Từ năm 2002, dự án ga Bình Triệu được phê duyệt chi tiết sử dụng đất tỉ lệ 1/2000 khu đầu mối giao thông và dân cư Bình Triệu. Đến tháng 4-2013, Thủ tướng đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch giao thông, vận tải TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 tại Quyết định 568. Theo đó, Thủ tướng đồng ý xây dựng mới các ga, bao gồm ga khách trung tâm là ga Sài Gòn với diện tích 6,14 ha và ga khách kỹ thuật phía bắc là ga Bình Triệu với diện tích 41 ha.
Ga Bình Triệu nằm tại phường Hiệp Bình Phước (TP Thủ Đức, TP.HCM), ngay cạnh đường Kha Vạn Cân, Quốc lộ 13 và cách cầu Bình Lợi khoảng 100m.
Tuy nhiên, sau hơn 20 năm kể từ khi quy hoạch, ga Bình Triệu vẫn chưa được triển khai.
Hiện khu vực này chỉ là một bãi đất trống, không còn chức năng đón trả khách.
Theo ghi nhận của phóng viên báo Pháp Luật TP.HCM, bên trong khu đất, cỏ mọc um tùm, đường ray xuống cấp nghiêm trọng, và nhiều toa tàu cũ kỹ nằm rải rác.
Do dự án bị bỏ hoang trong thời gian dài, người dân sinh sống gần đó đã tận dụng khu đất để trồng rau.
"Suốt nhiều năm qua, dự án vẫn nằm im, không có tiến triển. Người dân chúng tôi đành tận dụng khu đất trống để trồng rau, vừa kiếm thêm thu nhập, vừa hạn chế cỏ dại mọc um tùm, góp phần giữ gìn mỹ quan đô thị" - ông N.T.T chia sẻ.
Cỏ cây mọc dày đặc che phủ nhiều đoạn đường ray, và một số máy móc cũng được tập kết tại đây.
Theo báo cáo, từ khi dự án được quy hoạch đến nay, hơn 15.000 nhân khẩu thuộc 3.000 hộ dân đã bị ảnh hưởng.
"Chúng tôi vẫn ngày ngày mong mỏi dự án sớm được khởi công, nhưng suốt hơn hai chục năm qua, mọi thứ vẫn chỉ dừng lại trên giấy tờ" - một người dân bày tỏ.
Trước tình trạng này, UBND TP.HCM hiện đang tiến hành lập đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060. Trong quy hoạch mới, ga Bình Triệu sẽ được bổ sung chức năng làm ga hành khách phục vụ các tuyến đường sắt đô thị (Metro số 3, 6, 8) và được phát triển theo mô hình TOD (Phát triển đô thị gắn với giao thông công cộng).
Trước đó, UBND TP.HCM đã gửi tờ trình lên HĐND TP về việc giữ nguyên lộ giới quy hoạch 41 ha cho ga Bình Triệu để xây dựng ga đường sắt đô thị và depot.
Theo thiết kế dự kiến, ga Bình Triệu sẽ có kết cấu tuyến và nhà ga trên cao ba tầng, cùng các hạng mục như quảng trường ga (tích hợp bãi đỗ xe và phương tiện giao thông công cộng), công trình cây xanh, bãi đỗ xe trên mặt đất, trung tâm thương mại và dịch vụ. Ngoài ra, khu vực này còn được quy hoạch bãi đỗ xe ngầm kết hợp trung tâm thương mại/dịch vụ.
Tuyến metro số 3: Nối tuyến 3A và 3B theo quy hoạch cũ tạo thành 1 tuyến xuyên tâm (một phần đoạn tuyến 3A từ Ngã Sáu Cộng Hòa đến Bến Thành được chuyển thành tuyến số 1 kéo dài)
Tuyến metro số 6: giữ một phần tuyến số 6 (theo quy hoạch cũ), kéo dài vào sân bay Tân Sơn Nhất, sau đó đi theo hướng Thủ Đức và kết hợp với đường Metro P3 (đã kiến nghị trong quy hoạch chung TP Thủ Đức), sau đó đi dọc theo kênh đôi và khép kín để tạo vành đai hoàn chỉnh.
Tuyến metro số 8: thay thế tuyến Monorail số 3 (theo quy hoạch cũ) và phía Nam tuyến sẽ kéo dài về ga Hòa Hưng, sau đó kéo dài về Đa Phước, phía Bắc kéo dài lên Hóc Môn.