Một ngày đầu năm 1987, vợ ông Lữ Anh Dồi, bà Nguyễn Thị Mai, xuất hiện tại phòng Bạn đọc báo Minh Hải (sau này được tách ra thành báo Cà Mau và Bạc Liêu). Nhà báo Phạm Văn Tri (thường gọi Bảy Minh) nhớ lại: “Lúc đó tôi giữ chức quyền tổng biên tập báo Minh Hải. Tiếp cận vụ việc của cô Mai, tôi rất ngỡ ngàng. Cô ấy không có chứng cứ gì, chỉ có cái đơn kêu cứu. Nhưng qua những gì cô ấy kể, tôi lại tin hơn là cái Báo cáo số 005 của Ty Công an. Vậy là anh em chúng tôi bắt đầu ngồi với nhau để tính”.
Cuộc đấu tranh bằng bút của báo Minh Hải
Những tình tiết như ông Dồi bị Thái Văn Hùng bắn liên tiếp bốn phát đạn khi đang thảnh thơi hút thuốc, khi chưa có lời khai nào về đồng bọn phản động, khi súng vẫn nằm yên trong vỏ bên lưng… đã thôi thúc toàn bộ tòa soạn báo Minh Hải đồng lòng hành động. Ông Bảy Minh đã cử phóng viên Trần Thành Nên đến VKS Quân khu 9 nắm tình hình vụ án. Khi cơ quan này ủng hộ, tạo điều kiện cho báo đeo bám, báo Minh Hải bắt đầu vào cuộc quyết liệt.
Phát pháo vang dội đầu tiên là bài “Tiếng kêu thống thiết của chị Nguyễn Thị Mai” đăng ở mục Bạn đọc với nội dung là câu chuyện chị Mai kể về cái chết có nhiều mờ ám của chồng mình. Câu chuyện của chị lập tức được đông đảo bạn đọc biết đến. Báo Minh Hải bắt đầu mở chiến dịch thông tin. “Ngày nào cũng có thông tin về vụ án, kéo dài trong gần ba tháng. Rồi cứ có thông tin mới là đăng. Sau đó các báo ở TP.HCM và các tỉnh lân cận cũng tiếp sức thông tin” - ông Bảy Minh kể.
Cuộc đấu tranh bằng bút của báo Minh Hải và một số báo khác kéo dài hơn một năm thì vụ án được đưa ra xét xử. Sau đó, báo Minh Hải tiếp tục đeo bám thêm hai năm nữa cho đến khi kết thúc hẳn vụ án.
Tổng kết ngắn gọn như vậy nhưng thật ra đó là một quá trình đấu tranh cam go, mạo hiểm. Ông Bảy Minh một mặt phải đối phó với sức ép của người thân kêu gọi bỏ cuộc vì sợ nguy hiểm, một mặt tìm kế sách thuyết phục cấp trên để các bài báo được đăng tải. Cứ mỗi chiều đọc tư liệu, hồ sơ, bài viết của các phóng viên gửi về, ông lại ngồi kiểm chứng, biên tập với quyết tâm “đánh thủng” vụ Lữ Anh Dồi.
Giai đoạn này, hai phóng viên Dương Thanh Long và Trần Thành Nên đeo bám quyết liệt. Phóng viên Trần Thành Nên đeo bám các cơ quan thẩm quyền để có những thông tin, chứng cứ mới nhất. Phóng viên Dương Thanh Long sát cánh với bà Nguyễn Thị Mai, tranh thủ mọi cơ hội đưa thông tin vụ án một cách trực tiếp nhất đến những người có trách nhiệm.
Tháng 2-1988, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh xuống Cà Mau công tác. Ông Bảy Minh nắm ngay cơ hội, bí mật chỉ đạo các phóng viên hỗ trợ bà Mai tìm cách xin gặp Tổng Bí thư để kêu oan cho chồng. Nhờ một số lãnh đạo tỉnh Minh Hải thời đó âm thầm sắp xếp, bố trí, tranh thủ báo cáo với Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, bà Mai đã được trực tiếp gặp Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh để trình bày về vụ án của chồng mình...
