Ưu tiên quỹ đất xây trường mầm non cho con của công nhân

(PLO)- Sống chật hẹp, thiếu nơi ở, xa con cái, công nhân lao động tại các khu công nghiệp đối mặt nhiều khó khăn, cần được hỗ trợ nhà ở và giáo dục.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Nam

Ngày 21-11, Tổng Liên đoàn lao động (LĐLĐ) Việt Nam tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý đề án “Hỗ trợ công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN-KCX) trong việc chăm sóc nuôi dạy con”.

Đề án được đánh giá là có vai trò quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề đời sống của công nhân lao động, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến chăm sóc và nuôi dạy con cái.

hỗ trợ nhà ở 1.jpg
Toàn cảnh buổi hội thảo. Ảnh: HẢI NHI

Triển khai chính sách hỗ trợ chưa đồng đều

Chia sẻ tại hội thảo, bà Trần Thu Phương, Phó Trưởng Ban Nữ công Tổng LĐLĐ Việt Nam, cho biết công nhân sống trong các phòng trọ chật hẹp, điều kiện thiếu thốn không chỉ ảnh hưởng đến đời sống của công nhân mà còn trực tiếp tác động đến việc chăm sóc, nuôi dạy con cái.

Trung bình, công nhân lao động chỉ dành từ 1-4 giờ mỗi ngày để chăm sóc con cái, thậm chí nhiều người phải chăm sóc từ xa qua điện thoại hoặc các phương tiện nghe nhìn.

Trước thực trạng này, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn trong việc cung cấp giáo dục mầm non cho con của công nhân lao động tại các KCN-KCX. Theo đó, giáo dục mầm non tại các KCN-KCX được ưu tiên phát triển, tương tự như chính sách dành cho vùng sâu, vùng xa.

Tuy nhiên, theo bà Phương, chính sách hỗ trợ giáo dục mầm non tại các khu vực có KCN-KCX hiện nay chưa được triển khai đồng đều. Đặc biệt, do nguồn lực đầu tư cho giáo dục mầm non còn hạn chế, lại phù thuộc vào khả năng ngân sách của từng địa phương nên chưa thể mở rộng đối tượng đến con của công nhân lao động.

"Chính sách hỗ trợ ăn trưa chưa áp dụng với nhà trẻ, giáo viên dạy cho trẻ là con công nhân tại các trường công lập chưa được hỗ trợ đủ, mức hỗ trợ chung còn thấp. Các thiết chế văn hóa, nhà ở xã hội, trường mầm non tại KCN-KCX dù đã được triển khai nhưng tiến độ còn chậm, số người được thụ hưởng rất ít so với nhu cầu” – bà Phương nói.

Lý giải điểm nghẽn trên, bà Phương cho hay việc xây dựng các công trình thiết chế như nhà trẻ, lớp mẫu giáo, nhà ở và các công trình phụ trợ cần nguồn lực lớn, thời gian dài và phải tháo gỡ nhiều quy trình, thủ tục. Vì vậy, việc giải quyết những khó khăn này không thể thực hiện ngay lập tức mà cần lộ trình cụ thể.

Tiếp tục hoàn thiện chính sách và quỹ đất

Để giải quyết vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Nhân, Chuyên viên Ban Nữ công LĐLĐ TP.HCM, đề xuất tiếp tục hoàn thiện các chính sách và quỹ đất để xây dựng trường mầm non trong các KCN-KCX.

hỗ trợ nhà ở 3.jpg
Ông Nguyễn Hữu Nhân, Chuyên viên Ban Nữ công LĐLĐ TP.HCM. Ảnh: HẢI NHI

“Đa phần quỹ đất tại các khu vực này chủ yếu phục vụ sản xuất, phần dành cho giáo dục vẫn rất hạn chế. Vì vậy, cần quy hoạch rõ ràng và ưu tiên quỹ đất cho mục tiêu giáo dục nhằm đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của công nhân lao động” – ông Nhân cho hay.

Cạnh đó, ông Nhân cũng đề cập đến việc bổ sung chính sách hỗ trợ giáo viên mầm non – đối tượng đang chịu nhiều khó khăn và áp lực hơn so với giáo viên ở các bậc học khác. Theo ông, để phù hợp với lịch làm việc của công nhân lao động, giáo viên mầm non thường phải làm việc trung bình 10 giờ mỗi ngày, từ sáng sớm đến tối muộn.

Do đó, ông Nhân kiến nghị bổ sung chính sách hỗ trợ về bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội; tăng tiền lương cho giáo viên mầm non; mở rộng các dịch vụ trông trẻ ngoài giờ để đáp ứng nhu cầu thực tế của công nhân làm việc ca đêm.

Cũng tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Tuyết, Chủ tịch Công đoàn KCN Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) đề xuất hỗ trợ 50% công nhân di cư gửi con về quê được Công đoàn hỗ trợ cải thiện chỗ ở, điều kiện sinh hoạt, đồng thời hướng dẫn thủ tục xin học hoặc chuyển trường cho con từ quê lên trường tại nơi làm việc, tăng cường chăm lo đời sống và đảm bảo quyền lợi cho công nhân lao động di cư.

Do trong quá trình giám sát, nhiều công đoàn cơ sở từng bị cho là chi tiêu không đúng quy định khi chăm lo cho con em đoàn viên từ ngân sách công đoàn, dẫn đến phải hoàn trả số tiền đã chi sai. Vì vậy, bà Tuyết cho rằng cần phải cân nhắc điều chỉnh chỉ tiêu này sao cho phù hợp với điều kiện thực tế và khả năng phối hợp giữa công đoàn và doanh nghiệp.

Phát biểu kết luận tại hội thảo, bà Đỗ Hồng Vân, Trưởng Ban Nữ công Tổng LĐLĐ Việt Nam cho hay theo kế hoạch, đề án “Hỗ trợ công nhân lao động tại các KCN-KCX trong việc chăm sóc nuôi dạy con” sẽ được trình lên Thường trực Tổng LĐLĐ vào cuối tháng 11 và trình Đoàn Chủ tịch Tổng Liên Đoàn Lao Động vào đầu tháng 12.

Bà Vân nhấn mạnh rằng việc triển khai đề án phải đảm bảo tính thiết thực, phù hợp với điều kiện thực tế nhằm tháo gỡ khó khăn và đáp ứng nhu cầu cấp thiết của công nhân, người lao động.

công nhân lao động (3).jpg
Bà Đỗ Hồng Vân, Trưởng Ban Nữ công Tổng LĐLĐ Việt Nam. Ảnh: HẢI NHI

72,2% công nhân lao động không đủ trang trải cuộc sống

Theo kết quả khảo sát mới nhất của Ban Nữ công (Tổng LĐLĐ Việt Nam) về đời sống công nhân tại năm địa phương có nhiều KCN - KCX vào năm 2024, gồm: Hải Phòng, Hà Nội, Thái Nguyên, TP.HCM và Long An, có 15,1% người lao động có thu nhập dưới 6 triệu đồng/người/tháng; 38,5% có thu nhập từ 6-8 triệu đồng; 26,9% có thu nhập từ 8-10 triệu đồng...

Đặc biệt, có đến 72,2% phải sống trong tình trạng chi tiêu tằn tiện, tiết kiệm hoặc không đủ trang trải cuộc sống.

Đối với điều kiện sống, 31,1% công nhân phải sống trong những phòng trọ chật hẹp dưới 15m², phần lớn trong số đó có chất lượng thấp, xập xệ, thiếu ánh sáng và không gian sống thoáng mát; chỉ 26% công nhân được hỏi đánh giá nơi ở của mình có không gian thoải mái và thoáng mát.

Ngoài ra, công nhân nữ di cư gặp khó trong việc chăm sóc con cái, có tới 40% lao động nữ có con ở lứa tuổi nhà trẻ, mẫu giáo và 30% có con ở các cấp học phổ thông phải gửi con về quê nhờ người thân chăm sóc.

Thời gian qua, để hỗ trợ, tạo điều kiện cho lao động nữ chăm sóc và nuôi dạy con cái, công đoàn thành phố đã chỉ đạo các cấp công đoàn triển khai thực hiện các hoạt động như: Chương trình học bổng Nguyễn Đức Cảnh, Xe đạp cùng con đến trường, Tập trắng cho em, Trung thu yêu thương, Tết cho em, Chắp cánh ước mơ,...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm