Tết cổ truyền ở bản làng giữa lòng Di sản thế giới

Tết cổ truyền ở bản làng giữa lòng Di sản thế giới

(PLO)- Tết cổ truyền Ất Tỵ năm nay, người dân bản Rào Con, thị trấn Phong Nha ai cũng phấn khởi khi được các cấp chính quyền địa phương quan tâm, chăm lo đón Tết đầy đủ, sung túc.

Khi những cơn mưa xuân còn lất phất rơi trên núi rừng và cái lạnh rì rầm len lỏi khắp các mỏm đá vôi hùng vĩ, bản Rào Con, thị trấn Phong Nha, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) - ngôi làng nhỏ nằm biệt lập giữa vùng đệm Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha-Kẻ Bàng như được khoác lên mình một sắc xuân mới. Trong những căn nhà đơn sơ, tiếng cười nói rộn ràng và những nồi bánh chưng nghi ngút khói đã làm ấm lòng cả một vùng núi rừng.

Tết cổ truyền ở bản nghèo giữa lòng Di sản thế giới
Tết cổ truyền ở bản nghèo giữa lòng Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha-Kẻ Bàng. Ảnh: B.T

Bản nghèo giữa lòng Di sản

Rào Con là bản làng của người dân tộc Bru-Vân Kiều gồm 62 hộ với hơn 250 nhân khẩu nằm cách trung tâm thị trấn Phong Nha khoảng 20km. Để đến được nơi này, chúng tôi phải vượt qua những cung đường quanh co, dốc núi hiểm trở.

Khi xe chúng tôi vừa tới, ông Hồ Kiên, người trưởng bản tận tụy suốt gần 25 năm, đã đón từ xa với nụ cười thân thiện: “Quý hóa quá! Lâu lắm rồi mới có nhà báo vào thăm bản heo hút này. Nghe các anh đến, bà con ai cũng mong, ai cũng muốn khoe những đổi thay của bản.”

ẢNH RÀO CON.jpg
Bản Rào Con, thị trấn Phong Nha nằm biệt lập ở vùng đệm Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng. Ảnh: Bảo Thiên

Tiếp lời, ông Kiên kể, người dân Bru-Vân Kiều ở đây vốn di cư từ xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh vào những năm 80 của thế kỷ trước rồi lập nên bản làng giữa lòng đại ngàn di sản.

Nhiều năm về trước, việc ra vào bản Rào Con rất khó khăn, nếu chọn lối cắt rừng từ Trạm kiểm lâm Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng thì phải vượt qua nhiều con dốc cao, suối sâu mới đến được bản. Còn nếu thời tiết nắng ráo thì xe máy có thể ‘bò’ trên quãng đường đất gần 10km đầy ổ voi, dốc dựng đứng cả vài tiếng đồng hồ mới vào được bản. Chưa kể đến, điện lưới và sóng điện thoại để liên lạc ở bản nghèo này vốn đã là thứ xa xỉ, chưa nói gì đến điện thoại thông minh hay mạng 4G, 5G.

“Trước đây, chỉ việc ra trung tâm thị trấn thôi cũng đã là một hành trình gian nan. Để ra được trung tâm, mỗi lần đi phải mất gần 3 giờ đồng hồ nhích từng đoạn một. Xe máy đi đường rừng một tháng là cứ phải thay nhông, dĩa một lần, tốn kém lắm,” ông Hồ Kiên nhớ lại.

IMG_1869.JPG
Trẻ con ở bản Rào Con cười ríu rít, phấn khởi vui đùa trên con đường bê tông nối vào bản trong dịp Tết cổ truyền Ất Tỵ 2025. Ảnh: Bảo Thiên

Nhưng những khó khăn ấy ở bản Rào Con cũng đang dần được khắc phục. Hai năm trở lại đây, con đường bê tông nối từ thị trấn vào bản được UBND tỉnh Quảng Bình đầu tư hơn 23 tỉ đồng đã hoàn thành, giúp việc đi lại thuận tiện hơn rất nhiều. Người dân không còn phải lo cảnh lầy lội vào mùa mưa hay hỏng hóc xe cộ.

Tết cổ truyền ấm áp giữa đại ngàn

Tết cổ truyền Ất Tỵ 2025 này, trên gương mặt của người dân bản Rào Con ai cũng lộ rõ nét vui mừng, phấn khởi khi được rất nhiều các cấp chính quyền địa phương hỗ trợ tiền, gạo, giúp bà con đón xuân trong no ấm.

IMG_1826.JPG
Bà con nhân dân bản Rào Con được hỗ trợ gạo, tiền trong dịp Tết cổ truyền. Ảnh: Bảo Thiên

“Có đường bê tông đi lại, bà con chúng tôi hai năm nay đã đỡ vất vả hơn nhiều. Tết năm nay còn được Nhà nước hỗ trợ thêm gạo, tiền nữa nên ai cũng vui lắm nhà báo ạ. Bà con còn bảo nhau treo cờ đỏ sao vàng hai bên đường để cảm ơn Đảng và chính quyền đã giúp bản làng đổi mới” bà Hồ Thị Hạnh (55 tuổi, ngụ tại bản Rào Con, thị trấn Phong Nha) chia sẻ.

Bên cạnh niềm vui đón Tết, người dân bản Rào Con vẫn mang trong mình những khát vọng lớn lao. Nếu như trước đây, 100% hộ dân thuộc diện nghèo thì năm nay đã có những gia đình tiên phong xin thoát nghèo, đặc biệt là một số Đảng viên như Trưởng bản Hồ Kiên.

Tet-Co-Truyen.JPG
Không khí Tết cổ truyền đã bao trùm khắp bản Rào con và gia đình bà Hồ Thị Hạnh. Ảnh: Bảo Thiên

“Với gần năm héc-ta lúa nước, những rẫy sắn, rẫy ngô cùng gần 150 héc-ta rừng sản xuất được Nhà nước giao khoán nên cuộc sống của bà con dân bản đang từng bước có thu nhập ổn định dù so với mặt bằng thì còn khá thấp. Là trưởng bản, tôi luôn động viên bà con phải tự lực vươn lên.

Chính tôi và một số đảng viên trong bản cũng xin thoát nghèo đầu tiên để làm gương. Thấy vậy, bà con cũng quyết tâm sản xuất hơn, không còn trông chờ quá nhiều vào sự hỗ trợ. Chỉ khi thoát nghèo thực sự, bà con mới có thể sống no đủ” ông Kiên tâm sự.

1.JPG
Những nụ cười rạng rỡ của người dân bản Rào Con trong những ngày Tết cổ truyền. Ảnh: Bảo Thiên

Ở góc độ địa phương, ông Phan Thanh Luận, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Phong Nha cũng phấn khởi chia sẻ: “Tết cổ truyền năm nay bà con nhân dân bản Rào Con mỗi hộ được hỗ trợ 1,5 triệu đồng, 30 kg gạo, Tỉnh ủy cũng quan tâm, tặng thêm mỗi suất 1,5 triệu đồng. Rồi Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Đồng Hới là đơn vị đỡ đầu của bản hỗ trợ tiếp 1 triệu đồng/hộ. Chưa kể thị trấn còn trích nguồn ngân sách để hỗ trợ thêm cho nhân dân bản Rào Con đón Tết được đầy đủ, sung túc”.

Ngoài ra, ông Luận cũng phấn khởi thông tin rằng, vừa qua, UBND tỉnh Quảng Bình cũng đã có quyết định cũng trích nguồn kinh phí chi thường xuyên với số tiền khoảng 11 tỉ để trong năm 2025 này sẽ đưa điện lưới đến với bà con bản Rào Con.

IMG_1937.JPG
Người dân treo cờ đỏ sao vàng dọc đường bê tông vào bản để trang hoàng đón Tết cổ truyền. Ảnh: Bảo Thiên

Nằm giữa lòng Di sản thiên nhiên thế giới, không khí đón Tết cổ truyền ở Rào Con thật đặc biệt, đơn sơ nhưng ấm cúng. Đi trên con đường bê tông mới là những nụ cười rạng rỡ trong ngày Tết cổ truyền là minh chứng cho sự nỗ lực không ngừng của chính quyền và người dân nơi đây. Và chắc chắn rằng, với tinh thần vượt khó, một ngày không xa, người dân bản Rào Con sẽ thoát khỏi cái nghèo, viết nên câu chuyện đổi đời đầy cảm hứng giữa núi rừng đại ngàn.

Đọc thêm