Trong khi mẹ và em đon đả chào đón khách đến nhà thì cu Hiếu vẫn rón rén đứng cạnh bên - Ảnh: Đình Toàn |
Hôm chúng tôi đến, cậu bé ngồi im trong nhà dù nghe tiếng có người gõ cửa. Mãi khi mẹ em bên ngoài đi về mở cửa, em mới bước ra với mỗi chiếc áo rách tả tơi. Em rón rén nhìn mọi người rồi bẽn lẽn đứng núp vào một góc nhà.
Mẹ em có cái tên rất đẹp: Nguyễn Thị Thanh Minh, năm nay gần 40 tuổi. Nghe có khách đến thăm và cho tiền, chị Minh nhanh nhảu đi gọi đứa con trai út sang chơi bên hàng xóm về nhà. Khác với hình dung của chúng tôi, càng khác với những cảnh báo của vài người rằng chị Minh sẽ chửi mắng thô tục, có thể cầm dao rượt đuổi người lạ: “Vô nhà chơi đi”, chị vừa mở cửa vừa nhoẻn miệng cười.
Ngôi nhà 3 mẹ con chị Minh ở trông chẳng khác nào một cái kho bỏ hoang lâu ngày. Cửa ngõ xập xệ, tường vách rệu rã. Trong nhà không điện cũng không nước. Nếu không mở cửa, ngôi nhà chỉ được soi sáng bởi chính những ánh nắng xuyên từ trên mái nhà qua nhiều vạt ngói vỡ lỗ chỗ. Trên nền nhà, chị Minh đặt chiếc kiềng 3 chân sắp củi chuẩn bị nhóm lửa cho bữa ăn trưa. Nồi cơm trắng nấu cho 3 mẹ con ăn từ buổi sáng vẫn còn phân nửa. Chị Minh dỡ nắp vung khoe: “Ba mẹ con mới ăn xong. Phần ni để tối ăn”. Trong nhà, chị Minh chất rất nhiều củi và có hàng chục bịch nhựa để hằng ngày đi xin nước về nấu ăn...
Chị Minh là con út trong gia đình có 6 anh chị em, 2 trai 4 gái. Ông Nguyễn Văn Anh (49 tuổi, ở thôn Lương Quý Phú, xã Lộc Điền), người anh kế và cũng là người ở gần chị Minh nhất kể rằng mẹ mất sớm, còn bố (năm nay đã ngoài 90 tuổi) rời VN sang định cư ở Mỹ và chưa một lần về quê kể từ trước năm 1975. Từ nhỏ, chị Minh là người bình thường. Sau khi bố bỏ đi thì anh chị em tự làm lụng nuôi nhau. Lớn lên mỗi người mỗi cảnh, có người đã mất, có người lấy chồng ở tận miền Nam, ai cũng nghèo khổ. “Minh nó lớn lên rất xinh, bán muối mắm ngoài chợ Truồi. Ở cái tuổi 18 - 20 biết buôn bán lại xinh gái nên cũng được nhiều người để ý. Nhưng 21, 22 tuổi nó bỗng đổ bệnh, nói năng linh tinh không ai hiểu chi, thường hay gây gổ người này người khác... Anh em tụi tui mà hắn thấy mặt là chửi tới tấp, đuổi không cho vào nhà nên tui cũng ít qua chỗ Minh”, ông Anh kể.
Năm 22 tuổi, chị Minh đã bắt đầu cuộc sống đơn độc. Hằng ngày chị đi lang thang trong làng xã và sống nhờ những đồng tiền lẻ, cơm gạo của bà con xóm làng. Khoảng 14 năm trước, chị mang thai đứa con trai đầu tiên mà sau này có người nặng lời gọi là “người rừng”. Cu cậu được chú bác đặt cho cái tên thật ý nghĩa: Nguyễn Văn Hiếu. Rồi cũng trong ngôi nhà ngày càng xuống cấp ấy, chừng 11 năm trước đứa con trai không rõ cha nữa chào đời: em Nguyễn Văn Hiền. Nhiều người kể, chị Minh còn mang thai một đứa con nữa nhưng sinh nở bất thành... “Minh bị bệnh, rứa mà người ta nỡ làm việc đó với hắn. Tui tức quá nên rình bắt. Tui bắt được quả tang, nhưng chỗ quen biết xóm làng nên mắng mỏ cảnh báo rồi xong”, ông Anh ấm ức.
