Sáng 20-11, Văn phòng Quốc hội (QH) tổ chức họp báo công bố kết quả kỳ họp thứ 6, QH khóa XIV.
Mở đầu phiên họp, nhiều phóng viên đặt câu hỏi về Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) vừa được thông qua. Trong đó, luật đã bỏ quy định xử lý tài sản bất minh, đây là quy định được tranh luận qua ba kỳ họp QH.
Luật Phòng, chống tham nhũng còn bao nhiêu điểm?
Trả lời câu hỏi trên, ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH, khẳng định đây là vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm. Khi thảo luận, các đại biểu (ĐB) QH nhận định đây là vấn đề mới, phức tạp.
Tổng thư ký Quốc hội chủ trì buổi họp báo.
Trên thực tế, tài sản tăng thêm của người dân hiện có nhiều nguồn, nhiều thời kỳ khác nhau, nhiều tài sản đến nay không xác định được nguồn gốc.
“Tuy nhiên, hiện nay Nhà nước chưa có hệ thống kiểm soát tài sản của người dân cũng như công chức. Đồng thời, hệ thống thu thuế, kiểm soát tài sản chưa hoàn thiện. Vì vậy, việc xác định được tài sản tăng thêm, không giải trình được nguồn gốc rất khó…” - ông Nguyễn Mạnh Cường lý giải.
Bên cạnh đó, qua lấy phiếu xin ý kiến của các ĐBQH ý kiến còn chưa thống nhất, phân tán. Do đó QH nhận thấy chưa đủ cơ sở để làm, nên giữ như cơ chế hiện hành.
Theo đó, tài sản tăng thêm nào mà trong quá trình xác minh chứng minh được là tham nhũng thì tịch thu trả lại. Còn tài sản tăng thêm kiểm soát được thì cơ quan thuế vào cuộc. Trong quá trình kiểm tra phát hiện tài sản tăng thêm nào vì vi phạm pháp luật có được thì chuyển cơ quan chức năng xử lý…
“Đối với các trường hợp ứng cử, bầu cử, giới thiệu đảm nhiệm các chức danh nếu phát hiện kê khai không trung thực có tài sản tăng thêm không giải trình được thì không giới thiệu ứng cử, bầu bán nữa hoặc loại bỏ khỏi chức danh, xử lý theo quy định của Luật Cán bộ công chức. Từ thực hiện tốt những quy định như vậy cũng đảm bảo PCTN…” - ông Nguyễn Mạnh Cường thông tin.
Tiếp tục về vấn đề này, phóng viên lại đặt câu hỏi, luật này hiện được bao nhiêu điểm; làm sao để xử lý tài sản bất minh?
Ông Nguyễn Mạnh Cường khẳng định Luật PCTN sửa đổi cơ bản hoàn thiện, được biểu quyết khá cao. Đã mở rộng phạm vi điều chỉnh khu vực tư; bổ sung nội dung mới như kiểm soát lợi ích. Cùng đó là hoàn thiện chế định kiểm soát tài sản thu nhập, trong đó hệ thống cơ quan kiểm soát và các quy định cũng đang được dần hoàn thiện. Dự luật cũng bổ sung xây dựng hoàn thiện cơ sở dữ liệu về tài sản thu nhập.
“Về tài sản bất minh, không phải là không xử lý, mà những cái phát hiện có vi phạm pháp luật thì vẫn chuyển cho cơ quan có thẩm quyền để xử lý. Nếu phát hiện tham nhũng thì xử lý nghiêm…” - ông Cường giải thích thêm.
Nói thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng Thư ký QH, cho rằng những quy định nào “chín” đã được đưa vào luật, còn có nhiều ý kiến thì phải xem xét. “Nên cần có thời gian để cho “chín”. Chúng ta bảo không có điều này không hài lòng thì không phải, vì các quy định trên đã có luật hiện hành điều chỉnh…” - ông Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh.
Không có phương án nào được ủng hộ quá 50%
Trước đó, Ủy viên Ủy ban Thường vụ (UBTV) QH, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Lê Thị Nga trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật PCTN.
Về quy định từng gây nhiều tranh cãi đối với việc xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm giải trình không hợp lý về nguồn gốc, nhiều ý kiến ĐB tán thành với phương án xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm giải trình không hợp lý về nguồn gốc thông qua trình tự xem xét, giải quyết tại tòa án.
Nhưng nhiều ý kiến tán thành với phương án xử lý thông qua thu thuế và nhiều ý kiến đề nghị giữ như quy định của pháp luật hiện hành. Theo đó, tài sản, thu nhập này sẽ bị xử lý khi cơ quan có thẩm quyền chứng minh được là do phạm tội, vi phạm pháp luật mà có.
Bà Lê Thị Nga cho biết UBTVQH nhận thấy việc xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm giải trình không hợp lý về nguồn gốc là vấn đề mới, lần đầu tiên chúng ta đặt vấn đề xử lý đối với loại tài sản, thu nhập này.
Trong khi tài sản, thu nhập của người dân, cán bộ, công chức, viên chức được hình thành từ nhiều nguồn khác nhau, Nhà nước ta chưa kiểm soát được thu nhập của toàn xã hội và pháp luật chưa quy định đánh thuế đối với tài sản thì việc xác định tính hợp lý của nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm để đánh thuế hoặc thu hồi là vấn đề rất phức tạp.
Mặt khác, đây là vấn đề lớn, có liên quan đến quyền sở hữu tài sản - quyền cơ bản của công dân theo hiến pháp nên cần được cân nhắc hết sức kỹ lưỡng.
Tại tất cả phiên thảo luận về nội dung này, bà Lê Thị Nga cho biết ý kiến các vị ĐBQH, các cơ quan hữu quan còn rất khác nhau và phân tán. Vì vậy, để bảo đảm thận trọng, UBTVQH đã chỉ đạo Tổng Thư ký Quốc hội gửi phiếu thăm dò ý kiến các vị ĐBQH về nội dung này.
Kết quả, có 209/456 ý kiến đại biểu, chiếm 43,09% trong tổng số ĐBQH tán thành phương án xem xét, giải quyết tại tòa án; 156/456 ý kiến ĐB, chiếm 32,16% tổng số ĐBQH tán thành với phương án thu thuế; 40 ý kiến ĐB đề nghị giữ như quy định của Luật PCTN hiện hành và 51 ĐB không thể hiện chính kiến hoặc có ý kiến khác.
Như vậy, không có phương án nào nhận được sự ủng hộ quá 50% tổng số ĐBQH. UBTVQH nhận thấy do chưa đạt được sự đồng thuận, thống nhất cao nên nội dung này cần được tiếp tục nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, khi đã đủ điều kiện chín muồi, phù hợp thực tiễn, bảo đảm tính khả thi thì mới nên quy định vào luật.
Từ các lý do trên, UBTVQH đề nghị QH cho phép chưa bổ sung quy định về xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm giải trình không hợp lý về nguồn gốc vào dự thảo luật mà thực hiện như quy định của pháp luật hiện hành.
“Theo đó, nếu cơ quan có thẩm quyền chứng minh được tài sản do tham nhũng mà có thì tiến hành thu hồi hoặc tịch thu theo quy định của pháp luật tương ứng; nếu chứng minh được có dấu hiệu trốn thuế thì xử lý theo quy định của pháp luật về thuế.
Đồng thời, Điều 31 của dự thảo luật đã bổ sung quy định về chuyển vụ việc có dấu hiệu vi phạm được phát hiện trong quá trình kiểm soát tài sản, thu nhập đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết để tăng cường việc xử lý đối với loại tài sản, thu nhập này…” - bà Lê Thị Nga thông tin.