Rác làm nóng nghị trường HĐND TP.HCM

Sáng 11-7, phiên thảo luận hội trường kỳ họp thứ 9 HĐND TP.HCM nóng khi nhiều đại biểu (ĐB) nhắc lại hình ảnh anh công nhân vệ sinh Ngô Chí Hùng ngâm mình dưới cống vớt rác xuất hiện trong chương trình “Lắng nghe và Trao đổi” đầu tháng 7-2018.

“Không cầm được nước mắt...”

Trong chương trình, anh Hùng đã kể lại chuyện ngâm mình dưới cống để vớt rác: Có lúc anh bị rộp da vì hóa chất của những tòa nhà xây dựng tuồn thẳng xuống cống, khi đạp phải kim tiêm, vật sắc nhọn đau thấu tim hoặc bị nước thải của các nhà vệ sinh xối thẳng vào đầu…

Bà Nguyễn Thị Việt Tú, ĐB quận Bình Thạnh, nói: “Ngồi xem qua truyền hình nhưng tôi không cầm được nước mắt khi thấy hình ảnh như vậy. Khi một trong những nguyên nhân gây ngập nước chính là việc bỏ rác xuống cống ngăn dòng thoát nước, gây ngập nước trên địa bàn TP”. Từ đó bà cho rằng phải xây dựng được ý thức người dân và xử phạt nghiêm hành vi xả rác. “Trong khi chờ người dân thay đổi ý thức, tôi thiết tha mong TP nghiên cứu trang bị trang phục bảo hộ cho công nhân làm việc dưới môi trường cống, hạn chế tiếp xúc trực tiếp với chất bẩn khi làm việc” - bà Tú đề nghị.

ĐB Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc BV Hùng Vương, cho rằng nếu không có ý thức thì rác sẽ gây ngập, nghẹt cống. Bà Tuyết đề nghị phải xử lý nghiêm đối với những người có hành vi xả rác nơi công cộng.

Giám đốc Sở GTVT Bùi Xuân Cường (trái) và Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Toàn Thắng  giải trình về các vấn đề rác đô thị  ở TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG

ĐB Nguyễn Thị Tố Trâm (quận Bình Tân) cho rằng cái chính là do ý thức xả rác bừa bãi của người dân. “Tại sao ý thức đơn giản đó không được thiết lập và trở thành văn hóa chung? Tôi cho rằng lỗi người dân là một thì lỗi người quản lý là mười. Chúng ta đã có luật, sao không xử phạt nghiêm mà có cảm giác chỉ tổ chức theo phong trào, chưa quyết liệt trong mỗi lần ra quân, sau đó đâu lại vào đấy” - bà Trâm nói và cho rằng người quản lý chưa làm tròn trách nhiệm, đã buông lỏng quản lý...

Trước chia sẻ của ĐB, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng người công nhân vệ sinh với thu nhập của mình, trang trải làm sao phải tương xứng với công sức người lao động bỏ ra. Đây là việc đáng suy nghĩ về công tác quản lý nhà nước. Rõ ràng hành vi xả rác là không đúng quy định. Từ đó bà Tâm đặt vấn đề về công nghệ thu gom rác, giảm sức lao động trực tiếp. Đồng thời phải quan tâm đến thu nhập của công nhân.

Hơn 300 công nhân phải chui xuống cống

Khi được chủ tịch HĐND TP yêu cầu giải trình, Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Toàn Thắng đã xin nhận trách nhiệm.

Theo ông Thắng, dự báo đến năm 2020 có khoảng 10.100 tấn rác mỗi ngày, riêng khu vực công cộng chiếm đến 2.300 tấn. Nếu lượng rác này không được tổ chức thu gom, xử lý sẽ là nguyên nhân gây ô nhiễm, gây ngập. “TP đang lắp thêm camera ở các khu vực công cộng để có căn cứ xử lý người vi phạm. Theo quy định mới, hành vi xả rác có mức phạt thấp nhất là 500.000 đồng và cao nhất là 7 triệu đồng. Trách nhiệm xử lý đã giao cụ thể cho các quận huyện, xã phường và ngành tài nguyên-môi trường” - ông Thắng nói.

Còn ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho biết hiện nay hệ thống thoát nước đô thị trên toàn TP có tổng chiều dài 4.176 km, 68.000 cửa thu nước và trên 1.000 cửa xả, chưa tính hệ thống kênh, mương. Đa phần trong 68.000 cửa xả có rất nhiều cửa xả, miệng cống bị rác che lấp và bốc mùi. Sở đã triển khai thí điểm ứng dụng công nghệ mới ngăn mùi, ngăn rác. Tới đây sẽ ứng dụng nhân rộng trên toàn TP.

Về việc nạo vét cống, hiện có khoảng 1.500 người làm việc tại công ty thoát nước đô thị. Trong đó trực tiếp nạo vét là hơn 800 người và hơn 300 công nhân phải chui xuống cống. Tuy nhiên, lương và chế độ cho những người thường xuyên phải làm việc trong môi trường độc hại, đe dọa đến sức khỏe của các công nhân này thì chưa thỏa đáng. Hiện nay các công nhân trực tiếp xuống cống có thu nhập khoảng 11,5 triệu, lương khoảng 9,9 triệu/tháng. “Các công nhân này hiện chỉ được trang bị ủng, găng tay, nón vải, khẩu trang, giày bố, áo phản quang và có được thêm phần bồi dưỡng độc hại. Sở GTVT đang nghiên cứu loại đồ bảo hộ chống thấm nước toàn thân nhưng hiện chưa thực hiện được” - ông Cường nói.

Giám đốc Sở Tài chính Phan Thị Thắng thông tin thêm kinh phí cho công tác xử lý, thu gom, vận chuyển rác mỗi năm gần 4.000 tỉ đồng. Đối với lương, chế độ cho công nhân trực tiếp xuống cống với mức độ độc hại và ô nhiễm cao, bà Thắng cho biết sẽ tính toán lại và báo cáo sau.

Kết lại vấn đề, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng mỗi năm TP phải bỏ ra gần 4.000 tỉ đồng để thu gom rác giải quyết cho việc thoát nước là rất lớn. Đó là chưa kể tiền của người dân đóng hằng tháng nhưng hiệu quả chưa được như mong muốn. “Dân bỏ tiền ra nhưng TP vẫn ngập rác là điều không thể chấp nhận” - bà Tâm nói.

Từ đó bà Tâm đề nghị chính quyền TP tổ chức một cuộc vận động để thay đổi hành vi của người dân. “Chúng tôi sẽ bàn kỹ hơn về vấn đề này” - bà Tâm nói và đề nghị xem xét lại mức lương và chế độ hợp lý hơn cho người lao động trong lĩnh vực này.

Hai giám đốc sở trả lời chất vấn

Sáng nay (12-7), các ĐB HĐND TP.HCM sẽ tiến hành chất vấn giám đốc Sở Khoa học Công nghệ và giám đốc Sở LĐ-TB&XH.

Trong đó, giám đốc Sở Khoa học Công nghệ sẽ trả lời các vấn đề liên quan đến phát triển khoa học công nghệ, hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo… Giám đốc Sở LĐ-TB&XH trả lời về chương trình giảm nghèo bền vững kết hợp dạy nghề, thủ tục để xét duyệt công nhận và nhận chế độ với các đối tượng chính sách…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm