khi uống, có thể dùng ống thông dạ dày. Nếu nhiễm độc nặng nhắc lại nhiều lần 25-50 g, cách nhau 4-5 giờ. Có thể phải kéo dài đến 48 giờ.

Trẻ em dùng 1 g/kg thể trọng. Trường hợp nặng có thể lặp lại 4-6 giờ.

+ Dạng nhũ dịch: Liều dùng mỗi ngày đối với người lớn là 200 ml, trẻ em 100 ml.

Những điều cần lưu ý:

- Uống quá nhiều than hoạt tính có thể gây táo bón, gây buồn nôn, nôn mửa.

- Không uống than hoạt tính thường xuyên và lâu dài. Lý do: Khi vào đường tiêu hóa, than hoạt tính không chỉ liên kết các chất độc mà còn làm giảm tác dụng của nhiều chất có lợi trong cơ thể (các men, vitamin, acid amin...).

- Không uống than hoạt tính cùng một lúc với các thuốc khác mà nên uống cách nhau khoảng hai tiếng. Nguyên do: Than hoạt tính có thể hấp thu loại thuốc dùng chung, dẫn đến làm giảm sự hấp thu thuốc vào máu và làm giảm tác dụng của thuốc.

- Không dùng than hoạt tính trong trường hợp bệnh nhân hôn mê sâu, đang cơn co giật; người uống phải xăng dầu, các hóa chất có sắt, acid hay kiềm mạnh.

- Không cho trẻ em dưới hai tuổi uống than hoạt tính.

ThS-BS KHÂU MINH TUẤN, Trưởng khoa Cấp cứu tổng hợp, BV Nhân dân 115 (TP.HCM)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm