Tết là dịp để mọi người đoàn tụ, quây quần bên gia đình, tận hưởng không khí ấm áp của mùa xuân. Thế nhưng, có những người lao động lựa chọn ở lại thàn phố làm việc xuyên Tết. Với họ, đó không chỉ là cơ hội để kiếm thêm thu nhập mà còn là một trải nghiệm đặc biệt, khác lạ so với những cái Tết bình thường.
Vừa trải nghiệm, vừa kiếm thêm thu nhập
Với mục tiêu mua xe trong năm 2025, Nguyễn Đỗ Yến Vy (20 tuổi, quê ở An Giang), cho biết Tết này Vy quyết định ở lại thành phố làm tại một cửa hàng tiện lợi để kiếm thêm thu nhập vì vào dịp Tết, mức lương được nhân lên gấp bốn lần so với ngày thường. Gia đình Vy cũng không bắt buộc Vy phải về quê ăn Tết.
“Chỉ trong mấy ngày Tết, em có thể kiếm được vài triệu, bằng một tháng làm việc bình thường. Gia đình cũng hiểu em muốn đi nên bà nội hay ba em cũng hay động viên em cứ ở lại làm” - Vy nói.
Được biết, đây là năm đầu tiên Vy quyết định không về quê. Dù cảm thấy có chút buồn, nhưng Vy cũng muốn thử trải nghiệm.
“Mục tiêu hiện tại của em đã đạt được 50%, nên em muốn kiếm thêm tiền và vừa trải nghiệm ăn Tết xa quê. Tết năm sau em sẽ về quê, dù có đủ tiền mua xe hay không. Trải nghiệm một năm là đủ rồi” - Vy bộc bạch.
Muốn kiếm thêm thu nhập để phụ chi phí sinh hoạt với mẹ, Nguyễn Thị Thới Mỹ (sinh viên năm nhất, ngành Điều dưỡng tại Trường Đại học Nguyễn Tất Thành), cho biết Mỹ đã làm công việc bán hàng tại một cửa hàng tiện lợi được năm tháng.
“Em sống với gia đình bên ngoại, và mẹ là người lao động chính, gánh vác mọi chi phí cho gia đình. Do đó, Tết này em quyết định đi làm để kiếm thêm thu nhập, phụ mẹ trang trải tiền học. Dù nhà ở thành phố, đi làm ngày Tết em cũng thấy rất buồn, nhưng vẫn đỡ hơn các bạn ở xa” - Mỹ nói.
Mỹ cho biết, thu nhập hàng tháng của Mỹ khoảng 6 triệu đồng. "Đi làm như vậy vừa vui vừa buồn, nhưng em nghĩ mình đang làm điều có ý nghĩa” - Mỹ tâm sự.
Là công nhân tại một công ty trong lĩnh vực sản xuất thiết bị, vật dụng điện tử, anh Nguyễn Ngọc Thịnh (36 tuổi, quê Phú Yên) cho biết anh đã lên thành phố lập nghiệp từ năm 2022. Năm nay, anh Thịnh quyết định ở lại làm việc trong dịp Tết để kiếm thêm thu nhập, dù đây là lần đầu tiên anh không về nhà trong những ngày đầu xuân.
Anh Thịnh cho biết mẹ anh vừa qua đời cách đây bốn tháng do bị bệnh ung thư. Trong thời gian mẹ nằm viện, anh đã phải bán chiếc xe máy, phương tiện kiếm sống duy nhất để trang trải chi phí điều trị.
“Ở lại làm Tết buồn lắm, nhưng phải chịu vì còn lo cho ba ở dưới quê. Gia đình khổ quá nên cũng ráng làm. Hồi mẹ tôi bệnh, gia đình tôi có gì là bán hết là lo chi phí chữa bệnh cho mẹ.
Từ ngày 25 Tết âm lịch là lương được nhân đôi nên tôi cũng tranh thủ những ngày Tết kiếm thêm chút đỉnh để gửi về cho ba và tiết kiệm mua thêm chiếc xe máy di chuyên” - anh Thịnh tâm sự.
Lương gấp ba, gấp bốn lần ngày thường
Ông Lê Nguyễn Nam, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Học sinh sinh viên TP.HCM cho biết cho biết trung tâm đã và đang giới thiệu việc làm chiến dịch cao điểm như trong dịp Tết Nguyên đán.
“Trung tâm đặt mục tiêu giới thiệu 4.000 vị trí làm thêm Tết cho sinh viên từ ngày 15-12-2024 đến 15-02-2025. Hoạt động này bao gồm việc mời gọi doanh nghiệp tham gia tuyển dụng và kết nối sinh viên có nhu cầu tìm việc.
Những công việc được tuyển dụng nhiều trong dịp Tết chủ yếu là các vị trí đặc thù như: thu ngân, nhân viên kho, nhân viên lên hàng, gói quà, chế biến tại siêu thị; phục vụ, phụ bếp, giữ xe tại nhà hàng, chuỗi cửa hàng ăn uống; nhân viên bảo vệ, giao hàng, phụ việc nhà, dọn vườn và trông coi nhà cửa” - ông Nam cho hay.
Cũng theo ông Nam, mức thu nhập trung bình dao động từ 25.000 - 50.000 đồng/giờ hoặc 140.000 - 400.000 đồng/ngày, tùy thuộc vào thời gian, loại hình công việc và khối lượng công việc. Trong những ngày Tết Nguyên đán, các doanh nghiệp thường trả lương cao gấp đôi, gấp ba và kèm theo quà hoặc lì xì Tết, tạo thêm động lực cho sinh viên, người lao động tham gia làm việc.
Cảnh giác trước chiêu trò lừa đảo khi tìm việc
Theo bà Phạm Thị Thùy An, phụ trách tuyển dụng FamilyMart Việt Nam người lao động nên cảnh giác trước chiêu trò lừa đảo khi tìm việc.
Đầu tiên, người lao động phải xác minh nguồn tuyển dụng và địa chỉ tuyển dụng. Thứ hai, người lao động nên cảnh giác với phí tuyển dụng, nếu nhận được yêu cầu chuyển tiền từ nhà tuyển dụng hoặc các khoản phí bao gồm cả chi phí đồng phục, ứng viên cần thận trọng và nghi ngờ dấu hiệu lừa đảo.
Cuối cùng là người lao động phải lưu ý, tỉnh táo nhận diện các dấu hiệu bất thường để tránh rơi vào bẫy với mức lương quá hấp dẫn hoặc các hình thức tuyển dụng thường đi kèm lời mời gọi mức lương cao không thực tế hoặc công việc vượt xa mặt bằng thị trường.