'Nếu Formosa tái phạm các cam kết thì sẽ bị đóng cửa'

Sáng nay, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP Đà Nẵng và Ủy viên Bộ Chính trị - Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh đã có cuộc tiếp xúc cử tri Đà Nẵng. Hội trường được hâm nóng bởi các yêu cầu giải quyết trách nhiệm những người có liên quan đến dự án Formosa Hà Tĩnh.

Tại cuộc tiếp xúc, cử tri Đặng Vân (phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu) đã yêu cầu Quốc hội và Chính phủ phải giải quyết dứt điểm sự cố Formosa Hà Tĩnh.

Đề nghị đóng cửa Formosa

“Dự án này do ai duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường? Ai thực sự đã cấp phép cho Formosa thuê đất tới 70 năm? Xin trả lời cho cử tri biết có tiếp tục cho Formosa tồn tại hay không. Bởi cử tri chúng tôi rất lo lắng 50-70 năm sau vấn đề môi trường sẽ như thế nào khi tiếp tục cho dự án này tồn tại” - cử tri Vân yêu cầu.

Vị cử tri này cũng lo lắng trước việc Chính phủ sẽ chuyển đổi ngành nghề đối với các ngư dân miền Trung.

Cử tri Nguyễn Mậu Dự (phường An Hải Đông, Sơn Trà) thì cho rằng sự cố Formosa và vấn đề an toàn thực phẩm hiện nay rất nguy cấp. “Việc xả thải của Formosa ảnh hưởng đến nhiều người và nhiều thế hệ. Chúng tôi đề nghị hình sự về vấn đề an toàn thực phẩm và các sự cố môi trường như Formosa. Chúng tôi cũng đề nghị QH, Chính phủ giám sát chặt về bùn đỏ ở các dự án tại Tây Nguyên, tránh xuất hiện một Formosa thứ hai” - cử tri Dự đề nghị.

Cử tri Tưởng đề nghị đóng cửa Formosa.

Cử tri Tưởng đề nghị đóng cửa Formosa. Ảnh: LÊ PHI

Cùng quan điểm, cử tri Lê Tưởng đặt câu hỏi có biết việc Formosa đã từng vi phạm nghiêm trọng về môi trường tại nhiều nơi không? Vì sao lại cấp phép cho dự án có hồ sơ “đen” về môi trường này tới 70 năm.

Các cử tri cũng đề nghị làm rõ trách nhiệm của ông Võ Kim Cự (nguyên Bí thư, Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh) hiện là Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, ĐBQH.

Tái phạm sẽ đóng cửa

Trả lời cử tri, ông Đinh Thế Huynh (Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư) cho rằng đây là một sự cố nghiêm trọng, ảnh hưởng đến môi trường không chỉ trước mắt mà lâu dài.

“Khắc phục hậu quả này rất gian truân, rất vất vả. Sự cố môi trường kéo dài suốt từ Vũng Áng tới Lăng Cô. Tuy nhiên, chuyển đổi nghề nghiệp là từ đánh bắt gần bờ chuyển sang đánh bắt xa bờ và chuyển đổi cho một bộ phận thôi chứ không phải tất cả” - ông Huynh nói.

Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh

Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh đã thẳng thắn trả lời những câu hỏi của cử tri Đà Nẵng về Formosa. Ảnh: LÊ PHI

Theo ông Đinh Thế Huynh, hậu quả của Formosa gây ra là rất lớn. “Cho nên một mặt, chúng ta đấu tranh quyết liệt, buộc Formosa phải nhận trách nhiệm cúi đầu xin lỗi Chính phủ và nhân dân Việt Nam, phải bồi thường và cam kết không tái phạm. Họ phải bồi thường 500 triệu USD, theo cam kết chia làm hai đợt, đợt 1 là 250 triệu USD họ đã trả và đợt 2 thì khoảng hai tháng nữa họ sẽ nộp tiếp 250 triệu USD, từ đó phân bổ để khôi phục môi trường, hỗ trợ ngư dân chuyển đổi nghề nghiệp, buộc Formosa phải thay đổi, hoàn thiện việc xả thải và lập các trạm quan trắc. Để chúng ta kiểm soát không để họ tiếp tục xả độc ra môi trường, xả thẳng ra biển” - ông Huynh cho biết.

Ủy viên Bộ Chính trị - Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh khẳng định với cử tri nếu Formosa tái phạm các cam kết thì sẽ bị đóng cửa. Còn bây giờ điều gì Formosa cam kết thì phải thực hiện kiểm tra, giám sát chặt chẽ, liên tục của các đoàn bộ ngành, tỉnh Hà Tĩnh. Trước sự giám sát này nên vừa rồi phát hiện ra việc chôn chất thải tại thị trấn Kỳ Anh, chở chất thải ra Phú Thọ và cả Formosa ở Đồng Nai.

“Sự cố Formosa là một bài học lớn, đau xót, cay đắng để chúng ta không được quên rằng phát triển kinh tế nhưng phải đi đôi với bảo vệ môi trường” - Thường trực Ban Bí thư nói.

Về xử lý trách nhiệm của những người có liên quan, Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh cho hay chủ trương của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, của QH, Chính phủ là rà soát, kiểm tra lại toàn bộ quá trình cấp phép, quá trình phê duyệt dự án, đặc biệt là hệ thống xả thải để làm rõ trách nhiệm, ai vi phạm thì phải xử lý nghiêm minh theo pháp luật.

“Không thể ông lên báo rồi cãi mấy câu, chống chế thế này là xong việc đâu. Cứ để kiểm tra làm rõ. Anh nói rằng là tôi ký có 12 bộ, ngành đã đồng ý thì cần phải kiểm tra có đúng là 12 bộ, ngành không? Luật quy định là 50 năm, trường hợp đặc biệt là 70 năm, vậy trường hợp này có đặc biệt không? Nói phải có căn cứ, chứ không phải anh lên báo nói cho xong chuyện” - Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh nhấn mạnh.

Cũng theo ông Huynh, Thanh tra Chính phủ cho rằng lúc thanh tra thì việc cấp phép tới 70 năm là không đúng. “Sau đó anh trình lên Chính phủ và các bộ, ngành căn cứ vào các quy định thì anh nói Chính phủ đồng ý nhưng đồng ý là sau khi anh đã làm rồi thì có vi phạm pháp luật không?” - ông Huynh phân tích.

Đặc biệt, theo Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh thì cơ quan nào đánh giá tác động môi trường Formosa? Có đánh giá đúng mức độ nguy hiểm của khối lượng lớn các chất thải ra môi trường không? Tiêu chuẩn về môi trường đúng quy định pháp luật chưa? Đã đánh giá hệ thống giám sát quan trắc đề phòng người ta vi phạm không xả thải qua hệ thống xử lý chưa? Tất cả phải làm rõ.

“Bây giờ bồi thường và hỗ trợ ra làm sao thì Chính phủ đang giao các bộ, ngành lập các phương án cho nó thỏa đáng, công bằng, minh bạch. Tránh tình trạng người bị hại thì không nhận được hỗ trợ, bồi thường” - Thường trực Ban Bí thư chia sẻ.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

Vĩnh Long: Điều động, luân chuyển nhiều cán bộ

(PLO)- Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Long đã công bố quyết định bổ nhiệm, luân chuyển nhiều cán bộ, trong đó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Long Hồ giữ chức Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy