Giám đốc công an tỉnh mang quân hàm cao nhất là Đại tá

 Cuộc họp báo công bố 5 luật , 3 nghị quyết sáng 11-12.

Thượng tướng Đặng Văn Hiếu, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết tại cuộc họp báo công bố một số lệnh của Chủ tịch nước về 5 luật và 3 nghị quyết vừa được kỳ họp 8, QH khóa XIII thông qua do Văn phòng Chủ tịch nướ tổ chức sáng ngày 11-12.

Trong số đó gồm có: Luật tổ chức quốc hội; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam; Luật Công an nhân dân; Luật căn cước công dân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật của hàng không dân dụng Việt Nam; Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn; Nghị quyết về việc phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật và Nghị quyết về việc phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người.

Liên quan đến quy định mới về cấp hàm đối với giám đốc công an các địa phương tại Luật công an nhân dân có hiệu lực từ 1-7-2015, Thứ trưởng Hiếu cho biết: Luật CAND trong quá trình thảo luận có nhiều ý kiến khác nhau nhưng khi Quốc hội đã thông qua phải chấp hành nghiêm túc. 

Theo đó luật quy đinh trần cấp hàm của giám đốc CA Hà Nội và TP.HCM là trung tướng, 3 cấp phó là thiếu tướng. Giám đốc công an các địa phương khác trần quân hàm là cấp đại tá. 

Tuy nhiên hiện giám đốc công an nhiều địa phương đang mang quân hàm cấp tướng, phải giải quyết thế nào? Thứ trưởng Hiếu cho hay: “Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ điều động, luân chuyển để bố trí giám đốc công an tại các địa phương. Các đồng chí đã được phong rồi thì phải giữ nguyên cho đến khi các đồng chí nghỉ. Nếu xứng đáng làm giám đốc thì vẫn phải bố trí làm giám đốc. Quan điểm của, Đảng ủy CA Trung ương là phải thực hiện nghiêm Luật đã được QH thông qua”.

Theo quy định của luật mới, trần quân hàm Trung tướng của BCH quân sự TP.HCM cao hơn trần quân hàm Phó tư lệnh QK7. Một số ý kiến cho rằng quy định mới này dẫn tới khó làm việc vì cấp hàm của cấp dưới cao hơn cấp hàm của lãnh đạo. Trung tướng Mai Quang Phấn, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Bộ Quốc phòng cho biết: “Việc này cũng rất bình thường trong thực tiễn, đồng chí nào có cấp vụ cao hơn đồng chí đó là cấp trên, lãnh đạo chỉ đạo chỉ huy”.
 
Liên quan đến các quy định tại Nghị quyết lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm vừa được QH thông qua, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Quốc hội Lê Minh Thông khẳng định: 
Việc lấy phiếu tín nhiệm chỉ là một kênh trong số các công cụ để đánh giá cán bộ chứ không phải duy nhất để đơn vị tổ chức, sử dụng phân công bố trí cán bộ một cách hợp lý nhất.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm