Chàng kỹ sư in lịch, bao lì xì bán gây quỹ cho học sinh miền núi

Chàng kỹ sư in lịch, bao lì xì bán gây quỹ cho học sinh miền núi

(PLO)- Tập hợp hình ảnh từ những chuyến thiện nguyện, chàng kỹ sư điện ở Đà Nẵng in lên lịch, bao lì xì bán vào dịp Tết Nguyên đán gây quỹ cho học sinh miền núi.

Hai năm qua, anh Nguyễn Bình Nam (46 tuổi, ở TP Đà Nẵng)- kỹ sư điện lực, đồng thời là người sáng lập và ‘thủ lĩnh’ Câu lạc bộ thiện nguyện Bạn thương nhau in lịch, bao lì xì bán vào dịp Tết Nguyên đán, gây quỹ cho học sinh miền núi.

Chàng kỹ sư in lịch, bao lì xì bán gây quỹ cho học sinh miền núi
Anh Nguyễn Bình Nam (phải) và các em học sinh miền núi. Ảnh: NVCC

In lịch, bao lì xì bán gây quỹ

Hành trình 15 năm làm thiện nguyện, tên tuổi anh Nam và CLB Bạn thương nhau đã gắn liền với những dự án, chương trình hướng về giáo dục miền núi như: Đi học trên núi, Bữa cơm miền núi, Tủ sách vùng cao,…

Từ những chuyến đi, những hình ảnh đẹp nhất được nhóm anh lưu lại, in lên lịch, bao lì xì bán vào dịp Tết Nguyên đán. Càng trân quý, số tiền thu về sẽ được gây quỹ, dành cho chính các em học sinh miền núi.

“Tết đến xuân về ai cũng muốn có một cuốn lịch, hay bao lì xì chúc nhau năm mới”, anh Nam nói ý tưởng thực hiện.

hoc-sinh-mien-nui-anh-nguyen-binh-nam-3.jpg
Lịch và bao lì xì do anh Nam in bán. Ảnh: NVCC

Anh Nam chia sẻ, dù lợi nhuận không quá nhiều nhưng đây là việc mang ý nghĩa rất lớn. Anh muốn đưa tinh thần lạc quan, năng lượng tích cực của trẻ em miền núi đến gần với mọi người.

Chuyện bắt đầu từ 2 năm trước, anh thấy sau nhiều chuyến đi, hình ảnh của các em học sinh miền núi trong veo, đẹp lạ lùng, lại mang nhiều năng lượng. Anh tự nghĩ: Tại sao không dùng những hình ảnh đó để lan toả thông điệp tích cực, lại kiếm được chút tiền cho chính các em?

Thế là anh kêu gọi mọi người trong nhóm gửi hình ảnh đẹp về cho mình. Từ đó, hàng trăm cuốn lịch, hàng ngàn bao lì xì được tạo ra, in lên đó là những hình ảnh ngây ngô, dễ thương của các em học sinh miền núi.

“Năm ngoái rón rén, anh đặt in 600 quyển lịch, 30.000 bao lì xì, nhưng kết quả bán cháy hàng”, anh Nam nói và cho hay, thu lời gần 140 triệu đồng, toàn bộ dùng vào dự án Bữa cơm miền núi.

Sang năm thứ hai, nhóm anh có sự chuẩn bị từ đầu. Những chuyến thiện nguyện có các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp đi cùng, họ là những người hướng thiện, chịu trách nhiệm bắt những khoảnh khắc đẹp của các em.

hoc-sinh-mien-nui-anh-nguyen-binh-nam-6.jpg
Những khoảnh khắc đẹp của các em học sinh miền núi được đưa vào lịch. Ảnh: NVCC

“Năm nay anh cũng làm lịch để bàn, hình ảnh tập trung những nụ cười, đôi mắt sáng của trẻ em ở miền núi. Dù số lượng nhiều hơn, với 1.000 cuốn lịch, 50.000 bì lì xì, nhưng đã bán hết”, anh Nam kể.

Lan toả dự án Đi học trên núi

Anh Nam chia sẻ, anh yêu mến và quý sự lạc quan, ánh mắt trong veo, hay nụ cười hiền của trẻ em miền núi. Cho dù đời sống các em còn nhiều khó khăn, vất vả. Và cái tính rụt rè, nhút nhát, lễ phép của các em cũng làm anh Nam thương nhớ.

Trong anh lúc nào cũng thôi thúc, muốn tiếp sức để các em nỗ lực vươn lên, vượt khó, quay trở lại xây dựng quê hương. Dự án Đi học trên núi của anh ra đời từ mong muốn này, giúp kết nối những tấm lòng thơm thảo với hàng trăm em học sinh miền núi.

hoc-sinh-mien-nui-anh-nguyen-binh-nam-10.jpg
Anh Nam muốn lan toả dự án Đi học trên núi đến với nhiều người, giúp các em có điều kiện đến trường. Ảnh: NVCC

“Mỗi gia đình dưới phố có điều kiện sẽ nhận nuôi một em học sinh trên núi, hỗ trợ số tiền 500.000 đồng/tháng. Mỗi tháng 180 triệu đồng cho 360 em, chương trình kéo dài được 3 năm nay”, anh Nam hạnh phúc nói.

Ba năm qua, đã có biết bao yêu thương gói gém từ đồng bằng gửi về núi. Anh Nam khao khát “đứa con tinh thần” của mình ngày càng lớn mạnh, có thật nhiều người cùng tham gia hỗ trợ, để các em học sinh miền núi vơi đi khổ cực, được đến trường học con chữ.

Hai năm qua, thông qua những cuốn lịch, bao lì xì, anh muốn lan toả dự án Đi học trên núi đến nhiều người. Với hi vọng sẽ có thêm nhiều yêu thương được ươm mầm, ở những nơi khó khăn nhất.

“Chủ đề trên lịch lấy tên của dự án Đi học trên núi, mọi lợi nhuận thu về dành cho các em. Mục đích cuối cùng chỉ là cho bọn nhỏ đi học, có cái chữ để tự giúp các bạn lâu dài.

hoc-sinh-mien-nui-anh-nguyen-binh-nam-4.jpg
Năm nay, doanh thu bán 1.000 cuốn lịch để bàn và 50.000 bao lì xì hơn 200 triệu đồng. Ảnh: NVCC

Bao lì xì cũng như vậy, cũng là dự án Đi học trên núi, để mọi người biết nhiều hơn về dự án của bọn anh, để người ta tiếp tục đồng hành trong năm 2025 cũng như những năm tiếp theo”, anh Nam hi vọng.

Theo anh Nam, giá một cuốn lịch là 100.000 đồng, xấp bao lì xì 20.000 đồng/10 cái. Nhưng có những người đặt mua một cuốn lịch có khi chuyển tiền triệu, hay người mua vài xấp bao lì xì sẳn sàng trả vài trăm nghìn đồng.

“Đó là người ta đóng góp cho bọn nhỏ”, anh Nam nói lý do lợi nhuận bán lịch, bao lì xì nhiều bất thường.

Bản thân anh Nam hiểu đây là sự yêu thương của mọi người dành cho bọn nhỏ, nên trách nhiệm công khai. “Có minh bạch thì mới bền vững, bản thân cũng thấy nhẹ nhàng”, anh Nam nói tiếp

hoc-sinh-mien-nui-anh-nguyen-binh-nam-8.jpg
Hình ảnh bao lì xì. Ảnh: NVCC

Năm nay doanh thu đã hơn 200 triệu đồng, anh dự tính tiền lãi sẽ tiếp tục bỏ vào hai dự án Bữa cơm miền núi và Phẫu thuật dị tật chân khoèo cho học sinh miền núi.

Năm 2025, hơn 15 năm anh Nam làm thiện nguyện và CLB Bạn thương nhau tròn 15 tuổi. Suốt hành trình đó, hàng ngàn chuyến xe do anh Nam và nhóm bạn cầm lái, chở bao yêu thương từ đồng bằng lên núi, giúp các em vơi bớt khó khăn, nỗ lực học tập.

“Năm mới, anh mong cá nhân mình và mọi người mạnh khoẻ, để Đi thật xa – Đến nơi thật khó - Đến tận nơi - Trao tận tay. Tụi nhỏ cũng vậy, anh mong chúng nó mạnh khoẻ, không đứa nào phải bỏ học!”, anh Nam thổ lộ.

hoc-sinh-mien-nui-anh-nguyen-binh-nam-1.jpg
Anh Nam trong một lần đi làm thiện nguyện. Ảnh: NVCC

Vận động xây 18 điểm trường

Đến nay, anh Nguyễn Bình Nam và CLB Bạn thương nhau đã đặt chân đến nhiều bản làng xa xôi của các tỉnh miền Trung để giúp đỡ các em học sinh, bà con nhân dân và kêu gọi kinh phí thực hiện dự án Xây trường trên núi.

Đã có 18 điểm trường tại các vùng núi Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum được anh Nam và nhóm bạn vận động xây mới. Mỗi điểm trường có giá trị hàng trăm triệu động, giúp thầy cô và học sinh ở những vùng xa xôi có điều kiện dạy, học.

Đọc thêm