Nhiều người dân xã Tân Lập (huyện Tân Biên, Tây Ninh) cho biết sau các cuộc họp với xã đầu năm 2014, các ấp về triển khai cho người dân mức đóng tiền làm đường nông thôn mới (NTM) trong xã là 5 triệu đồng/hộ. Số tiền này đã khiến không ít bà con choáng váng.
Xin đóng tiền trả góp
Trưởng ấp Tân Tiến (xã Tân Lập) Nguyễn Hữu Hạnh cho biết: “Theo kế hoạch thực hiện mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, trong năm 2014, ấp sẽ thu mỗi hộ dân 1 triệu đồng, phấn đấu thu đạt 80%. Số tiền còn lại sẽ thu trong năm 2015. Và đối với hộ khó khăn sẽ vận động đóng làm nhiều lần”.
Tuy thế nhưng tiếp xúc với chúng tôi, nhiều hộ dân cho hay mức thu ấy là quá sức so với kinh tế của rất nhiều gia đình. Bà Trần Thị Cậy (tổ trưởng tổ phụ nữ số 6, ấp Tân Đông 2) có một tiệm tạp hóa nhỏ. So với nhiều nhà hàng xóm phải đi làm mướn, làm ruộng thì bà khá hơn. Thế nhưng khi ban ấp xuống thu tiền, bà chỉ có thể đóng 200.000 đồng, số còn lại xin được trả góp từ từ. Bà cố gắng “gương mẫu” vì làm trong tổ phụ nữ nhưng cũng bày tỏ bức xúc: “Tôi còn ráng chạy vạy được chứ nhiều người dân làm còn không đủ ăn làm sao mà đóng”.
Trường hợp của gia đình anh Trần Văn Ngô (tổ 1, ấp Tân Đông) càng bi đát hơn. Hai vợ chồng anh và bốn đứa con ở trong căn nhà nhỏ xíu quây bằng thiếc, nóng hầm hập. Anh chẳng có nghề ngỗng gì nên kiếm sống bằng việc giăng câu. Anh đi giăng câu ngày được ngày không, hôm nào “trúng” cũng chỉ kiếm được vài chục ngàn đồng. Thu nhập ấy chỉ đủ cho vợ chồng anh đắp đổi qua ngày. Vậy nên khi nghe việc họp ấp để thông báo đóng tiền, vợ chồng anh đành… né họp. Có người đi họp về nói lại phải đóng 1 triệu đồng trong năm 2014, anh rất lo lắng. “Tôi không biết sao bây giờ. Xã bắt đóng thì tôi phải chạy từ từ chứ bây giờ làm gì đủ tiền đóng” - anh Ngô cho biết.
Vợ chồng ông Nguyễn Văn Vẹn: “Vợ chồng tôi mót mì kiếm sống, không có tiền đóng đâu”.
Anh Trần Văn Ngô rất lo lắng về mức thu được thông báo.
Nhiều hộ không đóng nổi
Đồng cảnh ngộ, vợ chồng ông Nguyễn Văn Vẹn vì đã lớn tuổi (gần 60 tuổi) nên ít người kêu đi làm mướn. Ông bà ngày ngày đi mót mì kiếm sống, nhiều hôm bệnh cũng ráng dậy đi mót mì. Ông chưa tham dự cuộc họp ở ấp lần nào vì sợ nhắc chuyện đóng tiền. Ông Vẹn tâm sự: “Giờ tôi bệnh còn không có tiền mua thuốc, sao có đủ tiền đóng làm đường”.
Cùng nỗi niềm, chị Lê Thị Sơn (ấp Tân Tiến) đang chuẩn bị sinh con thứ hai, con trai lớn mới đi học. Chồng chị đi làm thợ hồ nuôi cả gia đình, tiền công thợ hồ chỉ đủ “làm ngày nào xào ngày đó”, chị lại đang mang thai nên không phụ chồng đi làm mướn được. Chị lo lắng cho biết khi nào ấp xuống thu tiền, chị sẽ xin đóng trả góp và xin giảm phần nào. Ngặt nỗi “nhà em không thuộc diện hộ nghèo, chắc không được giảm. Làm sao đóng nổi đây…” - chị Sơn lo lắng.
Trưởng ấp Tân Tiến Nguyễn Hữu Hạnh cho biết: Với mức thu mỗi hộ 1 triệu đồng trong năm 2014 nhưng đến giờ chỉ mới thu được chừng 20%-30% thôi, bởi người dân mới đóng nhiều loại tiền khác nữa như phí giao thông đường bộ, chi phí năm học mới. “Nhiều hộ xin giãn ra, thậm chí có hộ dân không có tiền, xin đổi bằng ngày công lao động…” - ông Hạnh thông tin.
MINH NGÔ
Xã khẳng định không sai Trao đổi với chúng tôi về những bức xúc của người dân, ông Trần Đình Bộ - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Lập cho hay: Xã cũng có nghe dân phản ánh là thu tiền cao quá. Nguồn vốn xây dựng NTM ở xã có 70% ngân sách nhà nước rót xuống, địa phương đối ứng vốn 30%, tương đương hơn 10 tỉ đồng. Số này chủ yếu vận động từ nhân dân, chia ra mỗi hộ dân khoảng 5 triệu đồng. Ông Bộ cũng cho biết xã sẽ vận động các doanh nghiệp, các nhà tài trợ thêm. “Xã đưa ra mức thu như vậy nhưng đấy là với các hộ có điều kiện, các hộ khó khăn thì tối thiểu 1 triệu đồng, hộ nào không đóng được thì tính sau…” - ông Bộ nói. Khi chúng tôi đặt câu hỏi “Theo Quyết định 800/QĐ-TTg ngày 4-6-2010 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2010-2020 thì huy động nhân dân đóng góp chỉ khoảng 10%?”, ông Bộ cho rằng: “Đấy là tỉ lệ tối thiểu, nếu xã huy động được vượt tỉ lệ đó cũng không sao, không có gì sai”. Huyện nói “không áp đặt, tùy khả năng của dân” Đặt vấn đề này với ông Lê Thiện Hồ, Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Biên, ông Hồ cho biết vì thời gian qua ông đang đi học tại TP.HCM nên không nắm được tình hình. “Tuy nhiên, vận động xây dựng NTM thì không được áp đặt, khả năng người dân đóng góp được bao nhiêu thì đóng” - ông Hồ nói. Chủ tịch huyện Tân Biên Nguyễn Văn Thông cũng khẳng định: “Chủ trương của huyện là không ép buộc dân đóng góp xây dựng NTM, dân nghèo thì không vận động, chủ yếu vận động một số doanh nghiệp và chủ trang trại lớn trên địa bàn”. Ông Thông cho hay huyện sẽ kiểm tra lại và có hướng chấn chỉnh ở xã Tân Lập. |