Như PLO đã đưa tin tại giải đồng hương Thanh Hóa tổ chức diễn ra trên sân PM Sport (TP.HCM), cựu tuyển thủ Việt Nam Lê Sỹ Mạnh đã tấn công trọng tài Phạm Văn Nguyên khi nhận tấm thẻ vàng thứ hai trong trận đấu vào ngày 22-12.
Trọng tài Phạm Văn Nguyên là trọng tài futsal quốc gia, còn cựu tuyển thủ Lê Sỹ Mạnh từng khoác áo tuyển Việt Nam giai đoạn 2009 - 2010, đá cho đội tuyển Việt Nam chừng 8, 9 trận.
Trong trận đấu này ở phút 34 sau tấm thẻ vàng thứ nhất, Lê Sỹ Mạnh dùng tay quét qua mặt trọng tài Phạm Văn Nguyên. Đây là hành vi vi phạm thân thể trọng tài, nên trọng tài Văn Nguyên rút thẻ vàng thứ 2. Sau đó, Sỹ Mạnh đã lao tới dùng tay đánh vào mặt trọng tài Văn Nguyên và đá vào hông trọng tài futsal quốc gia này.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, LS Trương Văn Tuấn (Đoàn LS TP.HCM), cho biết đây không phải là lần đầu tiên có trường hợp cầu thủ tham gia thi đấu có thái độ hung hăng, đánh trọng tài. Vì vậy, các hành vi cố ý sử dụng bạo lực, xấu xí, phi thể thao này cần phải xử phạt nghiêm khắc mới đủ sức răn đe và mang lại một môi trường thể thao chuyên nghiệp, văn minh.
Về trách nhiệm pháp lý, LS Tuấn cho rằng việc cầu thủ bóng đá cố ý gây thương tích cho trọng tài khi đang thi đấu bóng đá thì tùy vào hành vi, tính chất mức độ và hậu quả mà có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Cụ thể, Điều 9 Nghị định 46/2019 quy định phạt tiền 15-20 triệu đồng đối với hành vi đe dọa xâm phạm sức khỏe, tính mạng; phản ứng không phù hợp với đạo đức, thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa Việt Nam khi tham gia hoạt động thể thao; phạt tiền 20-25 triệu đồng đối với một trong các hành vi cố ý gây chấn thương, chơi thô bạo gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người khác trong tập luyện, thi đấu thể thao.
Như vậy, trong trường hợp cầu thủ hung hăng, đánh trọng tài khi đang thi đấu thể thao mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể bị phạt tiền từ 20-25 triệu đồng. Đồng thời bị đình chỉ việc tham dự giải thi đấu thể thao có thời hạn 3-6 tháng.
Về trách nhiệm hình sự, theo LS Tuấn hành vi của cựu cầu thủ này có dấu hiệu của tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác theo Điều 134 BLHS.
Còn Luật sư Võ Đan Mạch, Đoàn Luật sư TP.HCM nhận định: cựu cầu thủ Sỹ Mạnh có chủ đích tác động vật lý vào người của trọng tài nhưng sự chủ đích này ở trong trạng thái bộc phát khi thi đấu thể thao.
Đáng chú ý, để xử lý được hình sự về tội cố ý gây thương tích ở khoản 1 Điều 134 bộ luật Hình sự thì cần phải có yêu cầu của bị hại (trọng tài) và cơ quan điều tra cần tiến hành giám định thương tật, đánh giá hoàn cảnh, tính chất, động cơ, nhân thân của người hành hung khi đó mới có căn cứ xác định có dấu hiệu tội phạm hay không.
Cũng theo LS Mạch, thể thao trong nước thì trước giờ cũng chưa có trường hợp nào xử lý hình sự về tội cố ý gây thương tích đối với hành vi bạo lực cầu thủ hoặc có tấn công trọng tài trong một trận đấu.
Trong trường hợp này, trọng tài hoàn toàn có quyền khởi kiện để yêu cầu cầu thủ đã gây ra thương tích cho mình bồi thường các thiệt hại. Thứ nhất là xin lỗi, thứ hai là bồi thường các khoản chi phí về y tế, thuốc men và tổn thất về mặt tinh thần danh dự.
Cuối cùng, hai luật sư nhấn mạnh việc phải lên án những hành vi phi thể thao như trên để cảnh báo và dẹp bỏ được tình trạng bạo lực sân cỏ ở đâu đó vẫn phát sinh và nó tạo ra một cái hình ảnh xấu cho bóng đá.