Báo cáo thiếu và không trung thực
Sau khi báo phản ánh, lãnh đạo xã có báo cáo gửi UBND huyện Lệ Thủy (Văn bản số 16 ngày 30-7) do ông Phan Quang Dũng, Chủ tịch UBND xã, ký. Trong đó nói báo nêu có khía cạnh đúng, có khía cạnh chưa chính xác, chưa đúng thực chất.
Chúng tôi đã làm việc với Bí thư Đảng ủy xã Lê Quốc Khanh và ông Phan Quang Dũng để minh định đâu là thông tin đúng, đâu là thông tin sai. Ông Dũng thừa nhận ký hợp đồng khống với nhà thầu từ 580 m lên thành 1.000 m ở đường thôn Tân Lỵ nhưng xã không đưa vào báo cáo gửi lên huyện. Việc thôn, xã thu tiền 280.000 đồng ăn tết của một số hộ nghèo, lãnh đạo xã thừa nhận là sai nhưng không đưa vào báo cáo gửi huyện. Về việc thu tiền của nạn nhân chất độc da cam, người tâm thần, hộ nghèo kiểu cào bằng với mức có thôn 3 triệu đồng mỗi nhân khẩu ở Tân Thái và thấp nhất hơn 400.000 đồng mỗi nhân khẩu ở một số thôn khác, cả ông Khanh, ông Dũng thừa nhận chưa phù hợp nhưng không sai. Nội dung này cũng bỏ ngoài báo cáo.
Vì sao không miễn, giảm cho các hộ nêu trên? Hai lãnh đạo xã Tân Thủy đồng thanh cho biết là ngoài việc không có chủ trương miễn, giảm thì không có hộ dân nào đi xin khất hoặc xin giảm, xin miễn. Tuy nhiên, gia đình cháu bé Dương Văn Minh phản ánh cháu bị tâm thần, không biết gì, sổ tâm thần điều trị ngoại trú, bố cháu đã ba lần đi xin, không được xã, thôn đồng ý. Người nhà của cháu kể lại có lần đi xin cho cháu, trưởng thôn nói: “Hắn chết thì có đi đường làng không mà xin?”.
Anh Điệp không biết chữ nhưng công an thôn giả chữ ký anh để phủ nhận những gì anh đã nói với báo chí. Ảnh: MQ
Bà Lướt gặp lại phóng viên vẫn nói vay nợ lãi cắt cổ, cán bộ thôn viết láo lời bà, bắt bà viết tên vào để xã gửi láo lên huyện. Ảnh: MQ
Bịa ra chữ viết, chữ ký người mù chữ
Người dân cho biết mấy ngày gần đây xã chỉ đạo công an xã và các trưởng thôn ở địa bàn có người phát biểu trên báo phải làm các văn bản không gặp báo chí, không nói chuyện với nhà báo, không cung cấp bất cứ thông tin gì về nghèo khó, nộp tiền đường.
Cụ thể, trường hợp bà Phạm Thị Lướt vay lãi cắt cổ để nộp tiền đường cho mẹ bà còn nợ từ năm 2012 vì năm 2013 khi mẹ bà mất, bà đến thôn xin miễn cho người chết, thôn không cho. Ông Trần Hữu Đấu, trưởng thôn, ép bà Lướt phải viết văn bản không nói như báo chí nêu. Bà Lướt không đồng ý, ông Đấu tự viết tường trình thay bà Lướt rồi biểu bà ký vào. Bà Lướt chỉ viết tên không ký, ông Đấu vẫn đưa nộp cho xã.
Con gái bà Dương Thị Ích, người đã từng kêu ca về việc nộp tiền đường, tố giác với chúng tôi rằng Trưởng Công an xã Dương Hữu Thận viết sẵn nội dung, xong bắt bà chép lại, ký tên nói thông tin báo đưa không có thật để xã gửi huyện.
Vợ ông Trần Quang Toán bị tâm thần 30 năm vẫn phải nộp tiền đường cũng nói với chúng tôi không viết văn bản nào gửi xã cả. Thế nhưng ở công an xã có văn bản nói là bản viết tay của bà phủ nhận những gì bà nói trước đó.
Tại xã Tân Thủy có một bản viết tay được nói là của anh Dương Văn Điệp nói không biết các thông tin báo nêu. Bản viết tay có dấu hiệu là bản khai được ngụy tạo và bịa ra chữ ký của người không biết chữ. Anh Điệp gặp lại các nhà báo và nói: “Họ tự làm, tui không biết chữ thì răng viết, răng ký được”.
Rất nhiều trường hợp khác tố giác với chúng tôi họ bị làm khống chữ ký và cán bộ địa phương viết những lời phủ nhận việc báo nêu hoặc viết xong đưa đến ép ký.
MINH QUÊ
Hôm qua (1-8), Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Bình cử đoàn công tác nắm bắt thông tin vụ Tân Thủy do ông Phạm Minh Hải, Phó Giám đốc Sở, dẫn đầu đã làm việc với UBND huyện Lệ Thủy. Khi xem văn bản báo cáo từ ông Năm, đoàn không nhận báo cáo mà về địa phương tiếp xúc với những hộ dân mà báo phản ánh để lắng nghe ý kiến, tình cảnh của họ… |