Cụ thể, dự thảo đưa ra hai phương án: Thứ nhất, tòa án chỉ ra quyết định đưa bản án, quyết định ra thi hành, còn cơ quan THADS vẫn tiếp tục ban hành các quyết định THA, đình chỉ, hủy, ủy thác THA… Thứ hai, giao tòa án trực tiếp ra 17 quyết định trong hoạt động THADS như quyết định THADS, hoãn, đình chỉ, hủy, ủy thác thi hành…; còn cơ quan THADS chỉ là cơ quan tổ chức thi hành các quyết định của tòa án.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đức Chính phân tích rõ về thực chất, phương án 2 đã chuyển giao công tác THA cho tòa án. Đây là sự thay đổi quá lớn, rất đột ngột trong tình hình thực tiễn và đi kèm sẽ là các vấn đề rất lớn phải giải quyết như trách nhiệm THADS thuộc về tòa án hay cơ quan THADS của Bộ Tư pháp, bộ máy để tòa thực hiện trách nhiệm này thế nào… Đồng tình với phương án 1 nhưng ông Chính cho rằng cần phải làm rõ trách nhiệm tòa sẽ tăng lên thế nào hay lại đẻ ra thêm một thủ tục mới, bên cạnh quyết định THADS của cơ quan THADS ban hành nay lại phát sinh thêm quyết định đưa bản án, quyết định ra thi hành của tòa án thì giá trị pháp lý và mối quan hệ giữa các quyết định này thế nào…
Lo ngại phát sinh thêm thủ tục mới, tăng chi phí, kéo dài thời gian THA, một số ý kiến đã đề nghị giữ nguyên Luật THADS hiện hành về thẩm quyền cơ quan THADS ban hành quyết định THA. Viện phó Viện Khoa học xét xử Trần Văn Tăng (TAND Tối cao) cũng cảnh báo sắp tới Luật Tổ chức TAND sẽ trình QH thông qua vào cuối năm 2014 và kéo theo hàng loạt luật về tố tụng dân sự, hành chính cũng sẽ phải sửa đổi và có thay đổi rất lớn liên quan đến THADS. Do đó, Luật sửa đổi, bổ sung THADS nếu thông qua sẽ có đời sống rất ngắn, dưới hai năm nên rất cần cân nhắc thêm.
Theo Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Bộ Tư pháp), phương án 1 sẽ làm phát sinh tốn kém chi phí thủ tục của khối cơ quan nhà nước thêm 12 tỉ đồng/năm, phương án 2 tốn kém thêm 26 tỉ đồng, chưa tính đến chi phí của người dân.