Khổ sở đón xe vào Nam

Mùng 8 tết (ngày 7-2) được xem là ngày tốt để xuất hành nên có rất đông người dân các tỉnh miền Trung đón tàu xe quay vào miền Nam, Tây Nguyên và ra Hà Nội.

Dọc theo QL 1A, hàng ngàn người dân các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định phải ra đứng dọc đường để đón xe. Tại Bến xe Vinh (Nghệ An), do nhiều nhà xe thông báo hết vé ra Hà Nội và vào TP.HCM nên nhiều khách phải mang theo hành lý ra chờ xe “dù” dọc hai bên QL 1A. Có người lặn lội qua cầu Bến Thủy sang huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) chờ xe khách Bắc-Nam. Nhưng theo ghi nhận, đến cuối buổi chiều nhiều khách phải quay về nhà do chưa đón được xe. Một số người khác đành cùng nhau góp tiền thuê taxi ra Hà Nội để kịp làm việc đầu tuần tới.

Đáng chú ý, trong khi ga Vinh thông báo đã hết vé tàu ra Hà Nội và vào TP.HCM đêm 7 và 8-2 thì hàng chục “cò” vé vẫn ngang nhiên chào mời vé ngay trước cổng ga. Mức giá của “cò” cao hơn từ 50.000 đến 600.000 đồng so với giá ghi trên vé.

Chiều 7-2, một số hành khách vẫn mệt mỏi chờ xe trên quốc lộ 1A (đoạn qua huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) để vào Nam. Ảnh: ĐẮC LAM

Do thiếu xe, nhiều hãng xe giường nằm ở Nghệ An, Hà Tĩnh đã đồng loạt tăng giá vé. Cụ thể, giường nằm từ huyện Hưng Nguyên, Nam Đàn ra Hà Nội từ 180.000 đồng nay lên gần 300.000 đồng. Các xe “dù” cũng đồng loạt nâng giá vé lên gấp đôi ngày thường (từ 150.000 đồng lên 350.000 đồng). Ngoài việc tăng giá, không ít nhà xe còn tranh thủ nhồi nhét khách vô tội vạ. Những người lên xe sau đều phải ngồi ghế nhựa, thậm chí ngồi bệt xuống sàn.

“Vì không mua được vé các hãng lớn, tôi ra quốc lộ đón xe 43S76… chạy tuyến Quảng Nam - TP.HCM. Bình thường giá vé chỉ hơn 300.000 đồng mà được nằm thoải mái. Còn hôm nay giá tăng gấp đôi mà tôi phải ngồi dưới sàn suốt quãng đường” - ông Trần Văn Hải (Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) kể.

Cùng ngày, lực lượng kiểm tra liên ngành của TP Đà Nẵng đã lập biên bản nhà xe Xuân Tùng (trụ sở trên đường Điện Biên Phủ, quận Thanh Khê) vì bán vé xe khách nhưng không niêm yết giá. Theo một cán bộ thanh tra giao thông, đơn vị này không đăng ký giá vé tại Sở GTVT nhưng vẫn bán vé cho khách tại nhiều địa điểm khác nhau trên địa bàn TP. Qua tìm hiểu, giá vé của nhà xe này đưa ra luôn cao hơn giá vé được nhiều hãng niêm yết. Cụ thể, giá vé niêm yết tại Bến xe Trung tâm TP Đà Nẵng là 700.000 đồng/vé nhưng đơn vị này bán hơn 1,1 triệu đồng/vé. Đoàn kiểm tra buộc nhà xe phải trả lại tiền cho khách đã mua, đồng thời huy động xe vận chuyển hành khách có nhu cầu tới bến xe trung tâm để đón xe vào TP.HCM.

Do lượng xe khách đổ về tăng nhanh nên tới đầu giờ chiều, tình hình giao thông ở các khu vực cửa ngõ TP.HCM khá căng thẳng. Rất nhiều xe ngang nhiên đón trả khách không đúng nơi quy định, cụ thể là tại trước Khu du lịch Suối Tiên (Thủ Đức), chợ đầu mối nông sản Thủ Đức (Thủ Đức), ngã tư An Sương (quận 12),… Còn ở phía Tây, điểm kẹt xe nặng nhất là tại cầu An Hữu (Cái Bè, Tiền Giang) do cầu này đang được sửa chữa, mặt đường hẹp. Từ 12 giờ trưa, đoạn đường hơn 4 km từ chân cầu Mỹ Thuận đến chân cầu An Hữu đông nghịt xe. Đến 17 giờ, đoạn đường đi qua thị trấn Cai Lậy và đoạn đường đi qua xã Tân Hương (Châu Thành) cũng xảy ra tình trạng kẹt xe cục bộ.

NHÓM PV

 

Mua vé tàu sao khó quá!

Từ cuối tháng 10, khi Ga Sài Gòn bắt đầu có kế hoạch bán vé tàu tết, tôi vội đăng ký và chắc suất chiều TP.HCM về Đà Nẵng. Do phải di chuyển nhiều chặng TP.HCM - Đà Nẵng, Đà Nẵng - Nha Trang rồi Nha Trang - TP.HCM nên theo thông báo của Ga Sài Gòn, tôi không mua được vé khứ hồi mà phải liên hệ hai ga Đà Nẵng và Nha Trang để mua vé chiều về.

Để chắc ăn, tôi lập tức nhờ người thân tại Đà Nẵng và Nha Trang đăng ký mua vé chiều về. Nhưng rất nhiều lần liên hệ tại ga, người nhà tôi đều nhận được câu trả lời: “Chưa có kế hoạch bán vé tàu tết, phải đợi đến sát ngày đi may ra mới có”. Và tôi đã phải đợi chờ trong vô vọng từ ngày này qua ngày khác. Phải nhờ sự quen biết với người trong ngành đường sắt, người thân của tôi mới mua được hai vé tàu SNT1 đi ngày mùng 7 tết. Còn chặng Đà Nẵng - Nha Trang, câu trả lời vẫn luôn là “chưa có kế hoạch bán chặng ngắn”.

Ngày mùng 3 tết chúng tôi phải vào Nha Trang nhưng đến sáng 30 tết sau khi huy động mọi mối quan hệ, chúng tôi mới nhận được lời hứa chắc chắn: “Có vé tàu”. Cũng là từ người trong ngành đường sắt mới có được những tấm vé quý báu này! Sao mua vé tàu khó quá vậy?

Một thực tế nữa là trong dịp tết, hành khách đã phải chịu giá vé quá cao mà còn phải gánh thêm chặng đường mà mình không hề tới. Ngày 24-1, trên chuyến tàu SE4 Sài Gòn - Hà Nội, tôi chứng kiến rất nhiều người chỉ đi đến ga Diêu Trì (Bình Định), Quảng Ngãi, Tam Kỳ nhưng đều buộc phải mua vé ra tới ga… Đà Nẵng. Để rồi khi những hành khách trên xuống tàu, nhiều người khác được đón lên ngồi đúng vào chỗ vừa bỏ trong. Nhiều hành khách lên tàu từ Ga Quảng Ngãi cho biết do nhà tàu không bán vé chặng Quảng Ngãi - Đà Nẵng nên họ phải trả tiền “tươi” mới được lên tàu!

Kể lại những câu chuyện trên, chúng tôi mong rằng ngành đường sắt sẽ có câu trả lời thỏa đáng để việc mua vé tàu phục vụ việc đi lại của người dân trong những năm sau được thuận lợi hơn, đỡ khổ sở hơn.

TRÍ NHIÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm