Trong phiên thảo luận tại hội trường kỳ họp HĐND TP khóa 9 ngày 11-7, rất nhiều đại biểu đã lên tiếng cảnh báo về vấn đề ô nhiễm môi trường. Đặc biệt là việc xả rác ra môi trường của người dân TP gây ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân cũng như môi trường đô thị TP.
Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm đã yêu cầu giám đốc ba sở: TN&MT, GTVT và Tài chính giải trình.
Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Toàn Thắng. Ảnh: Việt Dũng
Sở TN&MT: Nhận trách nhiệm
Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Toàn Thắng thông tin: Hiện nay, mỗi ngày TP có khoảng gần 9.000 tấn rác sinh hoạt và hơn 2.300 tấn rác do người dân thải ra môi trường. “Một đô thị lớn như TP.HCM thì áp lực về rác thải là có. Riêng 2.300 tấn rác xả ra môi trường mỗi ngày, nếu không thu gom và xử lý triệt để thì có thể trôi xuống cống hoặc trôi nổi ở môi trường sẽ gây ô nhiễm trầm trọng” - ông Thắng cho biết.
Theo Sở TN&MT, lâu nay ngành TN&MT đã triển khai chương trình phân loại rác tại nguồn. Theo đó, tại các khu dân cư, hộ gia đình đều có sẵn hai thùng rác, một để các loại rác hữu cơ và một dành cho các loại rác khác. Như vậy, bước đầu có thể giúp cho việc thu gom, vận chuyển và xử lý tốt hơn.
Việc phân loại, thu gom, vận chuyển rác sinh hoạt cũng đã có hướng dẫn chung cho các đơn vị thực hiện. Tuy nhiên, chất lượng của các công việc này như thế nào thì còn tùy thuộc các lực lượng xử lý.
Ông Thắng cũng cho hay hiện việc phân loại, xử lý rác dựa vào 1.238 nhân sự ở 16 hợp tác xã, 80 công ty, hai nghiệp đoàn và 1.140 tổ rác dân lập. Lực lượng này phải chuyển đổi thì mới đáp ứng được yêu cầu về công việc. “Nếu không chuyển đổi được lực lượng này thì phương án phân loại rác tại nguồn sẽ bị phá sản” - ông Thắng cho biết.
Liên quan đến việc vận chuyển rác, ông thừa nhận phương tiện vận chuyển cũ, lạc hậu là một trong những yếu tố gây ô nhiễm môi trường. Hiện nay có khoảng 3.703 thùng rác và có 660 thùng với dung tích 240 lít dùng để vận chuyển rác đã “hết đát”, cần phải thay thế. “TP có giao Sở TN&MT cùng với Samco thiết kế thùng mới đạt chuẩn để thay thế. Tuy nhiên, công đoạn này hiện làm còn chậm” - ông Thắng nói.
Không những thế, hiện có 526 xe vận chuyển từ trạm trung chuyển đến nơi xử lý cũng cần được thay thế. Ngoài ra, hơn 2.100 xe thu gom rác của các đơn vị dân lập, chủ yếu là xe ba gác tự chế cũng là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường. Nhưng hiện nay giá thành của các mẫu xe thiết kế mới quá cao nên TP vẫn chưa thể thay mới. Giám đốc Sở TN&MT cho biết sẽ tham mưu TP về thiết kế loại xe với mức giá thành phù hợp hơn trong thời gian tới.
Sở GTVT: Hơn 300 công nhân phải chui xuống cống
Theo Giám đốc Sở GTVT Bùi Xuân Cường, hiện nay hệ thống thoát nước đô thị trên toàn TP có tổng chiều dài 4.176 km, 68.000 cửa thu nước và trên 1.000 cửa xả, chưa tính hệ thống kênh, mương.
Giám đốc Sở GTVT Bùi Xuân Cường. Ảnh: Việt Dũng
Ông Cường thông tin: Có năm bước để đảm bảo hệ thống thoát nước gồm kiểm soát nguồn rác thải, vệ sinh trên vỉa hè, kiểm soát rác không để rơi xuống hố ga/cống, nạo vét và xử lý.
Người đứng đầu Sở GTVT thông tin: Đa phần trong 68.000 cửa xả có rất nhiều cửa xả, miệng cống bị rác che lấp và bốc mùi. Sở đã triển khai thí điểm ứng dụng công nghệ mới ngăn mùi, ngăn rác. Tới đây sẽ ứng dụng nhân rộng trên toàn TP.
Về việc nạo vét cống, hiện có khoảng gần 1.500 người làm việc tại Công ty Thoát nước đô thị. Trong đó, trực tiếp nạo vét là hơn 800 người và hơn 300 công nhân phải chui xuống cống. Tuy nhiên, lương và chế độ cho những người thường xuyên phải làm việc trong môi trường độc hại, đe dọa đến sức khỏe của các công nhân này thì chưa thỏa đáng.
Ông Cường cho biết hiện nay, các công nhân trực tiếp xuống cống có thu nhập khoảng 11,5 triệu đồng, lương khoảng 9,9 triệu đồng/tháng. “Các công nhân này hiện chỉ được trang bị ủng, găng tay, nón vải, khẩu trang, giày bố, áo phản quang và có được thêm phần bồi dưỡng độc hại. Sở GTVT đang nghiên cứu loại đồ bảo hộ chống thấm nước toàn thân nhưng hiện chưa thực hiện được" -ông nói.
Sở Tài chính: Gần 4.000 tỉ đồng/năm để xử lý rác
Giám đốc Sở Tài chính Phan Thị Thắng thông tin: Về công tác xử lý, thu gom, vận chuyển rác, một năm TP bỏ ra 2.848 tỉ đồng. Trong đó, kinh phí vớt rác 700 tỉ đồng, vận chuyển 553 tỉ đồng, phân loại 88 tỉ đồng, xử lý rác 1.500 tỉ đồng. Cùng với gần 1.132 tỉ đồng bố trí cho công tác duy tu thoát nước thì tổng kinh phí cho công tác này là gần 4.000 tỉ đồng.
Giám đốc Sở Tài chính Phan Thị Thắng. Ảnh: Việt Dũng
Bà Thắng thông tin chính thức về lương và chế độ của công nhân trực tiếp xuống cống vớt rác. Theo đó, người lao động làm việc trong lĩnh vực này có mức thu nhập trong đó đã có tiền bồi dưỡng độc hại và tiền ăn trưa là 12,6 triệu đồng/tháng, lương bình quân của người lao động trong công ty thoát nước là 9,9 triệu đồng. Ngoài các hạng mục như Sở GTVT vừa nêu, bà Thắng thông tin: Chi phí cho công nhân trực tiếp xuống cống vớt rác là 300.000-500.000 đồng.
Việc tính toán lại lương, chế độ cho công nhân trực tiếp xuống cống với mức độ độc hại và ô nhiễm cao, giám đốc Sở Tài chính cho biết sẽ tính toán lại và báo cáo sau.
Chủ tịch HĐND TP: Sẽ tổ chức cuộc vận động toàn dân không xả rác
Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm đánh giá: Mỗi năm TP phải bỏ ra gần 4.000 tỉ đồng để giải quyết cho việc thoát nước là rất lớn. Đó là chưa kể tiền của người dân đóng hằng tháng nhưng hiệu quả chưa được như mong muốn. “Dân bỏ tiền ra nhưng TP vẫn ngập rác là điều không thể chấp nhận” -bà Tâm nói.
Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm. Ảnh: Hoàng Giang
Chủ tịch HĐND TP cũng đề nghị UBND TP cùng với MTTQ TP tổ chức một cuộc vận động để thay đổi hành vi của người dân TP. “Chúng tôi sẽ bàn kỹ hơn về vấn đề này" - bà Tâm nói. Đồng thời cũng đề nghị xem xét lại lương và chế độ hợp lý hơn cho người lao động trong lĩnh vực này.