Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu việc xây dựng đề án NTM phải căn cứ vào khả năng nguồn vốn của ngân sách và các nguồn huy động khác… để từ đó xác định lộ trình xây dựng NTM phù hợp, không nóng vội chạy theo thành tích.
Thủ tướng cũng yêu cầu việc huy động đóng góp của người dân phải được bàn bạc dân chủ và được sự đồng tình của người dân. Tuyệt đối không được yêu cầu dân đóng góp bắt buộc và huy động quá sức dân. Ngoài ra, không được yêu cầu những hộ dân nghèo, người già, người tàn tật, hộ khó khăn, gia đình chính sách… phải đóng góp. Đồng thời, phải tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu và tự nguyện tham gia. Thủ tướng cũng chỉ đạo: Nơi nào, cấp nào để xảy ra tình trạng huy động quá sức dân, gây khó khăn trong việc xác nhận và giải quyết quyền lợi chính đáng của nhân dân thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm và phải bị xử lý nghiêm khắc.
Ngày 25.7.2014, Pháp luật TP.HCM có đăng bài Vay tín dụng đen nộp tiền xây dựng NTM phản ánh chuyện ở xã Tân Thủy (Lệ Thủy, Quảng Bình) người đau gần chết cũng phải nộp tiền xây dựng NTM, người bị nhũn não cũng phải nộp, người ngồi xe lăn cũng phải nộp khiến sức dân ngày càng mỏi mệt.
Chưa hết, khi bài báo đến tay bạn đọc, nhiều bà con ở xã Tân Thủy tiếp tục thông tin ở xã này còn có những trường hợp bị thu tiền làm đường bê tông hết sức kỳ quặc. Có trường hợp có sổ điều trị bệnh tâm thần vẫn nằm trong danh sách phải đóng tiền làm đường. Ai chưa hoặc không đóng thì bị réo tên trên loa. Xấu hổ vì bị bêu tên, có gia đình phải đi vay tiền đóng được một nửa, một nửa còn lại bị cấn trừ khi họ được hỗ trợ tiền ảnh hưởng bão của một chương trình từ thiện.
Vợ chồng ông Trị đi xe lăn cũng bị thu tiền xây dựng NTM và cấn trừ tiền từ thiện.
Phóng viên có tìm hiểu 12 thôn ở xã Tân Thủy thì thực ra không phải trưởng thôn nào cũng ép dân. Khi diễn ra cuộc vận động dân góp tiền làm đường, đã có trưởng thôn góp ý nên miễn hoặc giảm cho các đối tượng khó khăn, chất độc da cam, tâm thần, già cả neo đơn... thì bị xã đe nẹt ngay nên không dám “hó hé”.
TRÀ PHƯƠNG-PV