Theo dòng

Bài học khoan sức dân chưa thuộc!

Cụ thể, ở xã Tân Thủy (Lệ Thủy, Quảng Bình), có những gia đình hoàn cảnh đáng thương, bệnh tật, nghèo khó… vẫn phải cố xoay xở mọi cách để có tiền đóng cho xã làm đường nông thôn mới, nếu không sẽ bị cắt sổ hộ nghèo, cận nghèo, thậm chí bị cúp tiền hỗ trợ bão lụt... Dân điêu đứng khổ sở như thế còn cán bộ xã thì chỉ lạnh lùng: “Không có chủ trương giảm, miễn với các hộ nghèo, ai nợ thì địa phương để đó đã, không có chuyện miễn, giảm cho”.

Trước đó, Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh tại xã Phong Thủy (cũng thuộc huyện Lệ Thủy), người dân kiệt sức vì mỗi hộ phải góp tiền làm đường xây dựng nông thôn mới từ 3 triệu đến hơn 11 triệu đồng. Nhiều hộ nghèo phải cắm sổ đỏ, vay mượn ngân hàng, có người bán cả chú chó cưng để có tiền đóng góp… Sau khi báo phản ánh, chủ tịch xã này đã bị cách chức.

Điều đáng nói là hai vụ việc này đều xảy ra ở vùng quê nghèo ở hai xã cách nhau chừng 10 cây số thuộc huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) cho thấy bài học thương dân, xót dân vẫn chưa được các công bộc ở nơi đây học thuộc.

Ba năm trước (ngày 4-6-2010), Thủ tướng đã ký quyết định phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020. Quyết định này nêu rõ nguồn vốn thực hiện chương trình gồm vốn ngân sách, vốn tín dụng, vốn từ doanh nghiệp và cuối cùng là huy động đóng góp của cộng đồng dân cư (cũng chỉ chiếm 10% ).

Ba năm triển khai chương trình này, bộ mặt nông thôn ở nhiều nơi được đổi mới, văn minh hơn, cơ sở hạ tầng thiết yếu được nâng cấp, thu nhập và điều kiện sống của nhân dân được cải thiện và nâng cao... Nhưng cũng đã có nơi chủ trương đúng đắn ấy lại được thực hiện bằng những cách làm không hợp lý, thậm chí là không có tình, gây phản cảm mà chuyện ép dân bán chó làm đường và ép dân phải vay nóng để xây dựng nông thôn mới là những dẫn chứng điển hình.

Xây dựng nông thôn mới có mục tiêu cao nhất là nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, qua đó càng thắt chặt mối quan hệ khăng khít giữa nhân dân và chính quyền. Thế nhưng với những cách làm như vậy, mục tiêu ấy xem ra khó lòng đạt được trọn vẹn.

Không phải ngẫu nhiên mà ngày 15-7-2014, Thủ tướng ban hành Chỉ thị 18, trong đó đặc biệt nhấn mạnh các địa phương “tuyệt đối không được yêu cầu dân đóng góp bắt buộc. Việc huy động đóng góp phải trên cơ sở khả năng đóng góp tự nguyện của dân tại từng địa bàn, trong mọi trường hợp, không được huy động quá sức dân”.

Mong sao những công bộc của dân hãy làm đúng như nội dung chỉ thị của Thủ tướng. Nông thôn mới phải được xây dựng trước hết từ cái tâm của người cán bộ cơ sở, nếu không thì những con đường đẹp đẽ ấy chỉ càng kéo dài khoảng cách giữa chính quyền và nhân dân mà thôi!

THANH HOA

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm