Có khống chế được mùi hôi phía Nam TP.HCM?

Đến chiều 10-7, mùi hôi ở phía Nam TP.HCM dù đã giảm nhưng người dân vẫn chưa thể yên tâm vì cơ quan quản lý môi trường vẫn chưa có kết luận chính thức về nguồn phát tán cũng như những cam kết kiểm soát tình trạng ô nhiễm này, không để tái diễn trong tương lai.

Mùi có giảm nhưng dân vẫn còn lo

“Mấy ngày nay mùi hôi có giảm nhưng vẫn còn phảng phất khó chịu. Có hôm, mùi hôi xuất hiện vào giữa khuya, khiến cả nhà khó ngủ. Tôi theo dõi thông tin trên báo đài chỉ thấy Sở TN&MT trả lời chung chung, chưa nêu đích danh đơn vị nào phát tán mùi hôi cũng như việc xử lý đơn vị này”, ông Bảo, sống trong một căn hộ tầng 8 của một tòa nhà trong khu đô thị Phú Mỹ Hưng (quận 7), bày tỏ.

Mùi hôi phát tán ở phía Nam TP.HCM gây nhiều bức xúc cho người dânnhất là người dân sống ở nhà cao tầng. Ảnh: C.T/V

Theo tìm hiểu của phóng viên Pháp Luật TP.HCM, vào đầu tháng 6-2018, Sở TN&MT TP.HCM nhận được qua đường dây nóng một số phản ánh của người dân ở khu vực Phú Mỹ Hưng về tình trạng ô nhiễm mùi hôi. Đa số người dân khẳng định mùi hôi giống mùi rác và nêu rõ nơi xuất phát…

Đến ngày 18-6, Sở TN&MT có văn bản gửi cho các quận, huyện liên quan như quận 7, Nhà Bè, Bình Chánh, Ban quản lý các khu xử lý chất thải rắn (MBS)… phối hợp kiểm tra, ghi nhận tình trạng ô nhiễm mùi và có báo cáo định kỳ về mùi hôi tại Khu xử lý chất thải rắn Đa Phước. Tiếp đến Sở TN&MT yêu cầu MBS chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan ghi nhận thông tin phản ánh của người dân, đánh giá về mức độ ô nhiễm và điều chỉnh các giải pháp khống chế mùi hôi tại khu xử lý rác Đa Phước để hạn chế thấp nhất phát tán mùi hôi… ảnh hưởng đến các quận, huyện lân cận.

Đến ngày 9-7, trao đổi với với chúng tôi, lãnh đạo Phòng TN&MT huyện Nhà Bè cho hay: “Sau khi báo chí phản ánh, Phòng TN&MT huyện cùng người của MBS có khảo sát một số khu vực gần khu xử lý tác Đa Phước nhưng chưa nhận thấy có tình trạng ô nhiễm mùi hôi. Năm 2016, khu vực Nhà Bè bị ảnh hưởng mùi hôi nhiều nhưng đợt này theo chúng tôi được biết đa số người dân phản ánh ở địa bàn quận 7”.

Chưa nêu đích danh nguồn ô nhiễm

Về việc xác định nguồn phát tán mùi hôi ảnh hưởng đến địa bàn quận 7, một lãnh đạo Phòng TN&MT quận 7 thông tin: “Từ tháng 6, sau khi nhận được phản ánh của người dân, Phòng TN&MT đã tổng hợp thông tin gửi cho Sở TN&MT. Sau đó, Sở có cử lực lượng xuống phối hợp khảo sát, ghi nhận tình trạng ô nhiễm mùi hôi ở các chung cư, nhà cao tầng”.

Khu xử lý rác Đa Phước, huyện Bình Chánh được ghi nhận là nơi phát tán mùi hôi vào năm 2016. Ảnh: CTV

Song theo vị lãnh đạo Phòng TN&MT quận 7, đến nay Sở TN&MT chưa có kết luận chính thức nguồn cho nhiễm mùi hôi phát tán từ đâu. “Sở TN&MT có nói sẽ gắn các trạm quan trắc mùi hôi tại những nơi người dân phản ánh mùi hôi nhiều nhưng chưa thông báo thời gian cụ thể”, vị này thông tin thêm.

Trong một văn bản cung cấp thông tin cho báo chí về tình trạng mùi hôi phát tán ở phía Nam TP.HCM mới đây, dù không nói rõ nguồn phát tán từ đâu nhưng Sở TN&MT có đề cập vào năm 2016 tình trạng mùi hôi phát tán tù khu vực bãi xử lý rác Đa Phước. “Tháng 9-2016, vấn đề mùi hôi phát tán từ hoạt động của khu xử lý rác Đa Phước ảnh hưởng đến người dân đã được Thành ủy, UBND TP chỉ đạo các ngành, các cấp, thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ nhằm khống chế giảm thiểu ô nhiễm về mùi…”, Sở TN&MT thông tin.

Vậy tại sao mùi hôi ở phía Nam TP.HCM vẫn tái diễn, việc kiểm soát, xử lý nguồn phát tán mùi hôi được thực hiện như thế nào? Chiều 9-7, trao đổi qua điện thoại với phóng viên Pháp Luật TP.HCM về những vấn đề này, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT, cho biết đang bận đi công tác ở Hà Nội nên hẹn sẽ trả lời cụ thể sau. Tuy nhiên, ông Thắng cho biết Sở TN&MT sẽ tổ chức đoàn kiểm tra và xử lý việc này.

Xe thu gom, vận chuyển rác liên tục ra vào bãi rác Đa Phước. Ảnh: NGUYỄN THẮNG

Nên giảm lượng rác chôn lấp

TS Phạm Viết Thuận, Viện trưởng Viện Kinh tế và Tài nguyên môi trường TP.HCM, cho rằng các khu xử lý rác bằng phương pháp chôn lấp khó có thể kiểm soát được mùi hôi, nhất là đối với bãi rác có đỉnh cao, lại nằm đầu hướng gió, mùi hôi dễ phát tán đi xa.

“Khi có mùi hôi đặc trưng phát tán ra môi trường như ở phía Nam TP.HCM, việc xác định nguồn ô nhiễm không khó. Đối với bãi chôn lấp rác, chỉ cần kiểm tra quy trình chôn lấp là có thể xác định có đảm bảo điều kiện hợp vệ sinh không. Đối với khu xử lý rác Đa Phước, hiện nay khối lượng chôn lấp rất lớn nên trước mắt cần hạn chế khối lượng rác chôn lấp. Sau đó đó chuyển công nghệ chôn lấp sang công nghệ khác hiện đại hơn”, TS Thuận phân tích thêm.

Dân tại Bình Chánh, Nhà Bè nói về mùi hôi

Chị Nguyễn Thị Tố Duyên ngụ số nhà tại Ấp 3, xã Đa Phước, huyện Bình Chánh, TP.HCM chia sẻ: “Trước đây tôi cũng từng là công nhân tại bãi rác Đa Phước nhưng nghỉ hơn một năm nay rồi. Hàng ngày, tôi ra quốc lộ 50 này buôn bán tránh mùi hôi thối. Chiều 6 giờ tối, về nhà là cả gia đình đống cửa kín mít, đặc biệt vào khoảng 5-6 giờ tối và gần sáng lúc họ mở bạt che mùi thối bắt đầu bay về chịu không nổi, mặc dù nhà có máy lạnh nhưng đâu có ăn thua gì…”.

Tương tự, gia đình chị Nguyễn Hồng, ngụ tại số nhà E1/5, quốc lộ 50, xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, cho biết: “Cứ vào chiều muộn, gia đình tôi hay đóng cửa vì mùi thối lắm. Nhà ngay mặt đường, hàng ngày chịu cảnh mùi hôi từ xe rác từ khắp nơi đổ về bãi rác Đa Phước. Tối muộn, rạng sáng lại còn chịu cảnh mùi hôi thối. Cuộc sống mà suốt ngày ngửi mùi hôi thối chắc bệnh quá!”.

Trong khi đó, anh Nguyễn Văn Hưng, ngụ tại số nhà 2/17 xã nhơn Đức, huyện Nhà Bè, nói: “Trước đây, mùi hôi thối đã có rồi nhưng bữa nay lại ngửi thấy, nhiều khi tưởng xe rác thu gom hay ai vứt con gì chết nhưng có phải đâu. Có những hôm đang ngủ bật dậy, lấy khẩu trang vừa đeo vừa đi ngủ nhưng nó đâu có hết mùi...”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm