Tiến cử cán bộ dưới 35 tuổi làm lãnh đạo

Cụ thể, bí thư TP Đà Nẵng đã ký ban hành đề án xây dựng và tạo nguồn cán bộ trẻ đảm nhiệm các chức danh diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý và cán bộ chủ chốt TP đến năm 2025 và những năm tiếp theo.

Đề án này cho rằng công tác phát triển cán bộ trẻ vẫn còn một số mặt hạn chế, rõ nhất là tỉ lệ cán bộ trẻ tham gia cấp ủy vẫn chưa đảm bảo.

Tại đại hội các đảng bộ trực thuộc Thành ủy nhiệm kỳ 2015-2020, có 544 cấp ủy viên thì chỉ có 38 người dưới 35 tuổi, chiếm tỉ lệ 6,99%. Trong 165 ủy viên Ban Thường vụ chỉ có năm trường hợp dưới 35 tuổi. Cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý hiện nay có 413 người, trong đó dưới 40 tuổi chỉ có 34 người, chiếm 8,23%.

Tiến cử cán bộ dưới 35 tuổi làm lãnh đạo ảnh 1
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đã ký ban hành đề án để tạo nguồn cán bộ trẻ cho TP. Ảnh: LÊ PHI

Theo Thành ủy Đà Nẵng, từ trước đến nay từ Trung ương đến địa phương chưa có văn bản chỉ đạo hoặc chuyên đề cụ thể về phát triển đội ngũ cán bộ trẻ mà thường lồng ghép trong văn bản chỉ đạo đại hội đảng bộ các cấp.

Một số địa phương, cơ quan, đơn vị chưa nhận thức đầy đủ về công tác cán bộ trẻ nên còn e dè, chưa mạnh dạn đưa cán bộ vào quy hoạch hoặc giao việc cho cán bộ trẻ để thử thách, rèn luyện.

Trong bổ nhiệm cán bộ còn có tư tưởng cầu toàn, nhiều nơi mang “giải pháp tình thế”, thiếu tính chiến lược. Việc sử dụng cán bộ còn nặng tính thời vụ.

Mặt khác, việc giới thiệu cán bộ đồng thời phải gắn với trách nhiệm theo dõi, giúp đỡ của cán bộ giới thiệu nhưng người giới thiệu chưa thực hiện hết trách nhiệm của mình, thậm chí có đồng chí không nhớ rõ mình đã tiến cử cán bộ nào.

Một bộ phận cán bộ trẻ còn thụ động, chưa tự rèn luyện nâng cao trình độ chuyên môn phù hợp với tình hình mới; không ít cá nhân còn ngại khó, ngại khổ, chưa thật sự gắn bó với công việc, thiếu ý chí vươn lên, thiếu rèn luyện, nâng cao ý thức tổ chức, kỷ luật; hoặc tự mãn, ỷ lại khi đã được quy hoạch.

Tiến cử cán bộ dưới 35 tuổi làm lãnh đạo ảnh 2
Những cán bộ trẻ dưới 35 tuổi sẽ được tiến cử vào các chức danh cán bộ chủ chốt. Ảnh: LÊ PHI

Trước tình hình trên, đề án của Thành ủy Đà Nẵng xác định đối tượng tạo nguồn sẽ là lãnh đạo, quản lý hiện đang giữ các chức vụ từ phó trưởng phòng (và tương đương) trở lên thuộc các cơ quan Đảng, chính quyền, sở, ban, ngành, mặt trận và đoàn thể TP.

Cấp quận, huyện là từ phó trưởng phòng và tương đương trở lên của các cơ quan Đảng, chính quyền, ban, ngành, mặt trận, đoàn thể quận, huyện.

Trình độ chuyên môn được yêu cầu là ĐH chính quy công lập (bằng 1) hoặc tốt nghiệp bậc ĐH trở lên tại một số cơ sở đào tạo ở nước ngoài được Bộ GD&ĐT công nhận; kết quả tốt nghiệp loại khá trở lên; khả năng ngoại ngữ B1 châu Âu...

Bên cạnh đó đối tượng này phải công tác ít nhất từ năm năm tại các cơ quan, đơn vị, địa phương thuộc TP; có thành tích tiêu biểu, uy tín tại nơi công tác.

Đặc biệt, những cán bộ trẻ chủ chốt tương lai sẽ có tuổi đời dưới 35 tuổi tính đến thời điểm tham gia đề án.

Để thực hiện đề án này, Thành ủy Đà Nẵng yêu cầu Ban Tổ chức Thành ủy chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ hướng dẫn, đôn đốc thực hiện công tác cán bộ trẻ theo các nội dung của đề án.

Cạnh đó, giúp Ban Thường vụ Thành ủy xây dựng kế hoạch và phối hợp với các cơ quan có liên quan triển khai các giải pháp phát triển cán bộ trẻ; đánh giá, theo dõi việc thực hiện đề án và tiến hành sơ kết.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm