VKSND tỉnh Thái Bình ban hành cáo trạng truy tố bị can Lưu Bình Nhưỡng, Lê Thanh Vân và 3 bị cáo khác trong vụ án bảo kê cưỡng đoạt tài sản.
Trong đó, bị can Lưu Bình Nhưỡng bị truy tố về tội cưỡng đoạt tài sản và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Bị can Lê Thanh Vân (cựu đại biểu Quốc hội), và Nguyễn Văn Vương (cựu chuyên viên Vụ pháp luật Văn phòng Chủ tịch nước) bị truy tố về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi.
Các bị can Phạm Minh Cường (thường gọi là Cường "quắt", có 3 tiền án) và Vũ Đăng Phương bị truy tố tội cưỡng đoạt tài sản.
Theo cáo buộc, khoảng thời gian từ năm 2020 đến 2023, các bị can trong vụ án đã có hành vi cưỡng đoạt tài sản, lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi xảy ra ở Thái Bình, Quảng Ninh, TP Hải Phòng và TP Hà Nội.
Cụ thể, từ tháng 5-2016 đến năm 2021, ông Lưu Bình Nhưỡng là đại biểu Quốc hội khoá XIV, nhiệm kỳ 2016 - 2021 thuộc đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre. Từ tháng 7-2018 đến tháng 11-2023, ông Lưu Bình Nhưỡng giữ chức vụ Phó trưởng Ban Dân nguyện Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Tháng 5, 6-2021, bị can Cường đến gặp ông Lưu Bình Nhưỡng nhờ can thiệp với lãnh đạo Công an tỉnh Thái Bình tạo điều kiện giúp đỡ việc làm ăn.
Khi đó, Cường và Phương cắm cọc, tự ý lấn chiếm 180 ha bãi triều, chặn lối vào mỏ cát ở vùng biển xã Thụy Trường, huyện Thái Thụy nhằm ép Công ty TNHH MTV kinh doanh khai thác vật liệu xây dựng Sao Đỏ phải trả tiền bảo kê.
Trong khi đó, Công ty Sao Đỏ đã được UBND tỉnh Thái Bình cấp phép khai thác mỏ cát tại vùng biển này.
Cường yêu cầu Công ty Sao Đỏ phải trả 1.500 đồng/m3 cát mà công ty khai thác được, tương đương hơn 1 triệu đồng một tàu khai thác cát. Do bãi triều là lối đi duy nhất để tàu thuyền đi vào mỏ khai thác và vận chuyển cát nên Công ty Sao Đỏ buộc phải chấp nhận.
Để che giấu hành vi cưỡng đoạt tài sản, bị can Cường ký hợp đồng làm bảo vệ cho Công ty Sao Đỏ. Từ tháng 9-2020 đến 12-2020, Sao Đỏ đã buộc phải trả cho Cường 3,3 tỉ đồng.
Tuy nhiên, quá trình khai thác cát, do có sự mâu thuẫn, nhóm của Cường thường xuyên đánh nhau với nhóm giang hồ Dũng “chiến” đang quản lý bãi triều đối diện. Thấy không an toàn nên Công ty Sao Đỏ ngừng khai thác, không trả tiền cho Cường.
Chính vì vậy, Cường đến nhà riêng ở Hà Nội và nhà thờ ở Thái Bình gặp ông Nhưỡng nhờ can thiệp để tạo điều kiện làm ăn thuận lợi. Khi gặp gỡ, Cường nói cho ông Nhưỡng biết mỗi tháng thu được 400-500 triệu đồng.
Ông Nhưỡng đồng ý giúp đỡ nhưng chưa gọi điện ngay. Để ông Nhưỡng can thiệp giúp, Cường rủ vợ chồng ông Nhưỡng đầu tư mua bãi triều.
Tháng 7-2021, vợ chồng ông Nhưỡng được bị can Cường bán cho 30 ha bãi triều lấn chiếm trái phép với trị giá khoảng 1,2 tỉ đồng (chỉ lấy 900 triệu đồng). Mua xong ông Nhưỡng giao cho Cường quản lý, khai thác để thu tiền.
Sau đó, ông Nhưỡng điện thoại cho lãnh đạo Công an tỉnh Thái Bình can thiệp để giúp đỡ để Cường. Ông Nhưỡng còn đưa Cường đến Đồn Biên phòng, gặp chính quyền xã để gây thanh thế, tạo điều kiện cho Cường tiếp tục cưỡng đoạt tài sản.
Theo cáo buộc, tổng số tiền Cường và đồng phạm đã cưỡng đoạt của Sao Đỏ là 4,9 tỉ đồng. Trong đó, việc cưỡng đoạt 1,6 tỉ đồng từ tháng 10-2021 đến tháng 7-2022, có sự giúp sức của ông Nhưỡng.
Còn ông Lê Thanh Vân thì bị cáo buộc đã dùng danh nghĩa ĐBQH khóa 14, khóa 15… để ký nhiều văn bản gửi đến lãnh đạo địa phương và cả Phó thủ tướng nhằm giúp cho Công ty Hạ Long được làm một dự án liên quan đến đất đai. Qua đó, bị can Lê Thanh vân đã hưởng lợi trị giá nhiều tỉ đồng bằng hình thức nhận các lô đất từ doanh nghiệp.