Tháng 10-1990, báo Minh Hải đã phát hành ấn phẩm riêng về vụ án Lữ Anh Dồi. Cuốn sách của nhà báo Ngô Hoàng Giang.
Tác nghiệp sôi nổi
“Báo chí địa phương ngày đó sôi sục lắm, nhất là tại phiên tòa sơ thẩm xét xử Nguyễn Ngọc và Thái Văn Hùng của Tòa án quân sự Quân khu 9” - nhà báo Ngô Hoàng Giang (64 tuổi, tác giả cuốn sách Ai giết Lữ Anh Dồi do NXB Tổng hợp An Giang xuất bản năm 1988) kể.
Ngày ấy, bà Giang là phó phòng Thời sự Đài Truyền hình Cần Thơ. Trước đó, bà đã nghe, đã đọc nhiều thông tin về vụ án này từ báo Minh Hải và một số báo địa phương khác. Đến ngày xét xử, vì đây là vụ án đặc biệt, thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận nên Đài Truyền hình Cần Thơ đã cử bà kèm theo hai êkíp về Cà Mau tác nghiệp tại phiên tòa. Phiên tòa hôm ấy cũng có khá nhiều phóng viên báo, đài các địa phương tham dự.
“Có lẽ sau 13 năm giải phóng, thị xã Cà Mau mới nhộn nhịp khác thường như vậy. Từ 5 giờ sáng 12-8-1988, các loa truyền thanh đã thông báo có phiên tòa. Ba con đường bao quanh nơi xét xử (Nhà văn hóa thị xã) chật ních người. Trong hội trường chỉ có 700 chỗ ngồi nhưng người dân đứng chen chân đến cả ngàn người, ở phía ngoài còn gấp năm số lượng ấy nữa” - bà Giang nhớ lại. Phiên tòa diễn ra căng thẳng, gay cấn xen theo những tiếng vỗ tay của người dân mỗi khi thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư phân tích về tội trạng của hai bị cáo.
Với êkíp tác nghiệp hùng hậu, Đài Truyền hình Cần Thơ đã ghi hình được toàn bộ phiên xử, không khí cũng như cảm xúc của người dân theo dõi vụ án. Sau đó Đài Truyền hình Cần Thơ đã cho phát công khai nhiều buổi về phiên xử này trên sóng truyền hình.
Sau khi phiên tòa kết thúc, NXB Tổng hợp An Giang đã liên hệ với bà Giang để viết cuốn sách Ai giết Lữ Anh Dồi. Bà đã rã hàng chục cuốn băng ghi hình phiên tòa, tổng hợp tư liệu từ hồ vụ án để sắp xếp vụ án như một câu chuyện. Đại tá Hồ Minh Tiến (nguyên Chánh án Tòa án quân sự Quân khu 9, chủ tọa phiên tòa sơ thẩm) chính là người viết lời giới thiệu cho cuốn sách của bà. “Cuốn sách được xuất bản. Họ mang sách ra bến đò, bến xe khắp các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long rao bán đắt như tôm tươi, người dân mua sách truyền tay nhau đọc. Tôi rất vui vì đã có nhiều báo, đài thông tin về vụ án này nhưng cuốn sách của mình vẫn được người dân đón nhận” - bà Giang tâm sự.
Hình ảnh bà Nguyễn Thị Mai, vợ ông Lữ Anh Dồi, đội khăn tang trong phiên tòa trở thành hình ảnh gây ấn tượng trong cuốn sách của bà Giang. “Tôi rất kính trọng chị ấy, một phụ nữ yêu chồng tha thiết, luôn tin vào sự trong sạch của chồng và tin vào công lý. Chị ấy đã góp phần lớn thôi thúc tôi viết cuốn sách này” - bà Giang tâm sự.
Việc phải làm! Hơn ai hết, bà Nguyễn Thị Mai - người bỏ cả quãng đời sau khi chồng bị giết đi đòi công lý cho chồng - đã chứng kiến đầy đủ những tấm lòng, những con người dám yêu công lý, trọng lẽ phải. “Nếu không ghét cái ác, yêu cái thiện thì ba giáo sinh, học trò cũ của tôi năm xưa đã không phải mất công lặn lội từ Hộ Phòng về thị xã Bạc Liêu tìm tôi để báo tin anh Dồi chết oan” - bà Mai xúc động nói. Khi bà đến hiện trường lần đầu tiên, những người dân chứng kiến vụ việc đã tái mặt khi nghe bà hỏi chuyện. Họ sợ liên lụy! Nhưng rồi họ chủ động kéo bà vào chỗ vắng, tỉ tê kể toàn bộ diễn biến cái chết của chồng bà để bà có đủ thông tin đi kêu oan cho chồng. Sau đó là các nhà báo, quan chức, chiến sĩ công an, những người dân bình thường bán rau, bán cá ngoài chợ... Bà Mai xúc động nhớ lại cảm xúc khi chứng kiến những con người vì lẽ phải là trong phiên tòa sơ thẩm vụ án của chồng mình. Hàng chục người dân ở Hộ Phòng đã đến đứng trước tòa dõng dạc làm chứng về tình huống ông Lữ Anh Dồi bị bắn, chống lại ngụy biện là ông Dồi chống đối nên mới bị tiêu diệt của Nguyễn Ngọc và Thái Văn Hùng. Đại tá Tăng Minh Phán đã thay đổi tội danh truy tố với Nguyễn Ngọc từ thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng thành tội giết người. Rồi ông Bảy Hà (tức ông Nguyễn Hoàng, Viện trưởng VKSND tỉnh Minh Hải lúc ấy), các ông Tám Bông, Tư Dân (cán bộ lãnh đạo tỉnh lúc bấy giờ) đều theo quan điểm đứng về lẽ phải, chân lý và thượng tôn pháp luật… Đến phiên tòa phúc thẩm, Đại tá Tăng Văn Luy, đại diện VKS quân sự Trung ương, đã dũng cảm tuyên rút kháng nghị, đồng tình với bản án sơ thẩm là Nguyễn Ngọc phải bị xử về tội giết người và vu khống. “Ông ấy đọc bản luận tội rất dài nhưng mọi người im lặng nghe từng lời một. Gần 30 năm rồi tôi vẫn còn nhớ những cái ý ổng nói hôm đó. Ông nói Nguyễn Ngọc dày kinh nghiệm trong điều tra tội phạm, tinh thông, biết chọn lọc những lời khai có lợi cho mình. Nhưng đã không phải là sự thật thì dù có ngụy biện giỏi đến đâu cũng không thể là sự thật. Ông bác hết các lý lẽ ngụy biện của các bị cáo, tự rút lại cái kháng nghị ban đầu của VKS, đề nghị xử tội giết người và tăng án đối với Nguyễn Ngọc. Tôi chứng kiến cái tính công tâm của ông ấy mà xúc động không cầm được nước mắt. Có vài người ngồi gần tôi cũng vậy” - bà Mai kể. “Chỉ tội cho cô Mai” Việc suy tôn liệt sĩ cho anh Dồi đáng lẽ phải làm từ lâu rồi chứ đâu phải để tới giờ. Ở đây chỉ tội cho cô Mai. Giờ Sở LĐ-TB&XH tỉnh Cà Mau cũng như cô Mai đề nghị suy tôn liệt sĩ cho anh Dồi là hoàn toàn xứng đáng, không là quá tội cho gia đình người ta. Anh Dồi bị bắn chết oan ức trong lúc đang thi hành nhiệm vụ, anh vô tội thì phải truy phong cho anh chứ. Đại tá HỒ MINH TIẾN, nguyên Chánh án Tòa án quân sự Quân khu 9, chủ tọa phiên tòa sơ thẩm |