Ngày 23-3, Thủ tướng Chính phủ có văn bản gửi Bộ GTVT, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) đồng ý chủ trương đầu tư công trình xây dựng khôi phục cầu Ghềnh tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM theo lệnh khẩn cấp sau khi xét báo cáo của Bộ GTVT và VNR với mức kinh phí 298,5 tỉ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2016.
Như vậy, số phận của cây cầu lịch sử hơn 100 năm tuổi này sẽ định đoạt như thế nào, một khi có cây cầu mới được chính thức hoàn thành sau 3,5 tháng nữa.
Trước thông tin cầu Ghềnh sẽ được xây mới hoàn toàn, chúng tôi đã ghi nhận vài ý kiến của người dân Biên Hòa bày tỏ tâm tư và kiến nghị của mình.
Theo Bộ GTVT, sau cú đâm va của sà lan 1.000 tấn trưa ngày 20-3 đã vào trụ T2, cầu Ghềnh bị hư hỏng hoàn toàn 2 nhịp: số 2 và số 3 (mỗi nhịp nặng khoảng 200 tấn) và một trụ đỡ. Qua khảo sát, các nhịp và mố trụ còn lại (số 1 và 4) có khả năng bị ảnh hưởng do chấn động nên việc khôi phục cầu trở lại như nguyên trạng là không thể thực hiện được.
Ông Lê Văn Ba (80 tuổi, ấp Nhị Hòa, xã Hiệp Hòa, TP Biên Hòa, Đồng Nai): “Khi tôi sinh ra đời thì đã thấy cầu Gành (Ghềnh) rồi. Ký ức tuổi thơ của tôi trưởng thành theo cây cầu này. Từ khi cầu sập, ngày nào cũng ra ngồi bên bờ sông Đồng Nai nhìn cây cầu bị sập ngang mà trong lòng buồn rười rượi và nuối tiếc cho một chứng nhân lịch sử trên dòng sông Đồng Nai. Giờ lại hay tin hà nước bỏ tiền ra xây dựng cầu mới rồi không biết cây cầu cũ có còn không?”.
Anh Lê Ngọc Quốc (Khu phố 2, phường Bửu Long, TP Biên Hòa): “Bộ GTVT quyết định chủ trương xây cầu mới, lòng tôi chợt nhói đau. Tuy không sống gần khu vực cầu nhưng chiếc cầu đã là biểu tượng của Biên Hòa từ lâu. Còn nhớ những lần chạy xe qua nghe tiếng cầu sắt trong lúc dừng xe đứng đợi xe lửa chạy vụt qua. Hình ảnh đó nay còn đâu?
Giá như các cấp chính quyền nhanh tay hơn để cây cầu 100 tuổi an nghỉ, làm di tích lịch sử và song song xây cầu mới bên cạnh thì Biên Hòa sẽ còn giữ lại được biểu tượng ấy... Không có gì có thể thay thế được cầu Ghềnh. Giá như người ta nhanh tay xây trụ bảo vệ...”.
Ông Trần Quang Toại (Tổng Thư ký Hội sử học tỉnh Đồng Nai): “Cầu Gành (Ghềnh) và cầu Rạch Cát gần đó cũng đã là 113 năm, đủ điều kiện để trở thành di tích văn hóa lịch sử. Nếu xây cầu mới ở vị trí gần cầu cũ thì không nên phá hủy cầu cũ. Dù sao phải lưu ý yếu tố lịch sử, văn hóa và cũng có thể phát triển du lịch đia phương vì cầu Gành là một trong những di sản văn hóa hiếm hoi của người Pháp còn lại ở Việt Nam...”.
Nhà thơ Nguyễn Hữu Xuân Từng (Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai): “Theo tôi, xây lại cầu mới là đúng vì kỹ thuật xây cầu của Việt Nam giờ đã hiện đại, không cần kỹ thuật cách nay cả trăm năm. Xây mới mình có điều kiện mở rộng, nâng cao cầu tùy thích và bảo đảm an toàn cho tàu lửa chạy qua cầu hơn. Hình ảnh cầu Ghềnh trăm năm vẫn mãi mãi trong ký ức của chúng ta...”.