Trên người mang mỗi tấm áo rách che thân cùng với những biểu hiện khó hiểu khiến Hiếu bị gọi là “người rừng” - Ảnh: Đình Toàn |
Tiếp xúc với chính quyền địa phương, chúng tôi được biết câu chuyện ngặt nghèo về 3 mẹ con chị Minh lâu nay đã là bài toán nan giải. Hai người anh ruột ở gần nhất mỗi khi giúp đỡ việc gì thì bị chị Minh chửi mắng, dần họ cũng nản. 3 mẹ con chị sống ngay trong khu dân cư đông đúc và được sưởi ấm phần nào bởi tình làng nghĩa xóm. Nhưng tình thương yêu ấy cũng chỉ dừng lại ở mức vài bát cơm, lon gạo, vài bộ áo quần cũ... chứ chưa thể giúp họ thoát khỏi chuỗi hành vi trượt dài trong vô thức. Nhất là Hiếu, cậu bé có đôi mắt đen, gương mặt bầu bĩnh, khôi ngô đang độ tuổi trưởng thành khiến người khác rất xót xa khi chỉ khoác trên thân mỗi chiếc áo rách bươm. Hiếu có những biểu hiện tự kỷ nặng và dường như chỉ có chị Minh nói em mới nghe. “Nhiều năm nay, sáng nào 3 mẹ con cũng mặc áo quần kín đáo dắt nhau lên chợ xin ăn. Buổi trưa về nhà thằng Hiếu mới cởi đồ ra và mặc mỗi chiếc áo ấy, nó mặc chiếc áo rách đó đã 10 năm nay rồi. Riêng Minh thì chị ấy vô cùng thương con. Thấy hai thằng cu đi đâu lâu không về là nó đi tìm, quyết không cho đi xa. Cháu Hiếu không ăn cá sống, không cất những tiếng hú rùng rợn vào ban đêm như người ta thêu dệt”, ông Nguyễn Ngọc Thành, Trưởng thôn Sư Lỗ, khẳng định. Còn em Nguyễn Mậu Tấn, học sinh lớp 7 ở gần nhà Hiếu thì nói: “Hiếu có chi đáng sợ mô? Hắn vẫn đá banh với tụi cháu. Hắn ít nói, nhưng mỗi khi nói tụi cháu vẫn hiểu. Hắn chỉ xấu là ít khi mặc quần thôi”.
Nếu chị Minh và Hiếu hiện đang trong tình trạng bất ổn về tâm sinh lý thì em Hiền lại là một sự kỳ diệu trong ngôi nhà vốn là “một thế giới riêng” ấy. Tất cả mọi người sau khi gặp Hiền ai cũng cảm nhận đây là cậu bé thông minh, ngoan ngoãn. Đặc biệt, chưa được tới trường ngày nào nhưng Hiền có thể biết và đọc từng số trong dãy số tự nhiên. Em cũng có thể đọc vanh vách số đơn vị hàng trăm và có thể cộng, trừ số hàng chục. “Em muốn đi học lắm, nhưng không có giấy khai sinh, không có sách vở, không có xe đạp”, Hiền thút thít.
Sổ gì cũng xé Ông Huỳnh Bình, Chủ tịch UBND xã Lộc Điền, thở dài kể rằng xã đã làm hộ khẩu, sổ hộ nghèo, bảo hiểm y tế nhưng rồi chị Minh cũng xé. Mùa mưa bão, cán bộ xã, huyện đến vận động 3 mẹ con đi tránh bão lụt thì bị chị văng tục, chửi té tát. “Đặc biệt, năm 2012 Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã đã vận động được gần 50 triệu đồng xây cho chị Minh ngôi nhà tình thương kế bên ngôi nhà xuống cấp mà 3 mẹ con chị đang ở. Nhưng khi tiến hành thủ tục thì chị Minh chửi bới. Chúng tôi mời anh trai chị đến làm thủ tục thì họ không tới. Đợi lâu quá xã đành dành nguồn kinh phí này xây nhà cho người khó khăn khác. Chúng tôi mong là có cơ quan chuyên môn nào vào cuộc giúp cho mẹ con chị ấy cải thiện sức khỏe, hoặc vào trung tâm bảo trợ xã hội, chứ để tình cảnh này hoài thấy quá xót xa”, ông Bình nói. |
Theo Đình Toàn/TNO