Tránh để trẻ chết đuối do sơ cứu sai cách

Hầu hết những ca đuối nước đều xảy ra ở các bé khá nhỏ tuổi, gia đình đưa đến bệnh viện (BV) sau thời gian sơ cứu quá lâu, dẫn đến khả năng cứu sống rất thấp hoặc tuy có thể cứu sống nhưng để lại những biến chứng nặng trong tương lai.

Tử vong trong xô nước 2 cm

Trường hợp bé trai PTT sinh vào tháng 9-2014 (quận 8, TP.HCM), sau một hồi không nhìn thấy con trong nhà, gia đình đi tìm mới phát hiện bé nằm dưới ao nuôi tôm gần đó. Khi phát hiện toàn thân bé đã tím tái, ngưng tim, ngưng thở. Được biết ngay sau khi vớt lên bé đã được sốc nước, mất 20 phút sơ cứu rồi mới đưa đến BV quận. Tại đây, bé được đặt nội khí quản, hồi sức tim phổi, nhồi tim nhưng không khả quan nên gia đình phải mất thêm hơn 30 phút đưa bé vào Nhi đồng 1. Bé T. nhập viện Nhi đồng 1 được các bác sĩ hồi sức tim, phổi tích cực, tim có dấu hiệu đập lại. Nhưng khi bé vào cấp cứu, đồng tử đã giãn do thiếu ôxy não từ lâu, bé bắt đầu hôn mê sâu. Các bác sĩ đã cố gắng chống sốc, tiêm thuốc trụy mạch nhưng bé T. đã tử vong vài giờ sau đó.

Không chỉ ở ao hồ mới tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, vừa qua có trường hợp đau lòng hơn khi bé tử vong do đuối nước ngay tại nhà, trong một xô chỉ chứa hơn 2 cm nước. Nạn nhân là bé gái 13 tháng tuổi (quê Đồng Nai) chỉ mới bập bẹ biết đi, chạy chơi và chúi đầu vào xô chỉ chứa hơn 2 cm nước. Một lúc sau gia đình phát hiện thì bé đã ngưng tim, ngưng thở. Sau nhiều thời gian sơ cứu và chuyển lòng vòng từ BV này sang BV khác, khi nhập viện Nhi đồng 1 bé đã trong tình trạng trụy mạch, ngưng tim phổi, đồng tử giãn, bác sĩ cấp cứu hồi sức tích cực nhưng không qua khỏi và tử vong hai ngày sau đó.

Trẻ đuối nước được cấp cứu tại BV Nhi đồng 1. Ảnh: HÀ PHƯỢNG

Cẩn trọng khi dã ngoại trong dịp hè

BS Đinh Tấn Phương, Phó khoa Cấp cứu, BV Nhi đồng 1, chia sẻ một trong những tai nạn thường gặp nhất ở khoa cấp cứu dịp hè là chết đuối, trong đó có chết đuối trong nhà, gần nhà và trong những chuyến đi chơi.

Lý do các bậc phụ huynh vô tình đưa con trẻ rơi vào “bẫy nước” chính là sự quản lý bé chưa chặt chẽ. Không chú ý đến các ao hồ hoặc những ao nuôi cá tôm, quá chủ quan với những vật dụng chứa nước trong nhà.

Để phòng ngừa và hạn chế tối đa tử vong do đuối nước ở trẻ em, BS Đinh Tấn Phương hướng dẫn: Nắm được thời gian trẻ ngạt nước trong bao lâu cực kỳ quan trọng trong việc trợ giúp các bác sĩ cấp cứu. Sơ cứu ban đầu là điều quan trọng thứ hai quyết định sự sống còn của bệnh nhân.

Khi phát hiện trẻ bị đuối nước, tốt nhất người cứu phải biết bơi giỏi mới nên nhảy xuống cứu trẻ. Do quá hoảng loạn nên người đuối nước không kiểm soát được bản thân mình, nếu người cứu không bình tĩnh hoặc kỹ năng bơi lội kém sẽ dễ dẫn đến đuối nước tập thể. Trong trường hợp người cứu không biết bơi hay bơi yếu, cần dùng vật dụng nổi vứt ra cho trẻ làm phao, sau đó tìm cách vớt lên, đưa vào bờ từ từ và tiến hành sơ cứu.

Sơ cứu ban đầu rất quan trọng

Bước đầu, phải đánh giá tình trạng đuối nước, lay trẻ xem trẻ còn cử động hay không, nếu không chắc chắn trẻ bị ngưng tim, ngưng thở. Lúc này cần đánh giá trẻ nhanh để hồi sức tim phổi. Đối với các bé lớn tuổi, người sơ cứu ấn hai tay vào giữa ngực, ấn tim, độ mạnh vừa phải mỗi lần ấn tim và tầm 15 cái. Sau khi ấn, kiểm tra nếu bệnh nhân không thở, lồng ngực không di chuyển, cần hà hơi thổi ngạt theo tỉ lệ 30:2, tức 30 lần ấn tim và hai lần thổi ngạt. Để ít xảy ra tai biến, cần đặt trẻ nằm trên một vị trí bằng phẳng và cứng.

“Thường với người không chuyên khó nhận biết hiệu quả cách ấn của mình, vì vậy lưu ý khi ấn thì một tay để lên vị trí ấn, một tay để ở cổ, nách hoặc bẹn để kiểm tra mạch có nảy không, nếu có tức là ấn tim hiệu quả. Sau 15 lần ấn tim, kiểm tra lồng ngực bệnh nhân mà thấy lồng ngực không di động cần ấn tim kết hợp thổi ngạt bệnh nhân” - BS Phương lưu ý.

Cách thổi ngạt đúng nhất là ngửa cổ bệnh nhân, bóp mũi thông đàm nhớt sau đó đặt miệng thổi trực tiếp, nếu lồng ngực không nhô lên thì phải kiểm tra xem miệng bệnh nhân vì rất có thể trong miệng có dị vật.

Hoạt động ấn tim, hà hơi thổi ngạt nên làm cho đến khi nào trẻ tự thở được. Bên cạnh đó, gia đình cần nhanh chóng chuyển bé đến cơ quan y tế gần nhất. Lưu ý trong thời gian chờ cấp cứu vẫn ấn tim thổi ngạt, nếu ngưng sẽ làm lượng máu lên não không đều, nguy hiểm đến trẻ.

BS Phương cảnh báo các gia đình tuyệt đối không làm các biện pháp sơ cứu dân gian như lăn lu đốt lửa, chổng ngược bé lên sốc nước hay vác lên vai chạy sốc cho bé ói ra. Vì ngạt nước là trạng thái ngưng tim, ngưng thở, sơ cứu quan trọng nhất là làm cách nào để đưa máu lên não, phục hồi hệ thống tuần hoàn, kéo dài thời gian cho bệnh nhi.

Ba trẻ đuối nước do cứu nhau

Sáng 6-6, năm em gồm Nguyễn Thị Thu Hằng (tám tuổi), Nguyễn Minh Anh Sơn (12 tuổi), Nguyễn Minh Anh Thư (chín tuổi), Nguyễn Minh Tú (12 tuổi), Nguyễn Thị Châu Anh (bảy tuổi) rủ nhau đi câu cá tại sông Phổ Lợi (Phú Dương, Phú Vang, Thừa Thiên-Huế). Một em nhỏ bị trượt chân ngã xuống sông, bốn em nhỏ còn lại cùng lao xuống cứu. Không may ba em tử vong, hai em còn lại được người dân phát hiện kịp thời cứu sống. Ba em tử vong được xác định là Nguyễn Thị Thu Hằng, Nguyễn Minh Anh Sơn và Nguyễn Minh Anh Thư, trong đó Sơn và Thư là anh em ruột.

NGUYỄN DO

________________________________

Trung bình BV Nhi đồng 1 tiếp nhận 20-30 ca do đuối nước mỗi năm. Do tính chất là BV tuyến cuối nên những bệnh nhân chuyển lên đây đều là trường hợp rất nặng. Như vậy, con số ở Nhi đồng 1 chưa đại diện cho số trẻ bị đuối nước trên toàn TP. Số trẻ tử vong tại đây chỉ khoảng 10% số trẻ nhập viện do đuối nước.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm