Không đề nghị công nhận liệt sĩ cho ông Lữ Anh Dồi

Sáng 30-12, bà Nguyễn Thị Mai (vợ ông Lữ Anh Dồi, nguyên Thiếu úy công an vũ trang, nay thuộc lực lượng bộ đội biên phòng) cho biết bà vừa nhận được công văn trả lời việc giải quyết chính sách với chồng bà. Theo đó, Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh Cà Mau đã bác toàn bộ hồ sơ xin công nhận liệt sĩ đối với ông Lữ Anh Dồi.

Bị bắn chết khi đang làm nhiệm vụ

Như chúng tôi đã thông tin, năm 1979, Thiếu úy Lữ Anh Dồi đã bị bắn chết bởi bốn phát súng của Chuẩn úy Thái Văn Hùng. Kéo dài trong suốt 10 năm sau đó, ông Lữ Anh Dồi bị mang tai tiếng là kẻ phản bội tổ quốc, câu kết với các phần tử xấu để đưa người đi vượt biên. Theo quy kết của một số cơ quan ở tỉnh Minh Hải (cũ), khi bị lực lượng công an vũ trang phát hiện, bắt quả tang, ông không đầu hàng mà chống cự nên bị tiêu diệt.

Đến thời điểm năm 1988-1990, tòa án quân sự các cấp đã làm rõ sự thật vụ án. Các bản án  kết luận ông Lữ Anh Dồi từng hai lần báo cáo cấp trên là có một nhóm người tổ chức đưa người vượt biên. Sau đó, ông Lữ Anh Dồi được Nguyễn Ngọc (nguyên Phó Trưởng ty Công an, Chỉ huy trưởng Công an vũ trang Minh Hải cũ) bí mật chỉ đạo cùng Thái Văn Hùng thâm nhập vào đường dây để bắt quả tang, phá án.

Trưa 27-3-1979, chờ tất cả 53 người đi vượt biên xuống tàu xong, Thái Văn Hùng bắn chỉ thiên ra hiệu cho lực lượng đã phục kích sẵn tiến hành bắt quả tang. Liền đó, Thái Văn Hùng bắn bốn phát vào ông Lữ Anh Dồi làm nạn nhân thiệt mạng.

Hành động của Thái Văn Hùng được xác định là làm theo chỉ đạo của Nguyễn Ngọc. Tòa án quân sự các cấp đã tuyên phạt Thái Văn Hùng 18 năm tù về tội giết người; Nguyễn Ngọc 20 năm tù về tội giết người, ba năm tù về tội vu khống (vu khống ông Lữ Anh Dồi phản quốc - NV). Tòa án quân sự các cấp cũng giải oan, khẳng định ông Lữ Anh Dồi không phản quốc, đồng thời kiến nghị các cơ quan chức năng phục hồi chế độ chính trị và giải quyết chế độ chính sách cho ông Lữ Anh Dồi.

Bà Nguyễn Thị Mai, vợ ông Lữ Anh Dồi, cho hay sẽ tiếp tục khiếu nại cấp cao hơn. Ảnh: T.VŨ

Đã từng họp thống nhất đề nghị

Từ năm 1990, bà Nguyễn Thị Mai đã đeo đuổi đề nghị các cơ quan chức năng công nhận chồng mình là liệt sĩ. Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh Minh Hải (cũ) từng có hồ sơ gửi các cơ quan cấp trên đề nghị công nhận ông Lữ Anh Dồi là liệt sĩ nhưng chưa được xem xét.

Đến tháng 12-2015, chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau có văn bản chỉ đạo Sở LĐ-TB&XH tỉnh chủ trì họp bàn với các ngành chức năng của tỉnh về yêu cầu của bà Mai. Tháng 2-2016, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Cà Mau đã chủ trì cuộc họp với sự tham dự của các cơ quan như Công an, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, Thanh tra, Bảo hiểm xã hội và Cựu chiến binh tỉnh Cà Mau.

Tại cuộc họp này, các cơ quan trên đều đồng thống nhất đề nghị công nhận ông Lữ Anh Dồi là liệt sĩ với ba lý do: Thứ nhất, TAND Tối cao đã có kiến nghị phục hồi chế độ chính trị và giải quyết chế độ chính sách cho ông Lữ Anh Dồi. Thứ hai, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Minh Hải đã có Giấy báo tử số 01/GBT ngày 14-9-1991 thể hiện ông Lữ Anh Dồi đã hy sinh. Thứ ba, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Minh Hải có xác nhận trường hợp ông Lữ Anh Dồi là được phân công đi công tác.

Từ kết quả cuộc họp trên, tháng 4-2016, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Cà Mau đã có văn bản đề nghị công nhận ông Lữ Anh Dồi là liệt sĩ gửi Bộ LĐ-TB&XH cùng Cục Người có công. Sau đó, Cục Người có công đã có văn bản đề nghị Cục Chính sách (Tổng cục Chính trị, Bộ Quốc phòng) hoàn thiện hồ sơ vì đây là trường hợp thuộc quân đội. Tháng 9-2016, Cục Chính sách đã gửi công văn đến Cục Chính trị, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng đề nghị cơ quan này chỉ đạo Bộ đội biên phòng Cà Mau rà soát và kết luận về các nội dung có liên quan đến ông Lữ Anh Dồi trước đây.

“Tôi sẽ khiếu nại đến cùng”

Ngày 28-12 vừa qua, Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh Cà Mau đã có công văn bác toàn bộ hồ sơ đề nghị nói trên. đơn vị này xác định ông Lữ Anh Dồi không thuộc trường hợp nào trong quy định được xét công nhận liệt sĩ tại Nghị định số 31/2013. Cạnh đó, đơn vị này còn cho rằng hồ sơ đề nghị công nhận liệt sĩ của Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh Minh Hải (cũ) là trái với hồ sơ bản án liên quan và không có cơ sở. Hồ sơ đề nghị của Sở LĐ-TB&XH tỉnh Cà Mau cũng không có cơ sở vì tại bản án hình sự phúc thẩm số 143/HSPT1 ngày 13-4-1989 của Tòa án Quân sự cấp cao có nêu “trong thời gian này, Dồi có khuyết điểm trong sinh hoạt, chính Dồi cũng được cử đi làm nhiệm vụ trung gian móc nối số người vượt biên để liên hệ với Hùng dưới sự chỉ huy, chỉ đạo của Nguyễn Ngọc”…

Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Mai bật khóc: “Rõ ràng hồi trước, sau khi anh Dồi được Tòa Quân sự giải oan, chính Biên phòng Minh Hải, tức Biên phòng Cà Mau hôm nay, ra giấy báo tử, ra văn bản đề nghị công nhận liệt sĩ cho anh Dồi. Rồi hôm nay lại chính đơn vị này nói những văn bản đó là trái với các bản án, không có cơ sở. Và đau nhất với tôi là Biên phòng Cà Mau kết luận anh Dồi cùng với nhóm người giết anh đã tổ chức vượt biên. Nếu đồng lợi ích thì anh Dồi đâu có bị giết chết như vậy.

Tôi không cam tâm. Tôi sẽ tiếp tục khiếu nại cấp cao hơn. Hơn ai hết tôi hiểu anh Dồi. Vì không đồng thuận, không khuất phục với nhóm người kia mà anh đã bị thủ tiêu, bịt đầu mối. Anh xứng đáng là liệt sĩ”. 

Chúng tôi sẽ tiếp tục liên hệ với Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh Cà Mau để làm rõ hơn vụ việc và thông tin tới bạn đọc.

Công nhận liệt sĩ là đúng quy định

Việc từ chối công nhận liệt sĩ trong trường hợp này là máy móc. Sau năm 1975, tình trạng vượt biên là vấn nạn lớn của đất nước. Nhiều người đã tuyên truyền, kích động tạo ra tâm lý hoang mang và muốn ra đi của người dân. Trong đó có một số cán bộ biến chất còn đứng ra bán bãi, tổ chức đưa người trốn đi nước ngoài để thu những đồng tiền bất chính. Đảng và Nhà nước đã rất nỗ lực, tập trung ngăn chặn tình trạng này và tập trung xử lý những phần tử thoái hóa, biến chất lợi dụng việc này để trục lợi.

Trong bối cảnh ấy, ông Lữ Anh Dồi đã đứng ra ngăn cản việc làm vi phạm pháp luật và sau đó ông đã hy sinh. Như vậy, việc làm của ông là dũng cảm thực hiện công việc cấp bách, nguy hiểm phục vụ quốc phòng và an ninh. Trước đó, một hội đồng gồm Sở LĐ-TB&XH tỉnh Cà Mau đã chủ trì cuộc họp với sự tham dự của các cơ quan như Công an, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, Thanh tra, Bảo hiểm xã hội và Cựu chiến binh tỉnh Cà Mau cũng đã đồng ý đề nghị công nhận ông là liệt sĩ. Theo tôi, việc công nhận ông là liệt sĩ hoàn toàn phù hợp với quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 17 Nghị định 31/2013. Đó là: “Trực tiếp tham gia đấu tranh chống lại hoặc ngăn chặn hành vi nguy hiểm cho xã hội thuộc các tội được quy định trong Bộ luật Hình sự”.

Giải quyết thế nào trong trường hợp cơ quan chức năng từ chối công nhận liệt sĩ cho ông Dồi? Theo tôi, gia đình cần khiếu nại đến cơ quan chính sách của quân khu hoặc Bộ Quốc phòng để có được sự ghi nhận xứng đáng cho người thân của mình.

Ông PHẠM CÔNG HÙNG, nguyên Thẩm phán TAND Tối cao

PHƯƠNG LOAN ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm