Lũ rút chậm, nhiều đoàn thiện nguyện tiếp cận hỗ trợ người dân vùng lũ Quảng Bình

(PLO)- Hàng nghìn áo phao, đèn pin, nước uống đã và đang được các đội nhóm thiện nguyện chung tay hỗ trợ người dân vùng lũ các huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Đến sáng ngày 29-10, Lệ Thuỷ và Quảng Ninh là hai địa phương của tỉnh Quảng Bình chịu thiệt hại nặng bởi trận mưa lũ do ảnh hưởng của bão số 6.

Theo ghi nhận của PLO, thời điểm hiện tại đã tạnh mưa nhưng mực nước tại các xã thuộc huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh vẫn ngập khá sâu, lũ đang xuống chậm.

Tại hai địa phương này, sáng cùng ngày có khá nhiều đội cứu trợ từ các tỉnh Quảng Nam, Thừa Thiên-Huế, TP Đà Nẵng, Đội phản ứng nhanh PUN Quảng Bình tìm cách tiếp tế nước uống, thực phẩm các vùng bị ngập sâu.

Ngoài công tác cứu hộ cứu nạn, các đội nhóm này huy động và gom hàng nghìn áo phao, đèn pin để hỗ trợ người dân ở hai huyện này.

Gom áo phao, đèn pin và nước uống hỗ trợ người dân vùng lũ Quảng Bình
Đội phản ứng nhanh PUN Quảng Bình trao áo phao, lương khô, nước uống cho chính quyền xã Thanh Thủy để hỗ trợ người dân vùng lũ. Ảnh: B.T

“Đội tôi có hơn 1.000 áo phao, đèn pin, lương khô được anh em trong nhóm tự nguyện quyên góp với số tiền hơn 100 triệu đồng. Sau khi gom hàng, các thành viên trong đội chia nhau vận chuyển hàng đến các Lệ Thủy, Quảng Ninh để hỗ trợ cho bà con. Ngoài ra, còn rất nhiều đội nhóm khác cùng chung tay hỗ trợ áo phao, nước uống cho bà con”, chị Nguyễn Lan Phương (36 tuổi, thành viên Đội phản ứng nhanh PUN Quảng Bình) thông tin.

Theo ghi nhận của PV, các nhu yếu phẩm như áo phao, đèn pin, nước uống được các nhóm cứu trợ chuẩn bị từ nhu cầu thực tế của người dân, bởi người dân nơi đây đã quen sống chung với lũ nên sự chuẩn bị khá chu đáo.

Việc vận chuyển các nhu yếu phẩm tiếp cận vùng ngập sâu, khu vực bị cô lập bằng thuyền cứu hộ của chính quyền địa phương và lực lượng chức năng.

“Trong quá trình hỗ trợ người dân, do không thông thạo địa hình ở Lệ Thủy nên đội chúng tôi đã thống nhất chia nhỏ và gửi các vật phẩm như áo phao, lương khô, nước uống, đèn pin trên các thuyền cứu hộ của chính quyền các xã, huyện và lực lượng công an. Các thuyền cứu hộ này khi tiếp cận sẽ trực tiếp hỗ trợ người dân vùng lũ nhằm đảm bảo an toàn”, anh Hoàng Trọng Hùng (40 tuổi – Đội trưởng Đội phản ứng nhanh PUN Quảng Bình) chia sẻ.

ho-tro-nguoi-dan-vung-lu-quang-binh (2).jpg
Trước đó, nhiều đội nhóm cứu trợ ở các tỉnh đến hỗ trợ người dân vùng lũ Lệ Thủy nhưng chính quyền xin tạm dừng đến khi đảm bảo an toàn. Ảnh: B.T

Liên quan về vấn đề cứu hộ của các đội cứu trợ, ông Lê Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy cũng bày sự tỏ cảm kích và biết ơn tinh thần giúp đỡ khi khó khăn, hoạn nạn của các nhóm tình nguyện.

Tuy nhiên, chính quyền huyện này xin tạm dừng các nhóm cứu hộ để đảm bảo an toàn vì các địa phương đã bố trí các đội tự quản “4 tại chỗ” để hỗ trợ người dân khi cần thiết.

Việc các ca nô cứu trợ tự phát không thông thuộc địa bàn không chỉ gây mất an toàn cho chính các đội cứu hộ mà còn tạo sóng khiến đồ đạc đang kê lên nhau ở trong các nhà dân bị rơi xuống nước. Do vậy, khi mực nước đảm bảo an toàn, các đội có thể vào để hỗ trợ người dân.

Hơn 32.700 hộ dân bị ngập lụt

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn kiêm Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh Quảng Bình, đến 5 giờ ngày 29-10, toàn tỉnh này có hơn 32.700 hộ dân bị ngập, tập trung chủ yếu ở Lệ Thủy và Quảng Ninh.

Cùng đó, toàn tỉnh có 76 điểm giao thông trên các tuyến QL1A, QL9C, QL9E, đường Hồ Chí Minh và các đường tỉnh lộ bị ngập. Tại huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh có hơn 58 thôn bản bị chia cắt do nước lũ ngập sâu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm