NaviBank Sài Gòn từng tuyên bố làm bóng đá tử tế và từng có kế hoạch hoành tráng nhưng sau đó thì xóa sổ đội bóng. Sài Gòn Xuân Thành cũng làm bóng đá kiểu đại gia nhưng rồi quỹ đất thất bại kéo theo các dự án “gãy” và đội bóng cũng xóa sổ. Trước đó, Thép miền Nam - Cảng Sài Gòn được nuôi lay lắt từ mùa này sang mùa khác phần lớn cũng vì quỹ đất đẹp nơi đội Cảng Sài Gòn ăn tập trước đây nhưng rồi đất không có thì đội bóng cũng không còn.
Vừa qua việc Công Vinh mở học viện cũng có tiếng ra tiếng vào nhưng những người làm bóng đá tử tế lại khen rằng Vinh mở học viện mà không dựa vào quỹ đất (như nhiều người từng mở “dự án giấy” để nhắm lấy đất vàng) thì đã là một bước ngoặt. Chưa biết thành bại của Công Vinh thế nào nhưng rõ ràng nó khác với kiểu lập đội bóng, mở dự án rồi chăm chăm vào quỹ đất mà có đội bóng chuyển vùng vào cũng tính thế nhưng rồi “trạng chết, chúa cũng băng hà”. Thế là không biết đội bóng sẽ đi đâu, về đâu.
Nghe chuyện nhiều ông chủ hay nhiều CLB manh mún mở học viện thì nhiều người vui bởi như thế mặt bằng bóng đá trẻ sẽ phát triển. Tuy nhiên, cũng không ít người lo nếu học viện hay bóng đá chỉ là bình phong để có đất và được giao đất.