Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) sẽ làm việc với cơ quan công an và sẽ có thông tin chính thức liên quan đến vụ tàu vỏ thép hư hỏng ở Bình Định, đồng thời xem xét trách nhiệm của cơ quan đăng kiểm (thuộc Tổng cục Thủy sản).
Đó là nội dung đáng chú ý trong cuộc họp báo chiều 6-9 tại Hà Nội được ông Nguyễn Quốc Oai, Phó Tổng Cục Thủy sản, trả lời các nội dung liên quan đến vụ tàu vỏ thép bị hư hỏng ở một số tỉnh là Thanh Hóa, Quảng Nam, Bình Định thời gian vừa qua.
Theo ông Oai, sau ba năm triển khai Nghị định 67 về đóng tàu vỏ thép cho ngư dân vươn khơi dài ngày trên biển đã đạt được rất nhiều kết quả tốt trong chính sách đầu tư, thuế, bảo hiểm, vốn tín dụng. Đến nay đã có 767 chiếc tàu được đóng mới, trong đó có 301 chiếc vỏ thép được đóng tại nhiều địa phương khác nhau trên cả nước.
“Tuy nhiên, rất tiếc trong đó có 18 tàu vỏ thép Bình Định đóng tại Nhà máy Nam Triệu và Đại Nguyên Dương đã bị hư hỏng. Cụ thể Công ty Nam Triệu 13 chiếc, trong đó có sáu tàu sửa chữa thay máy mới đang được khẩn trương khắc phục trong tháng 9 này. Riêng Nhà máy đóng tàu Đại Nguyên Dương có năm tàu đóng cho ngư dân chủ yếu là rỉ sét vỏ tàu đang được công ty này khắc phục” - ông Oai cho hay.
Khi được hỏi về trách nhiệm của các công ty đóng tàu và Trung tâm Đăng kiểm của Tổng cục Thủy sản về trách nhiệm các cá nhân liên quan, ông Oai cho biết tại cuộc họp mới đây, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng đã nói trách nhiệm thuộc về nhà máy đóng tàu. Tuy nhiên, trách nhiệm này gắn với trách nhiệm của cơ quan đăng kiểm.
Ông Oai thông tin hiện lãnh đạo Bộ NN&PTNT đã giao Tổng cục xem xét trách nhiệm của cơ quan đăng kiểm. Ngoài ra, tới đây Tổng cục Thủy sản cũng sẽ làm việc với cơ quan công an và sẽ có thông tin chính thức về vụ việc này.