Chuyện các cầu thủ có gốc gác Việt Nam mong muốn khoác áo quê hương vẫn thường thấy ở đội tuyển. Đó là điều rất đáng trân trọng. Tuy nhiên, điều đáng đề cập là quy trình tiếp nhận và tiếp cận quá dễ dãi ở các đội tuyển khiến nhiều người cảm thấy đội tuyển giống như một bãi tập kiểu đá phủi mà ai giới thiệu cũng có thể lên tuyển được.
Trước thềm AFF Cup 2016, khi đội tuyển Việt Nam tập trung ở TP.HCM cũng có một thanh niên làm đơn rồi đến tiếp cận với HLV Nguyễn Hữu Thắng và HLV này vô tư nhận đơn của anh thanh niên “ngổ ngáo” kia.Trước đây, đội tuyển Việt Nam cũng có những cầu thủ gốc gác Việt Nam như Ludovic Cassette đến Emile Lê Giang… và rất nhiều cầu thủ khác thuộc dạng Tây ba lô đá bóng, về Việt Nam xin thử việc. Thà là thử ở các CLB, đằng này là thử trong đội tuyển và lạ là cũng được chấp thuận.
Ở xứ người, nhiều cầu thủ cứ tưởng bóng đá Việt Nam rất nghiệp dư đến độ ở nước ngoài chơi cho CLB này nọ là có thể về tham gia đội tuyển. Bản thân những cầu thủ kiều bào có mong muốn khoác áo tuyển đó là điều rất đáng trân trọng nhưng một khi ai đó giới thiệu họ với HLV trưởng các đội tuyển quốc gia thì phải có trách nhiệm cao và phải nắm thật kỹ chuyên môn của cầu thủ lẫn người giới thiệu. Đó phải là người có chuyên môn cao, biết rất rõ, cùng có những video các trận đấu của những cầu thủ này rồi có sự cân nhắc trước khi mời tham gia đội tuyển. Đằng này nhiều khi chỉ nghe phong thanh đang đá ở châu Âu, thế là cũng được về tập trung đội tuyển thật dễ dãi.
Cũng cần biết là việc ưu ái đấy vô tình làm chính các cầu thủ của nhiều CLB tranh nhau từng suất lên tuyển cảm thấy thiếu công bằng trong việc lên tuyển từ nhiều nguồn.
Việc dễ dãi đấy của những nhà chức trách của bóng đá Việt Nam vô tình hạ thấp cái “thương hiệu” của các đội tuyển.
Giới chuyên môn từng nói nhiều về việc đội tuyển Việt Nam cũng từng nuôi phải “hàng dỏm” cho một cầu thủ tiền đạo ở châu Âu về có biên chế trong tuyển quốc gia lẫn U-23 quốc gia suốt một thời gian dài.
Nên học các nước Đông Nam Á về quy trình tuyển chọn cầu thủ dạng có nguồn gốc. Chẳng hạn đội tuyển Thái Lan khi tuyển Cherryl Chappuis. Dù biết rằng đây là cầu thủ đã đảm bảo là cầu thủ đá chính từng vô địch World Cup U-17 trong màu áo U-17 Thụy Sĩ nhưng khi có nguyện vọng khoác áo đội tuyển Thái Lan thì tiền vệ này về quê mẹ (Chappuis có cha người Thụy Sĩ, mẹ người Thái Lan) đá CLB Suphanburi hai mùa mới thuyết phục được các HLV. Hay trường hợp Davies Matthew của Malaysia cũng thế. Cầu thủ Úc này đã chơi nhiều mùa tại M-League, thể hiện chuyên môn tốt rồi thì mới được vào đội tuyển. Hay Indonesia với những cầu thủ mang hai dòng máu muốn khoác áo các đội tuyển Indonesia thì phải qua quy trình kiểm tra và thực tế rất lâu.
Tại đội tuyển các cấp ở Việt Nam, ai đã tạo ra một “quy chế” dễ dãi như thế, đến độ chỉ cần thân, quen và ngỏ lời “cậu này đá hay lắm ở nước ngoài” thế là có cửa lên tuyển (!?).