Làm mới các động lực để tăng trưởng TP.HCM đạt 2 con số

(PLO)- Để đạt được mục tiêu tăng trưởng 10%, TP.HCM phải quyết tâm, nỗ lực hơn, tập trung làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống về đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, kinh tế TP.HCM năm 2024 tiếp tục đà phục hồi, tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước, ước tính đạt 7,17%, gần đạt kế hoạch đề ra (7,5%-8%).

ThS Nguyễn Trúc Vân, Giám đốc Trung tâm Mô phỏng và Dự báo kinh tế - xã hội, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, nhìn nhận TP.HCM đã trải qua nhiều khó khăn, thách thức song vẫn giữ được phong độ của mình với mức tăng trưởng khá, nhiều chỉ số nổi bật.

Làm mới các động lực để tăng trưởng TP.HCM đạt 2 con số
ThS Nguyễn Trúc Vân, Giám đốc Trung tâm Mô phỏng và Dự báo kinh tế - xã hội, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM.

Tăng trưởng vượt dự ước

. Phóng viên: Năm 2024, dù TP.HCM không đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế đề ra là 7,5%-8% song vì đây là năm bản lề nên con số 7,17% đã thể hiện nỗ lực lớn của hệ thống chính trị.

+ ThS Nguyễn Trúc Vân: TP.HCM xác định năm 2024 là năm phải nỗ lực tăng tốc, bứt phá, hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra theo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm năm, giai đoạn 2021-2025. Còn nhớ tháng 7-2024, Tổng cục Thống kê dự ước mức tăng trưởng GRDP TP chỉ đạt 6,96%. Với quyết tâm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, lãnh đạo UBND TP đã chỉ đạo ban hành Chỉ thị 12 ngày 12-8-2024 về thực hiện nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế TP đến năm 2025. Chỉ thị đã đưa ra sáu mục tiêu phấn đấu, bảy nhóm nhiệm vụ, giải pháp và 16 nhiệm vụ cụ thể.

Với chỉ thị này, TP đã tập trung vào các nhóm giải pháp thúc đẩy các động lực tăng trưởng kinh tế, gồm đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu. TP cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị; đồng thời các đơn vị được giao nhiệm vụ đã chủ động thực hiện đồng bộ chủ đề công tác năm 2024 và nhiệm vụ cụ thể tại Chỉ thị 12. Với sự hiệp sức, đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp và người dân, TP.HCM đã đạt được những kết quả khả quan.

Sau bốn tháng thực hiện, GRDP TP.HCM tăng trưởng vượt dự ước, đạt 7,17 % (tăng 0,21%). Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tính tăng 7,3%; kim ngạch xuất khẩu ước tính tăng 8,3%; chỉ số sản xuất công nghiệp ước tính tăng 7,3%… Tổng thu ngân sách nhà nước năm 2024 ước tính đạt hơn 508.000 tỉ đồng, đạt hơn 105% dự toán.

Ngoài ra, các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn vay được triển khai tích cực, với tổng số tiền hỗ trợ đạt hơn 666.000 tỉ đồng. Các giải pháp thu hút vốn đầu tư vào khu công nghiệp, khu chế xuất và khu công nghệ cao được TP tập trung triển khai, đạt tổng vốn đầu tư gần 484 triệu USD.

Xuất khẩu vẫn đang trong xu hướng phục hồi, nhiều doanh nghiệp ngành nhận đủ đơn hàng đến quý I-2025.

Thông qua chương trình “Trăm doanh nghiệp, Vạn đơn hàng, Triệu tài khoản”, TP đã thúc đẩy chuyển đổi số cho doanh nghiệp vừa và nhỏ; đào tạo, tập huấn kỹ năng phát triển thương mại điện tử cho hơn 120 doanh nghiệp.

TP cũng tổ chức thành công “Cuộc thi Thách thức Net Zero 2024” và tuần lễ triển lãm quốc tế “Net zero TP.HCM” thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế. Cuộc thi có giải thưởng chính 15 tỉ tiền mặt không đổi cổ phần, mỗi startup 5 tỉ, cùng hơn 6,5 tỉ đồng đầu tư và hỗ trợ tài chính từ Touchstone Partners và các đối tác...

Tạo đà vững chắc cho năm 2025

TP.HCM ban hành Chỉ thị 12 như một chỉ thị hành động để bộ máy của TP tiếp tục vận hành hiệu quả các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội của TP giai đoạn cuối năm 2024, đồng thời tạo đà vững chắc cho năm 2025.

Thông qua những phân công cụ thể, từng sở, ngành, cơ quan, đơn vị đã nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, góp sức để kinh tế TP.HCM về đích với kết quả cao nhất.

Nếu giữ vững tinh thần này, quyết tâm này trong năm 2025, TP.HCM có thể vững vàng hơn trong việc chinh phục mục tiêu tăng trưởng kinh tế hai con số, hướng đến chào mừng hàng loạt sự kiện quan trọng của TP và đất nước.

ThS NGUYỄN TRÚC VÂN

. Vậy còn những vướng mắc, tồn đọng nào mà TP.HCM cần phải khắc phục trong năm tới, thưa bà?

+ Nhìn chung, các nhóm giải pháp để tăng tốc nền kinh tế cơ bản được phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, giải pháp thúc đẩy thực hiện và giải ngân đầu tư công, tăng cường khả năng hấp thụ vốn đầu tư dù có cải thiện nhưng chưa rõ rệt. Đây là điểm mà TP cần nỗ lực, tập trung tháo gỡ, nhất là khi kế hoạch giải ngân đầu tư công dự kiến của năm 2025 không thua kém gì năm nay.

Ngoài ra còn nhiều dự án về cơ sở hạ tầng, nhà ở, môi trường bị chậm tiến độ song để khắc phục cần nhiều giải pháp cấp cao hơn. Một số chỉ tiêu cần thêm thời gian và nỗ lực thực hiện nên chưa thể đánh giá trong năm 2024.

lam-moi-cac-dong-luc-de-tang-truong-tp-hcm-dat-2-con-so.jpg
TP.HCM đã tập trung vào các nhóm giải pháp thúc đẩy các động lực tăng trưởng kinh tế, gồm đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu. Ảnh: HOÀNG GIANG

Nỗ lực chạm đến tăng trưởng hai con số

. Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đánh giá mục tiêu tăng trưởng kinh tế hai con số trong năm 2025 là thách thức lớn song không vì vậy mà e ngại?

+ Còn nhớ năm ngoái, khi chúng ta đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 7,5%-8% trong năm 2024, nhiều ý kiến cho rằng điều này khó khả thi vì nền kinh tế TP từng có giai đoạn mà một số chuyên gia gọi là “chạm đáy”. Song TP.HCM vẫn quyết tâm, nỗ lực không ngừng và kết quả hôm nay là chúng ta đã gần chạm đến mục tiêu ấy.

Năm nay nếu đạt mục tiêu tăng trưởng 10%, chúng ta mới đạt mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI đề ra. Do vậy, chúng ta lại càng phải quyết tâm, nỗ lực hơn nữa.

Tôi cho rằng để đạt được mục tiêu này, TP.HCM cần tập trung đồng bộ hàng loạt giải pháp cụ thể. Trong đó, tập trung làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống về đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu. Đồng thời, đẩy mạnh các động lực tăng trưởng mới như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ, kinh tế ban đêm.

Trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài cần thực hiện có chọn lọc, nhất là các dự án công nghệ cao, các ngành, lĩnh vực mới nổi như chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi năng lượng... Kết nối với khu vực trong nước, hình thành các chuỗi cung ứng, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu...

TP.HCM cũng cần mở rộng, khai thác hiệu quả thị trường mới, nhất là thị trường Halal, Mỹ Latinh, châu Phi và tận dụng tối đa 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết, hình thành các khu thương mại tự do.

Ngoài ra, TP.HCM cần triển khai hiệu quả chương trình bình ổn thị trường, các chương trình kích cầu tiêu dùng và xúc tiến thương mại trong nước. Sớm triển khai thực hiện Đề án Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại TP, đặc biệt phải nỗ lực thực hiện đảm bảo tiến độ các công trình, dự án đầu tư công.

. TP.HCM đang cùng cả nước bước vào kỷ nguyên vươn mình. Để “đá tiền đạo” trong hành trình này, TP.HCM phải nỗ lực ra sao?

+ Trong hành trình chinh phục kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, TP.HCM phải đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế hai con số và phải giữ thăng bằng mục tiêu này.

Ở kỷ nguyên mới, TP.HCM phải thực hiện tinh gọn tổ chức bộ máy hành chính hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh chuyển đổi số theo hướng “phương thức sản xuất số”. Xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực có kiến thức, kỹ năng và tư duy đổi mới sáng tạo, đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế số và cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Đặc biệt, TP.HCM phải là một trung tâm khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; đẩy mạnh công nghệ chiến lược, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, lấy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo làm động lực chính cho phát triển…

. Xin cảm ơn bà.

Giải pháp nào để tăng trưởng hai con số?

Năm 2024, TP.HCM đã có nhiều nỗ lực để đạt được thành tựu lớn trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển toàn diện kinh tế - xã hội. Song để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế hai con số vào năm 2025 chắc chắn đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn nữa cùng chiến lược cụ thể và chi tiết.

Để hiện thực hóa mục tiêu này, TP.HCM phải thực hiện đồng bộ, quyết liệt hàng loạt giải pháp. Có thể kể đến như tăng cường hỗ trợ các ngành công nghiệp chủ lực và phát triển thương mại quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư và phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế mở.

TP cũng cần đầu tư nhanh và có hệ thống vào cơ sở hạ tầng như giao thông, cung cấp nước, điện, xử lý chất thải. Đồng thời, TP phải khuyến khích và tạo điều kiện tốt nhất cho việc ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông vào các lĩnh vực kinh tế, nâng cao hiệu quả hoạt động, tạo ra các giải pháp kinh tế mới. Mặt khác, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển, hỗ trợ về tài chính, công nghệ, kinh nghiệm kinh doanh.

Đặc biệt, TP.HCM phải đẩy mạnh kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng.

Đây cũng là lúc đẩy mạnh hội nhập quốc tế với việc nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược với Mỹ, Nhật Bản, Úc, Malaysia… để thúc đẩy xuất khẩu, đầu tư, du lịch. Cùng với đó, có sự đột phá về thể chế, tạo cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy tinh gọn, triển khai tốt các luật Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản, Tổ chức tín dụng…

TP.HCM cũng phải sớm đẩy nhanh việc triển khai thành lập Trung tâm tài chính quốc tế nhằm thu hút các công ty tài chính quốc tế, tạo ra nhiều việc làm và thúc đẩy sự phát triển kinh tế. Việc này sẽ giúp Việt Nam nâng cao uy tín và thể hiện khả năng cạnh tranh trên trường quốc tế trong lĩnh vực tài chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư quốc tế. Từ đó, tăng cường đầu tư của quốc tế vào nền kinh tế Việt Nam.

TS TRẦN QUANG THẮNG, Viện trưởng Viện Kinh tế và quản lý TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm