Hà Nội: Chi hàng ngàn tỉ, ngập vẫn hoàn ngập

Giao thông tê liệt, sinh hoạt của hàng vạn người dân bị đảo lộn. Vì sao trong những năm qua, Hà Nội đã chi hàng ngàn tỉ đồng để đầu tư các công trình chống ngập nhưng cứ hễ mưa to là nước lại mênh mông?

Đã chi 180 triệu USD

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Lê Hồng Quân, Trưởng phòng Cấp thoát nước Sở Xây dựng TP Hà Nội, cho biết: Dự án thoát nước giai đoạn 1 của Hà Nội đã thực hiện xong từ năm 2005 với kinh phí 180 triệu USD. Còn giai đoạn II đang được thực hiện. Nhìn chung dự án đến nay đã phát huy hiệu quả. Có một số điểm ở trong dự án vẫn ngập là do đang thi công như ở chân cầu Vĩnh Tuy, Lĩnh Nam, Hoàng Mai nên một số khu vực kênh mương bị ngập.

Lý giải về tình trạng vì sao nhiều tuyến phố liên tục ngập sâu, ông Quân cho rằng: “Nguồn lực của TP cho việc chống ngập còn hạn chế. Để Hà Nội hết ngập thì cần phải có nhiều tiền để thực hiện dự án ở các khu vực ngập nặng. Giải pháp tiếp theo là tăng cường duy tu, thông cống, giải tỏa các công trình lấn chiếm hệ thống thoát nước…”.

Trong khi đó, ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Xí nghiệp quản lý cụm công trình đầu mối Yên Sở, cho hay trong những đợt mưa to, xí nghiệp đều có phương án phòng, chống úng ngập. Trong những ngày mưa lũ vừa qua, trạm bơm có 20 tổ máy được hoạt động hết công suất (90 m3/giây). Chúng tôi đặt câu hỏi: Nếu trạm bơm đã hoạt động hết công suất nhưng sao Hà Nội vẫn ngập, ông Tiến cho rằng xí nghiệp đã nỗ lực hết sức, còn việc ngập thì… rất khó trả lời.

 
Nhiều tuyến phố Hà Nội bị ngập nặng trong cơn mưa sáng 22-9. Ảnh: ĐT

Gần 10 năm vẫn không xong dự án

Theo báo cáo của Công ty Thoát nước Hà Nội, nguyên nhân nhiều tuyến phố ngập nặng trong thời gian gần đây là do mưa lớn liên tục trong khoảng 30 phút, trong khi một số đoạn mương thoát nước chưa được cải tạo. Để chống ngập, Hà Nội đã triển khai dự án thoát nước giai đoạn 2 trị giá 8.500 tỉ đồng đi qua địa bàn tám quận nội thành và huyện Thanh Trì. Tổng diện tích đất thu hồi trên 311 ha, gần 9.000 trường hợp sẽ phải di dời, giải tỏa. Thời gian thực hiện dự kiến ban đầu từ tháng 12-2006 đến tháng 10-2010.

Đến năm 2008, UBND TP Hà Nội ra quyết định điều chỉnh dự án, trong đó bổ sung một số hạng mục đầu tư nên thời gian thực hiện dự án được giãn đến hết năm 2011. Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn không thể thi công tiếp do vướng mặt bằng của hàng trăm hộ dân. Dù số này chỉ chiếm khoảng 10% tổng diện tích đất cần thu hồi nhưng do nằm ở những vị trí quan trọng nên nhà thầu không thể thi công được.

Để giải quyết dứt điểm, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch UBND Hà Nội, đã yêu cầu UBND quận Hoàng Mai khẩn trương ban hành các quyết định cưỡng chế những hộ dân chống đối. Lãnh đạo TP cũng yêu cầu Sở Xây dựng, Ban quản lý dự án thoát nước Hà Nội đôn đốc các nhà thầu tập trung máy móc, thiết bị, vật tư, nhân lực để tiếp tục thi công dự án chống ngập.

Sáng 22-9, tại nhiều tuyến phố của Hà Nội như Hoàng Quốc Việt, Phan Văn Trường, Trần Quốc Hoàn, Quan Nhân, Vũ Trọng Phụng, Minh Khai, Nguyễn Sơn, Ngọc Lâm… đều ngập nặng. Đường Minh Khai đoạn giao cắt với chân cầu Vĩnh Tuy biến thành biển nước khiến giao thông hỗn loạn. Phố Đền Lừ đoạn gần hồ Đền Lừ cũng biến thành một biển nước. Do nước ngập quá sâu, hàng trăm phương tiện bị chôn chân tại chỗ khiến tình trạng ùn tắc kéo dài.

TUYẾN PHAN

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

(PLO)- Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Long đã công bố quyết định bổ nhiệm, luân chuyển nhiều cán bộ, trong đó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Long Hồ giữ chức Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy