Cầu thủ nhập tịch không xấu xí như VFF nghĩ

Chúng tôi không kết luận bầu Đức đúng hay sai nhưng họ ước ao được khoác áo tuyển Việt Nam khi đã có tấm hộ chiếu Việt Nam là có thật và thậm chí rất cháy bỏng.

Những vụ cầu thủ ngoại được CLB thuyết phục và lo các thủ tục để nhập tịch là có thật và chuyện cầu thủ chịu nhập tịch để có được khoản lót tay kha khá (do được đăng ký là cầu thủ nội, có lợi cho CLB) nhưng một khi đã là “người Việt” thì họ rất khát khao được cống hiến và thậm chí họ cay cú khi không được gọi lên đội tuyển. Trước đây có cầu thủ còn đòi đâm đơn kiện vì sao phân biệt họ khi họ đã là công dân Việt Nam.

Những cầu thủ từng được gọi vào tuyển trước đây như Phan Văn Santos, Huỳnh Kesley, Hoàng Max… toàn là những cầu thủ khát khao cống hiến cho đội tuyển Việt Nam. Thậm chí còn cao hơn cả số ít cầu thủ nội.

Kesley từng lên đội tuyển và thể hiện quyết tâm lẫn cống hiến còn cao hơn cả nhiều cầu thủ nội.  Ảnh: CTV

Có thời gian rất dài chúng tôi tiếp cận với gia đình Kesley, từ vợ Kesley (người Việt), cha mẹ vợ, bà con bên vợ và cha ruột của Kesley từ Brazil sang Việt Nam thăm con đều phấn khởi và hưng phấn. Riêng cha của Kesley từng mừng, ôm con và chia sẻ với gia đình bên vợ là rất hân hạnh khi con trai của ông được khoác áo đội tuyển Việt Nam.

Thậm chí vợ của Kesley, nữ doanh nhân Lệ Lộc, còn “vẽ” ra viễn cảnh: “Hàng công của tuyển Việt Nam mà chồng em, Kes (Lệ Lộc hay gọi chồng là Kes - NV) đá cặp với Công Vinh thì tuyệt vời anh nhỉ!”.

Thật vậy, giấc mơ của Kesley khoác áo tuyển Việt Nam chỉ được thời gian ngắn khi HLV Calisto dẫn dắt. Sau đó vị HLV Bồ Đào Nha này bị “chiếu chỉ” áp xuống không được gọi cầu thủ nhập tịch nữa… Từ đó cả đại gia đình Kesley thất vọng, riêng cầu thủ này thì rất buồn.

Tương tự thế là Phan Văn Santos, cuộc sống của thủ môn người Brazil này sau khi chia tay bóng đá, gia đình anh vẫn đang ở Phú Mỹ Hưng, TP.HCM. Santos trước đây cũng được HLV Calisto gọi vào tuyển và anh cũng cực kỳ lấy làm hạnh phúc. Hoàng Max (hiện khoác áo B. Bình Dương) cũng thế. Thậm chí anh còn học hát quốc ca để có cơ hội hát khi khoác áo đội tuyển Việt Nam.

Chúng ta không hình dung được một cầu thủ ngoại, có thể ở quốc gia của họ, họ chỉ là cầu thủ xoàng xĩnh nhưng khi nhập tịch, niềm ước ao được khoác áo đội tuyển của họ lớn chừng nào. Họ rất khát khao cống hiến. Có lẽ nhiều người trong chúng ta chưa hiểu hết ước muốn khoác áo tuyển quốc gia của họ… nên chỉ suy nghĩ đơn giản là họ vì tiền. Nhưng đó không phải trọng tâm của vấn đề.

Ngày xưa khi HLV Riedl chia tay lần thứ hai bóng đá Việt Nam sang Palestine làm đội tuyển, HLV Riedl viết bài báo trên tạp chí Kicker của Đức, kêu gọi những cầu thủ khắp thế giới về khoác áo tuyển Palestine. Thế là hàng chục cầu thủ Nam Mỹ, châu Phi tìm đến khoác áo Palestine đó thôi. Họ bất chấp hiểm nguy tính mạng của vùng đất chiến tranh triền miên để khoác áo tuyển Palestine cơ mà.

Tất nhiên khi gọi vào tuyển cũng cần phải thẩm định tư cách đạo đức cầu thủ đó ra sao, chuyên môn thế nào. Không gọi ào ạt biến thành “đội bóng ngoại”. Những ngày này thì cầu thủ vừa nhập tịch Merlo Gaston của SHB Đà Nẵng (tên Việt là Đỗ Merlo) cũng sẵn sàng cống hiến cho màu áo tuyển nếu vinh dự được gọi vào đó thôi.

Hy vọng là những nhà làm bóng đá, đặc biệt là những ông bầu từng thuyết phục cầu thủ ngoại nhập tịch để có lợi cho CLB của mình đừng xem các cầu thủ nhập tịch đến với bóng đá Việt Nam chỉ vì một chữ tiền.

Bàn việc nên hay không với cầu thủ nhập tịch đã là sai rồi!

Sau khi nghe và xem các quan chức VFF bàn về việc nên hay không nên cho cầu thủ nhập tịch tham gia đội tuyển, cựu tuyển thủ Nguyễn Mạnh Dũng đã chia sẻ: “Tôi chỉ xin đưa ra ý kiến rằng cầu thủ nhập tịch là những người nước ngoài đã nhập quốc tịch và định cư tại Việt Nam thì mặc định họ là công dân Việt Nam. Chính vì vậy khi bàn luận nên hay không nên để họ khoác áo đội tuyển quốc gia thì đã là sai rồi!”.

NH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm