Ngày 26-12, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tổ chức hội thảo "Nâng cao vai trò của công đoàn trong việc giám sát tuân thủ pháp luật tại nơi làm việc.
Hội thảo nhằm tập trung đánh giá vai trò của công đoàn trong giám sát thực hiện pháp luật; đặc biệt là công tác an toàn vệ sinh lao động tại nơi làm việc, qua đó bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.
Công đoàn cần trực tiếp giám sát ngay tại cơ sở
Phát biểu tại hội thảo, bà Hồ Thị Kim Ngân, Phó Trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐ Việt Nam) cho biết hiện nay, công tác an toàn vệ sinh lao động cần được thực hiện một cách toàn diện và xã hội hóa.
“Dù có quy định và hệ thống giám sát nhưng tai nạn lao động vẫn xảy ra nghiêm trọng. Điều này cho thấy công tác thực thi cần được cải thiện để giảm thiểu tai nạn và bảo vệ sức khỏe cho người lao động. Trong đó, việc giám sát công tác an toàn lao động tại các công đoàn cơ sở và các doanh nghiệp phải được thực hiện nghiêm túc” - bà Ngân nói.
Chia sẻ tại hội thảo, ông Nguyễn Khánh Long, Phó Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết nhận thức của các cấp quản lý, người sử dụng lao động và người lao động về an toàn vệ sinh lao động đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Theo ông Long, công tác phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được chú trọng, điều kiện lao động dần được cải thiện. Việc quản lý an toàn vệ sinh lao động cũng đã được mở rộng ra khu vực người lao động phi chính thức.
"Tuy nhiên, nhiều vụ tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp vẫn xảy ra trong các ngành có nguy cơ cao như xây lắp, điện, cơ khí, khai khoáng” - ông Long nói và cho hay trong đầu năm 2024, đặc biệt tháng 4 và tháng 5, liên tiếp xảy ra nhiều vụ tai nạn lao động nghiêm trọng, gây thương vong lớn và thu hút sự quan tâm của dư luận.
Cụ thể là vụ tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng đã xảy ra tại Công ty Cổ phần Xi măng và Khoáng sản Yên Bái, khiến 7 công nhân tử vong và 3 người bị thương vào chiều ngày 22-4-2024.
“Vụ việc xảy ra tại dây chuyền nghiền đá của nhà máy xi măng trong quá trình bảo dưỡng, sửa chữa định kỳ máy nghiền số 3. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do sự cố động cơ điện của máy nghiền, dẫn đến tai nạn đối với những người lao động đang thực hiện công việc bảo dưỡng" - ông Long cho hay.
Để hạn chế sự cố tương tự xảy ra, ông Long cho rằng công đoàn không chỉ tham gia vào các đoàn thanh tra, kiểm tra mà cần phải trực tiếp giám sát an toàn vệ sinh lao động ngay tại cơ sở, doanh nghiệp.
Để "không ai bị bỏ lại phía sau"
Cũng theo ông Long, khi tai nạn lao động xảy ra và vi phạm pháp luật về an toàn vệ sinh lao động, công đoàn cần yêu cầu chủ sử dụng lao động khắc phục và giải quyết vấn đề bằng việc tham gia vào quá trình điều tra để xác định trách nhiệm, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động.
Ngoài ra, công đoàn phải đánh giá mức độ thực hiện các quy định pháp luật về bảo hộ lao động và có quyền kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm và đảm bảo quyền lợi cho người lao động.
“Tuy nhiên, để giảm thiểu tai nạn lao động, bên cạnh công đoàn, cần sự phối hợp chặt chẽ từ thanh tra và cơ quan quản lý nhà nước. Các ngành lao động, y tế và công đoàn, với vai trò "bộ ba chiến lược", phải cùng hợp tác để xây dựng các giải pháp đồng bộ.
Cạnh đó, tầm nhìn “không tai nạn” – không còn xảy ra tai nạn lao động được xác định là động lực phấn đấu lâu dài. Đây không chỉ là mong muốn mà còn là định hướng cụ thể để từng bước giảm thiểu rủi ro trong môi trường lao động” - ông Long nhấn mạnh.
Đồng thời, ông Long cho hay chủ trương năm 2025 của Bộ LĐ-TB&XH là để "không ai bị bỏ lại phía sau" trong công tác bảo vệ an sinh xã hội cho người lao động.
Định hướng giai đoạn đến năm 2025, trách nhiệm của BHXH chính là mở rộng diện bao phủ và bảo đảm về quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, bao gồm cả lao động tự do, lao động phi chính thức.
Số vụ tai nạn lao động ước tính giảm 6-7% trong năm 2024
Theo Phó Cục trưởng Cục An toàn lao động Nguyễn Khánh Long, trong 6 tháng đầu năm 2024, cả nước ghi nhận 3.201 vụ tai nạn lao động, giảm 227 vụ (7,09%) so với cùng kỳ năm 2023. Số người bị nạn là 3.065 người, giảm 197 người (6,04%).
“Trong thời gian gần đây, các cơ quan chức năng đang khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân của các vụ việc và cam kết xử lý nghiêm các sai phạm. Tần suất tai nạn lao động tiếp tục giảm, với ước tính giảm từ 6–7% trong năm 2024 so với năm 2023" - ông Long nói.