Chấn thương trong buổi tập của Công Phượng có thể không nghiêm trọng nhưng vấn đề ở đây là cầu thủ này đang sức cùng lực kiệt và chấn thương chỉ là dấu hiệu của một thể trạng đang đuối.
Chấn thương của Công Phượng được giới kinh nghiệm trong chấn thương thể thao nói rằng nhiều khả năng bắt nguồn từ hoạt động quá tần suất, không có thời gian hồi phục.
Kể từ khi “xuống núi” năm 2013, khoác áo U-19 quốc gia đá giải Đông Nam Á đến nay tiền đạo này tham dự quá nhiều giải và gần như giải nào còn trong độ tuổi Phượng cũng đều có mặt. Cầu thủ này đã phải ra sân tất tần tật và thậm chí có lần đang tập huấn cùng đội tuyển cũng bị kêu về đá trận giao hữu của U-23 vì địa phương tổ chức trận đấu đã “rao” cái tên Công Phượng (!?). Thời điểm đấy HLV Miura còn dẫn dắt cả đội tuyển lẫn đội U-23 và ông rất bực mình vì lý do đấy nhưng cũng phải nhượng bộ “nhả” Công Phượng về cho vui lòng nhiều người.
Công Phượng bị khai thác quá nhiều từ đội tuyển xuống các đội trẻ và cả ở nhiều trận giao hữu thương mại. Ảnh: XUÂN HUY
Công Phượng bị ví là “gà đẻ trứng vàng” vì cái tên rất hot và “trưng” ở đâu cũng hái ra tiền nên thường được “người lớn” khai thác tối đa. Từ CLB, nhà tài trợ đến cả ban tổ chức các giải đấu cũng thế.
Xuyên suốt quá trình tham gia các giải và cả các trận giao hữu của Công Phượng, không khó để nhận ra cầu thủ này đã hoạt động rất lớn với tần suất cao và rất ít thời gian để hồi phục tích cực.
Ở nhiều quốc gia, thường thì cầu thủ trẻ đã thành danh ở đội tuyển ít khi quay lại đá liên tục ở các giải trẻ nhiều năm liền theo kiểu “chạy show” cả đội trẻ lẫn đội tuyển. Thế nhưng với Công Phượng, ở một nền bóng đá mà mới đây HLV Park Hang-seo đã chỉ ra là yếu thể lực, yếu sức mạnh thì hoạt động và bị khai thác với tần suất liên tục như Công Phượng rõ ràng cần phải xem lại.
Ở Anh, từ khi Rooney được gọi lên đội tuyển năm 17 tuổi, sau đó anh đâu có khoác áo các đội tuyển trẻ Anh nữa. World Cup U-20 hồi tháng 7 tại Hàn Quốc, Pháp có cả chục tuyển thủ 18, 19 tuổi như Mbappe, Hernandez… nhưng những cầu thủ này đã tiếp cận đội tuyển quốc gia rồi thì không quay về khoác áo các đội trẻ nữa.
Họ, những nền bóng đá khác, đã không nặng chuyện thành tích bằng việc khai thác kiệt sức các cầu thủ trẻ bởi đấy còn là trách nhiệm của những nhà chiến lược. Họ nghĩ đến sức khỏe, đến tương lai của cầu thủ đó gắn với sự phát triển của các tài năng trẻ.
Nhật, Hàn Quốc cũng thế thôi, khi những cầu thủ còn tuổi đá giải U mà đã lên tuyển quốc gia rồi thì nhường “suất” cho các cầu thủ trẻ khác. Còn cầu thủ trẻ có biên chế đội tuyển ấy tiếp tục được tôi luyện trong môi trường nghiệt ngã hơn (đội tuyển quốc gia) để phù hợp với môi trường phát triển.
Hoàn toàn khác hẳn với Công Phượng, kể từ năm 2013 đến nay cứ liên tục thi đấu đủ các giải lớn nhỏ cùng chịu biết bao nhiêu thứ áp lực khác từ trong và ngoài sân cỏ…
Nhân nói đến chuyện Công Phượng bị khai thác quá nhiều cũng cần tìm đến một cầu thủ trẻ cũng rất tài năng đang khoác áo CLB Hà Nội là tiền đạo Quang Hải. Ở với CLB Hà Nội, Quang Hải không bị khai thác quá và cũng không bị đẩy lên để “kiếm tiền” dù CLB Hà Nội hay những người làm sự kiện hoàn toàn có thể làm điều đấy với cầu thủ này.