Vinalines lỗ gần tỉ USD, phải giám sát đặc biệt

Chính phủ vừa có báo cáo gửi Quốc hội về tình hình tài chính và kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2014 của các DNNN nắm giữ 100% vốn điều lệ và DN có cổ phần, vốn góp của Nhà nước.

 Báo cáo này cho hay trong năm 2014 có 19 tập đoàn, tổng công ty nhà nước còn lỗ lũy kế là 24.451 tỉ đồng và 10 công ty mẹ còn lỗ lũy kế là 2.891 tỉ đồng. Cụ thể, Vinalines lỗ 20.687 tỉ đồng; Tổng Công ty Lương thực miền Nam là 1.125 tỉ đồng; Tổng Công ty Sông Đà (413 tỉ đồng); Tổng Công ty Xăng dầu Quân đội (334 tỉ đồng);… Riêng công ty mẹ Vinalines có mức lỗ lũy kế là 388 tỉ đồng; công ty mẹ Tổng Công ty Lương thực miền Nam là 1.095 tỉ đồng,…

Điệp khúc nợ - vay - lỗ

Theo đánh giá của Chính phủ, kết quả hoạt động của một số tập đoàn, tổng công ty chưa cao. Có tập đoàn, tổng công ty báo cáo hoạt động của công ty mẹ có lãi nhưng báo cáo hợp nhất vẫn bị lỗ và lỗ lũy kế theo báo cáo hợp nhất đến thời điểm hết năm tài chính 2014 còn cao hơn thời điểm hết năm tài chính 2013. Chính phủ cho rằng hầu hết hoạt động đầu tư của các tập đoàn, tổng công ty đều dựa trên vốn vay.

Theo đó, tổng số nợ phải trả của các DNNN là hơn 1,5 triệu tỉ đồng (tăng 8% so với năm 2013). Trong đó, nợ vay ngắn hạn và dài hạn từ các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng là hơn 553.000 tỉ đồng (tăng 1% so với thực hiện năm 2013). Một số DNNN số nợ vay từ các ngân hàng tương đối lớn như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PVN với hơn 174.000 tỉ đồng; Tập đoàn Điện lực VN - EVN với hơn 108.000 tỉ đồng; Vinalines với hơn 32.000 tỉ đồng…

Theo báo cáo của Chính phủ, Vinalines lỗ gần 1 tỉ USD. Ảnh: CTV

Bên cạnh đó, các DNNN nợ nước ngoài là 381.419 tỉ đồng. Nguồn vay này chủ yếu từ vốn ODA của Chính phủ; vay nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh và cả vay nước ngoài theo hình thức tự vay, tự trả…

Cũng theo báo cáo hợp nhất của các DNNN cho thấy tổng số nợ phải thu năm 2014 của các DN là 293.617 tỉ đồng (tăng 11% so với thực hiện năm 2013. Trong đó, nợ phải thu khó đòi là 13.570 tỉ đồng.

Cần làm rõ trách nhiệm lãnh đạo

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế không lấy làm ngạc nhiên về con số lỗ của các DNNN nói chung và Vinalines nói riêng. Ông Long cho rằng các DNNN này có số lỗ quá lớn nên trong thời gian ngắn không thể xử lý được ngay. “Vinalines làm ăn không hiệu quả, gây thất thoát lớn cho nền kinh tế. Trong bối cảnh loay hoay tự tái cơ cấu như hiện nay, Vinalines rất khó giảm lỗ và vực lên được. Chính phủ cần làm rõ trách nhiệm của lãnh đạo Vinalines trong giai đoạn trước năm 2014 và xử lý theo quy định” - ông Long nêu quan điểm.

Đồng quan điểm này, TS Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế cũng lo ngại với số lỗ quá lớn từ DNNN. Trong đó Vinalines chiếm đa phần cho thấy việc tái cơ cấu DN này cần đẩy mạnh hơn nữa. “Cơ quan chủ quản là Bộ GTVT cần nghiêm túc xem xét tình hình này. Bởi kinh tế thế giới năm 2016 sẽ còn khó khăn, nhu cầu vận tải đường biển sẽ giảm sút, mức độ cạnh tranh gay gắt hơn. Điều này sẽ khiến cho tình hình kinh doanh của Vinalines càng thêm bế tắc. Bộ GTVT cần phân tích nguyên nhân thua lỗ để đưa ra biện pháp cương quyết và không thể kéo dài mức lỗ cao như hiện nay. Thậm chí Chính phủ cần làm rõ trách nhiệm lãnh đạo của Bộ GTVT và Vianlines, đưa đơn vị này vào diện giám sát đặc biệt” - ông Doanh đề xuất.

Ngày 18-8-2015, VietNam+ dẫn lời ông Vũ Anh Minh, Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ GTVT), cho biết công ty mẹ Vinalines đã xử lý, giảm nợ được gần 3.700 tỉ đồng, tương đương với 25% công nợ; trong đó gồm cả các khoản nợ trong nước và nước ngoài.

Còn Tổng Giám đốc Vinalines Lê Anh Sơn cho biết Vinalines đang tập trung đàm phán với một số ngân hàng lớn như VietinBank, ACB, VPbank... Tổng số dư nợ của Vinalines tại các ngân hàng này khoảng 3.000 tỉ đồng. Vinalines sẽ tiếp tục đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ tại các tổ chức tín dụng theo hình thức bán nợ cho Công ty Mua bán nợ của Bộ Tài chính hoặc cho Công ty ​Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC),…

Theo báo cáo của Vinalines, sáu tháng đầu năm 2015, mặc dù công ty mẹ đã có lãi 124 tỉ đồng nhưng các khoản nợ lớn vẫn là gánh nặng đè lên nỗ lực thoát lỗ của các đơn vị, toàn tổng công ty dự kiến lỗ 197 tỉ đồng (không bao gồm các đơn vị đang thực hiện thủ tục phá sản).

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bị can Lê Viết Chữ

Nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ bị bắt

(PLO)- Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định: Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ đã nhận tiền của Nguyễn Văn Hậu để tạo điều kiện giúp Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn trúng thầu.