Vợ ông Lữ Anh Dồi 37 năm đòi lẽ phải cho chồng

Gặp chúng tôi, bà Nguyễn Thị Mai, vợ ông Lữ Anh Dồi (nguyên thiếu úy Công an vũ trang tỉnh Minh Hải cũ, nay là bộ đội biên phòng), chỉ ngay vào vết sẹo dài hơn 5 cm trên cánh tay trái của mình, bảo: “Đây, một dấu ấn từ vụ án oan khuất của chồng tôi. Ngày ấy tôi tự rạch tay để thề sẽ tìm mọi cách khôi phục danh dự cho anh. Lúc đó tôi có lòng tin tuyệt đối rằng anh không phải là kẻ phản quốc như thiên hạ đang đồn ầm lên”.

Lời thề trước mộ chồng

Hiện đã 64 tuổi, người phụ nữ suốt 37 năm thủ tiết thờ chồng và kiên trì trên hành trình kêu oan, đề nghị công nhận liệt sĩ cho chồng này vẫn minh mẫn, sáng suốt, nói chuyện mạch lạc. Kể về vụ án của chồng, bà vẫn nhớ như in đến từng chi tiết nhỏ.

Hôm đó, trưa 28-3-1979, bà Mai đang làm công việc thường ngày của mình ở thư viện của một trường học tại thị xã Bạc Liêu. Có ba vị khách từng là học trò cũ của bà, rồi về làm giáo sinh ở Hộ Phòng (huyện Giá Rai, Bạc Liêu ngày nay) xuất hiện. Họ nhìn bà với ánh mắt rất lạ khiến bà cũng giật mình. Rồi một người run giọng: “Người ta nói cô đi vượt biên rồi. Cô hay gì chưa?”. Bà cố điềm tĩnh, bảo họ vào thư viện nói chuyện cho rõ ràng. Nhưng họ yêu cầu bà lập tức xin nghỉ, đưa họ về phòng tập thể, nơi ở riêng của bà để họ trình bày một việc.

Bà Mai không hỏi gì thêm, linh tính mách bảo bà là có chuyện lớn. Rồi bà được ba học trò cũ thông báo tin sét đánh rằng chồng bà đã bị bắn chết ở Hộ Phòng, nghe đồn là do phản bội tổ quốc, ngoan cố chống lại lực lượng vũ trang...

Bà Mai hốt hoảng chạy đi gặp thủ trưởng của chồng là ông Nguyễn Ngọc (khi đó là Trung tá, Phó Ty Công an Minh Hải cũ, Chỉ huy trưởng lực lượng Công an vũ trang). Ông Ngọc cũng thông báo với bà đúng như những gì các học trò bà vừa thông báo.

Ngay chiều tối đó, bà Mai đón xe đò xuống Hộ Phòng tìm hiểu sự tình. Bà tìm đến nấm mồ của chồng, nghe cặn kẽ từ một số người biết chuyện rồi trở về gặp lại ông Nguyễn Ngọc. Bà nhớ từng lời của mình khi đó: “Ông nói anh Dồi phản bội tổ quốc. Tại sao không bắt anh ấy về vạch tội cho rõ rồi đưa ra chợ mà xử làm gương. Ông nói anh Dồi chống đối nhưng người ta nói anh ấy đang hút thuốc thì bị bắn, lúc ngã xuống vẫn còn điếu thuốc trên tay. Và ông đã vội vàng cho người chôn anh ấy dưới bìa rừng...”. Cuộc đấu lý chỉ đủ để ông Ngọc gọi điện thoại kêu người đưa ông Dồi lên chôn lại ở chỗ không ngập nước.

Hôm sau, bà Mai lại xuống Hộ Phòng. Đêm đó, các má ở Hộ Phòng thắp đèn cốc đưa bà ra mộ mới của ông Dồi làm lễ cầu siêu. Bà quỳ gối trước mộ chồng, nói chuyện với chồng trong sự cảm động trào nước mắt của các má. Bất ngờ bà cất giọng: “Anh có linh thiêng hãy phù hộ em! Em quyết lấy lại danh dự cho anh, cho dòng họ mấy đời theo cách mạng của chúng ta”.

Và bà đã dùng lưỡi lam rạch một phát dài trên cánh tay trái. Máu tuôn đầm đìa, các má cứ nghĩ bà tự tử nên la toáng lên, ôm bà đưa vào nhà. “Khi đó tôi không biết đang làm gì. Chỉ nghĩ phải làm như vậy để khắc ghi lời thề lấy lại danh dự cho anh” - bà Mai kể.

Bà Nguyễn Thị Mai (ngoài cùng bên phải)trong một lần đến làm việc tại Văn phòng đại diện của Pháp Luật TP.HCM ở Hà Nội đầu tháng 7-2016. Ảnh nhỏ phía trên: Ông Lữ Anh Dồi. Ảnh: N.NHÂN

Lòng tin có người tốt

Bà Mai khóc, bảo khi đó dòng họ hai bên vô cùng đau buồn trước cái chết đột ngột đầy oan khuất của chồng bà. Mọi người kêu bà bỏ hết tất cả công việc liên quan đến Nhà nước, về vườn sống cảnh bắt ốc hái rau cho an lành. “Nhưng tôi không nao núng. Tôi vững tin rằng người tốt không bao giờ thiếu vắng trong cuộc sống này, chỉ là tìm họ bằng cách nào thôi. Và đến nay, sau 37 năm đeo đuổi vụ việc, tôi khẳng định suy nghĩ của tôi là đúng. Bởi như bạn thấy đó, quá trình xử lý vụ án, nhiều người tốt, dũng cảm đấu tranh với cái ác, cái xấu đã xuất hiện”.

Với lòng tin ấy, sau gần nửa tháng kể từ khi ông Dồi mất, bà Mai đã tự tay thảo đơn khiếu nại, đặt ra các chi tiết vô lý trong cái chết của chồng. Rồi bà gửi đi khắp nơi trong tỉnh chỉ với ý muốn duy nhất là tìm ra người tốt hỗ trợ mình trong cuộc đấu tranh mà bà nghĩ nó sẽ rất dài này.

Bảy năm sau, nhà báo trẻ Dương Thanh Long, vừa ra trường từ Hà Nội, là cháu bà con gọi bà Mai bằng cô, xuất hiện. Anh Long đã sát cánh cùng bà Mai, góp phần cùng một số nhà báo, người tốt khác để tạo ra cuộc gặp gỡ “lịch sử” của bà với Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh.

Đó là một ngày đầu năm 1988, khi đang học ở thị xã Bạc Liêu, bà Mai nhận được tin nhắn từ anh Long rằng phải về ngay Cà Mau, tìm cơ hội gặp Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh lúc này đang có chuyến công tác nhiều ngày tại Cà Mau.

Ngày đầu tiên, bà làm theo chỉ dẫn của anh Long nhưng không thành công. Các lối có thể đón Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh để dâng sớ kêu oan cho chồng đều bị cảnh vệ thắt chặt. Bà bị cảnh sát bắt để dẹp trật tự rồi đưa về nhà. Tưởng như tuyệt vọng nhưng bất ngờ ba ngày sau, xe cảnh sát đến nhà chở bà đi, nói là Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh cho phép gặp.

“Lúc đó tôi hồi hộp lắm vì người mình sắp gặp là Tổng Bí thư, chắc uy nghiêm, khó gần. Nhưng hoàn toàn không! Chỉ một phút là bác Linh đã khiến tôi thấy như cha của mình vậy. Bác ân cần thăm hỏi và lắng nghe tôi rất chăm chú” - bà Mai lại khóc.

Được trình bày với Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, vụ án của chồng bà đã có hy vọng được lật lại. Quả thật, cuối năm 1988, vụ án của chồng bà đã được tòa án quân sự đưa ra xét xử lần đầu. Hai năm tiếp theo (1989, 1990), các phiên xử phúc thẩm và về các phần dân sự cũng đã được tiến hành xong. Chồng bà đã được giải oan, không bị coi là kẻ phản bội tổ quốc. Nguyễn Ngọc bị xử 20 năm tù về tội giết người với vai trò chủ mưu, ba năm tù về tội vu khống (vu khống ông Dồi phản quốc - NV), tổng hợp hình phạt chung là 20 năm tù. Chuẩn úy Thái Văn Hùng, người trực tiếp bắn chết ông Dồi theo lệnh của ông Ngọc, bị 18 năm tù về tội giết người.

Kết thúc buổi nói chuyện, bà Mai nhắn nhủ: “Tôi kể lại câu chuyện này không vì muốn trả thù ai hay nói xấu ai hết. Tôi muốn nói với mọi người rằng hãy vững tin vào cuộc sống dù đang ở hoàn cảnh nào. Ta bị người xấu hãm hại thì người tốt cũng không ít đâu. Hãy cố gắng tìm họ giúp mình. Rồi công lý sẽ đến!”.

“Tôi mang ơn họ cả đời này!”

Bà Nguyễn Thị Mai, vợ ông Lữ Anh Dồi, sụt sùi nhắc về những người tốt đã giúp mình: “Sau này tôi mới biết chú Tám Bông, chú Tư Hườn và rất nhiều cô chú lãnh đạo khác của tỉnh Minh Hải cũ đã âm thầm trình bày với bác Nguyễn Văn Linh, tạo điều kiện cho tôi có cuộc gặp gỡ với bác Linh. Tôi mang ơn họ cả đời này!”.

Theo những người trong cuộc, cuộc gặp gỡ đặc biệt của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh với bà Mai là do sự bố trí khéo léo của ông Huỳnh Văn Tửu (tức Tám Bông, nguyên Phó ban Thường trực Tây Nam Bộ, khi đó làm việc ở Ty Công an Minh Hải) và ông Nguyễn Văn Đáng (tức Tư Hườn). Hai ông đã tranh thủ báo cáo với cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh và cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã đồng ý gặp bà Mai.

Trong cuốn sách tiểu sử cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh của NXB Chính trị Quốc gia cũng ghi rõ: “... Cuối năm 1988, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh về thăm Minh Hải và được nghe nhân dân địa phương tường thuật lại vụ án này. Đồng chí dành nhiều thời gian tiếp chị Mai. Khi trở về Hà Nội, đồng chí chỉ thị cần lập ban chuyên án do cấp trung ương trực tiếp chỉ đạo để làm rõ sự thật. Vụ án được làm sáng tỏ. Kẻ chủ mưu giết người và vu khống Lữ Anh Dồi chính là trung tá Nguyễn Ngọc, nguyên phó Ty Công an Minh Hải. Sau 10 năm ung dung sống ngoài vòng pháp luật, cuối cùng kẻ phạm tội đã phải ra trước vành móng ngựa...” (trang 294).

Chờ Bộ Quốc phòng xem xét

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM chiều 19-7, ông Đỗ Đăng Khoa (Trưởng phòng Chính sách, Cục Người có công, Bộ LĐ-TB&XH) cho biết: Ngày 11-7, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đã tiếp bà Nguyễn Thị Mai để lắng nghe đề nghị của bà Mai về việc suy tôn ông Dồi là liệt sĩ. Sau đó, thực hiện chỉ đạo của bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, để tránh thiệt thòi cho đối tượng và thân nhân gia đình, Cục Người có công đã chuyển đơn của bà Mai đến Cục Chính sách (Tổng cục Chính trị, Bộ Quốc phòng), đề nghị Cục Chính sách căn cứ quy định hiện hành để giải quyết theo thẩm quyền, đề xuất trước khi đề nghị Bộ LĐ-TB&XH xem xét công nhận liệt sĩ.

Trước đó, trả lời Pháp Luật TP.HCM, Cục phó Cục Người có công Đỗ Thị Hồng Hà cũng khẳng định Cục Người có công đã soạn thảo văn bản, chuyển đơn sang Cục Chính sách (Tổng cục Chính trị, Bộ Quốc phòng) đề nghị hoàn thiện hồ sơ. Đây là trường hợp thuộc ngành quân đội, sau khi hoàn thiện hồ sơ mới chuyển lại Bộ LĐ-TB&XH xem xét đề nghị công nhận liệt sĩ.

ĐẶNG TRUNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm