Nhìn vào mắt đứa con trai đầu lòng của anh kiểm lâm Vũ Xuân Hải là Vũ An Ninh khi cất lên câu nói ấy, lòng tôi ngược xuôi rất nhiều suy nghĩ.
Anh Hải đã nằm đó gần một năm rưỡi nay, từ ngày ngã xuống (vào khuya 28-12-2014) khi truy bắt tới cùng chiếc xe vận chuyển lâm sản trái phép và bị người tài xế này tông chết khi cố thoát bằng mọi cách. Thế nhưng sự hy sinh ấy của anh Hải đã không được công nhận là liệt sĩ, vì việc áp dụng pháp luật, không phù hợp của Cục Người có công (Bộ LĐ-TB&XH). Theo đó, cơ quan này cho rằng số gỗ chở trên xe thuộc nhóm 6 - hành vi này của tài xế vận chuyển chỉ bị xử phạt hành chính (không bị xử lý hình sự) nên anh Hải đã không được công nhận là liệt sĩ theo Nghị định 31/2013, quy định các trường hợp hy sinh được xem xét công nhận là liệt sĩ.
Rõ ràng anh Hải không thể nào biết được trong đêm tối chiếc xe vận chuyển gỗ trái phép ấy chở gỗ gì và chở bao nhiêu gỗ. Anh chỉ biết họ vận chuyển lâm sản trái phép, trốn chạy lực lượng chức năng và phải truy đuổi tới cùng, đến mức chẳng tiếc tính mạng của mình nữa. Và ngay cả quy định trong nghị định này cũng không cứng nhắc như cách giải thích của Cục Người có công. Theo đó, quy định tại nghị định trên nói rất rõ là trường hợp trực tiếp tham gia đấu tranh chống lại hoặc ngăn chặn các hành vi nguy hiểm cho xã hội thuộc các tội được quy định trong BLHS thì được công nhận là liệt sĩ, chứ không bắt buộc phải đấu tranh ngăn chặn tội phạm. Tức người thi hành công vụ chỉ cần ngăn chặn hành vi nguy hiểm có dấu hiệu của tội phạm mà hy sinh thì người đó sẽ được công nhận là liệt sĩ. Trong trường hợp này, làm sao anh Hải biết rõ chiếc xe chở gỗ nhóm mấy, đủ cấu thành tội phạm thì mới thực hiện việc ngăn chặn được?
May là, sau hàng loạt bài phản ánh, phân tích trên Pháp Luật TP.HCM, cùng với sự lên tiếng của nhiều cơ quan, đơn vị, các nhà chuyên môn khác, Cục Người có công đã nghe ra và “sửa sai” kịp thời. Nếu không thì sẽ xót xa biết mấy...
Sáng nay (27-5), đại diện các bộ, ngành trung ương và địa phương sẽ chính thức trao bằng Tổ quốc ghi công, công nhận liệt sĩ cho anh Vũ Xuân Hải. Đáng tiếc là sự công nhận này lẽ ra phải được nhìn thấy và thực hiện sớm hơn.
Chúng tôi xin mượn lời của nhà báo Đức Hiển viết trên Facebook của mình, để kết cho bài viết này: “Một chuyện hiển nhiên như thế mà sao mãi đến hôm nay, sau nhiều lần đề nghị và rất nhiều bài báo, người ta mới chấp nhận. Trên đời nhiều thứ có thể làm giả, kể cả anh hùng nhưng sự hy sinh thì không. Bởi ai cũng có duy nhất một tính mạng, một cuộc đời để sống cho bản thân, gia đình và xã hội. Buổi lễ phong tặng danh hiệu liệt sĩ lẽ ra đã phải diễn ra ngay sau ngày Vũ Xuân Hải hy sinh!”.