Hội thảo "Bản sắc dân tộc trong đời sống VHNT TP.HCM...":

Còn ít những tác phẩm mang hơi thở thời đại

Hơn 30 năm, một chặng đường dài có sự phát triển, kế thừa với lực lượng viết trẻ. Nhìn lại lịch sử có một thế hệ của những năm sau giải phóng và trước đổi mới (tính từ khi Hội Nhà văn TP.HCM thành lập-1981) rất hùng hậu. 

Đó là thế hệ thanh niên xung phong, thế hệ K (chiến trường Campuchia) Nguyễn Đông Thức, Đỗ Trung Quân, Nguyễn Nhật Ánh,… đến Phạm Sĩ Sáu, Lê Minh Quốc… Thế hệ Trương Nam Hương, Lê Thị Kim, Lê Tú Lệ, Phan Hoàng…

Trong đó thế hệ sinh viên là lực lượng trẻ chiếm số đông, nhất là nhóm Vòm me xanh (báo Mực Tím): Nguyễn Hữu Hồng Minh, Nguyễn Ngọc Thuần, Nguyễn Danh Lam, Phan Trung Thành, Vũ Đình Giang, Phan Hồn Nhiên, Lê Thiếu Nhơn, Trương Gia Hòa, Ngô Thị Hạnh, Ly Hoàng Ly, Trần Lê Sơn Ý, Tú  Trinh, Song Phạm… Những trang viết của họ thể hiện rõ nét bản sắc văn hóa dân tộc.

Bà Thân Thị Thư, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng LLPB-VHNT TP.HCM  - Ảnh N.TÝ

Vẫn là nghệ thuật-phong cách

Tôi đọc tham luận “Văn học trẻ muốn góp sức phải hy sinh” của nhà văn Võ Diệu Thanh, một cây bút nữ vùng đất An Giang tại Hội thảo văn xuôi đồng bằng sông Cửu Long (ngày 30 và 31 tháng 10 năm 2011 tại Bến Tre), trong đó có đoạn: “… Giới viết văn trẻ cầm cây viết lên phải đặt cho mình một câu hỏi. Viết cái truyện này bao lâu, kiếm được bao nhiêu tiền? Một truyện ngắn, một bài ký được viết kỹ lưỡng, có chiều sâu, xài chất liệu thật của cuộc sống, chuyên chở những trăn trở đích thực của người viết phải tốn hao rất nhiều thời gian và tâm não. Nhưng nhuận bút được bao nhiêu. Bình thường là được vài trăm ngàn. Có quá ít tờ báo trả cho vài triệu. Số tiền nhuận bút đó nếu đem mua gạo chắc ăn được nửa tháng (...) Nói như vậy không phải trách ai hết. Vốn dĩ không thể trách ai được hết. Tiền là do người ta đổ mồ hôi làm ra. Cái gì cần cho người ta thì người ta mua. Cái không cần (trước mắt) biểu bỏ tiền ra ai ngu mới bỏ. Mà thời này ai cũng khôn ngoan hết hồn luôn.

Có người nói cuộc sống căng thẳng quá rồi. Nhà văn đừng viết mấy cái u ám khắc nghiệt nữa, không ai đọc đâu. Viết cái gì thư giãn được, nhẹ nhàng chút đi,  đọc xong ngủ được”.

Tôi chợt nhớ đến câu nói “Văn học là nhân học” của đại văn hào M.Gorki đã trở thành tuyên ngôn nghệ thuật cho hầu hết những nhà văn trước khi cầm bút viết. Nhắc lại câu nói nổi tiếng ấy,  trước hết để nói rằng, nền văn học hậu hiện đại chúng ta ít nhiều một phần ít có hơi thở nhân văn. Từ thời còn ngồi trên ghế nhà trường tôi đã say mê các tác phẩm phải nói là đỉnh cao của nền văn học hiện đại Việt Nam, đó là dòng văn học hiện thực phê phán (1930-1945), của các nhà văn Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Nguyên Hồng,… các nhà thơ Hàn Mặc Tử, Bích Khê, Chế Lan Viên, Quách Tấn… và nổi trội Thơ mới với Thế Lữ, Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyễn Bính,… Nghĩa là nền văn học luôn có sự phát triển, kế thừa từ thế hệ trước đến thế hệ sau. Sau Thơ mới có Thơ kháng chiến chống Pháp, thơ chống Mỹ…

Tôi đồng cảm với bạn Võ Diệu Thanh rằng cuộc sống thời nay mà ngồi viết văn thì… làm sao sống nổi. Tôi lại nhớ đến các nhà văn đã nêu trên. Họ sống rất kham khổ, thiếu thốn trăm bề, lại sống giữa xã hội nửa thực dân nửa phong kiến mà họ vẫn sống chết với nghề. Trong đó, đặc biệt tôi yêu thích những tác phẩm của nhà văn Nam Cao, nhất là truyện ngắn của ông. Trong đó, Đời thừa, Trăng sáng có sự trăn trở nghề viết văn. Ông quan niệm rõ ràng “sống đã rồi hãy viết” và “góp sức vào công việc không nghệ thuật lúc này là chính để sửa soạn cho tôi một nghệ thuật cao hơn”. Ông đề cao “Nghệ thuật vị nhân sinh” (nghệ thuật phải viết về con người và hướng đến những điều tốt đẹp của con người). Ông phê phán quan niệm “nghệ thuật vị nghệ thuật”.

Đề tài người trí thức nghèo trong xã hội cũ ở các tác phẩm của Nam Cao luôn đặt trong cái nhìn đầy suy tư về thiên chức nghệ sĩ, về xung đột giữa cái đẹp với đời thường cơm áo gạo tiền. Truyện ngắn “Đời thừa” đăng trên tuần báo “Tiểu thuyết thứ bảy” số 490 ra ngày 4/12/1943: “Văn chương không cần đến những người thợ khéo tay làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho. Văn chương chỉ dung nạp được những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những cái gì chưa có”.

Rồi đến “Trăng sáng” (hay Giăng sáng): Nghệ thuật không cần là ánh trăng lừa dối,nghệ thuật không nên là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật có thế chỉ là tiếng đau khổ kia, thoát ra từ những kiếp lầm than”.

Nhìn chung tác phẩm của Nam Cao làm nổi bật vấn đề xã hội có ý nghĩa to lớn, triết lý sâu sắc về con người, cuộc sốngnghệ thuật. Giọng điệu riêng, buồn thương, chua chát. Ông có phong cách nghệ thuật triết lí trữ tình sắc lạnh. Vì thế ông được ví như nhà văn Lỗ Tấn của Trung Quốc. Ông có nhiều đóng góp quan trọng đối với việc hoàn thiện truyện ngắn và tiểu thuyết Việt Nam trên quá trình hiện đại hóa ở nửa đầu thế kỉ XX. Nhắc đến nhà văn Nam Cao cũng để chia sẻ với bạn Võ Diệu Thanh và những người viết trẻ. Văn học là nghệ thuật của ngôn từ. Đọc những trang viết của nhà văn (kể cả già lẫn trẻ) ngày nay, khó tìm ra một tác phẩm mang hơi thở thời đại nhất là ở thủ đô, thành phố lớn nơi tập trung những tri thức nghèo ở đô thị nhưng những trang viết lại ít hoặc không đề cập đến đề tài này.

Đến vốn sống, cách viết

Võ Diệu Thanh lại nói đến vốn sống khi bị cơm áo gạo tiền đè nặng: “người viết trẻ làm sao đủ bình yên để ngồi nhìn cuộc sống khi mà ngòi bút mình không nuôi được cái miệng. Nhuận bút ít ỏi quá thì viết chi cho kỹ. Thôi thì viết nhanh như làm báo ngày. Viết kiểu đó thu nhập có khá hơn. Nhưng làm sao có thời gian chiêm nghiệm để cuộc sống thấm vào trang viết… Để sống được với nghề viết, người viết phải chạy đua với con chữ. Những trang viết vội vàng này đã tạo một thói quen dễ dãi khi viết. Nó đã làm cho người viết không đủ trầm tĩnh đi vào nơi sâu nhất của cảm xúc. Đuổi theo những trang viết hời hợt người viết đã bị cái áo lòe loẹt của cuộc sống đánh lừa”. 

46 tham luận được in thành Kỷ yếu tại Hội thảo  

Tôi lại nhớ câu nói của nhà văn Nga M.Gorky: “Nghệ sĩ là con người biết khai thác những ấn tượng riêng - chủ quan - của mình, tìm thấy trong những ấn tượng đó cái có giá trị khái quát và biết làm cho những ấn tượng ấy có được hình thức riêng”. Tự học, tự đòi hỏi mình phải biết cách viết như Helvétius ví von: “Tài năng con người là những chiếc phím khác nhau của chiếc đàn dương cầm mà hứng thú là bàn tay nghệ sĩ. Hứng thú mới tạo ra giai điệu”. Viết văn là quá trình lao động trí tuệ đòi hỏi sự cố gắng liên tục. Nhà văn Nguyễn Minh Châu chú trọng phong cách: “Trong đời sống văn học, những nhà văn có tài năng, người thì đóng góp vào một cách viết, người thì đóng góp vào cách sử dụng ngôn ngữ, có người lại chỉ cho ta thấy những thứ rất nhỏ bé, đặc sắc mà giàu giá trị. Nhưng trên tất cả,anh ta phải cho người đọc thấy được tiếng nói riêng của anh ta trong một vấn đề mà nhiều người đang quan tâm đến”.

Vốn sống rất cần, sở dĩ nhà văn “già” là gừng càng già càng cay đó là họ có sự trải nghiệm, tích lũy kinh nghiệm sống mà họ từng trải để có những trang văn hay. Nhưng đã là nhà văn phải hư cấu, nghĩa là biết tưởng tượng. Nhà bác học của thuyết tương đối Einstein từng có câu nói bất hủ: “Trí tưởng tượng phong phú hơn kiến thức”, đúng với nghề viết văn. Nhà văn đi trước thời đại bởi có trí tượng phong phú, có tính dự báo xã hội cao.

Lao động nhà văn là lao động chân chính nhưng cao quý nhất, cực khổ nhất. Nhà văn Nga L.Tolstoi đúc kết: “Trong một nhân tài thì một phần mười là thiên bẩm và chín phần mười là nước mắt và mồ hôi”.

Sở dĩ tôi trích dẫn những kinh nghiệm của những nhà khoa học, đại văn hào nổi tiếng thế giới để thấy rằng, thế hệ thơ trẻ sau 1975 giọng thơ, ngữ điệu đổi mới nhiều, đa phong cách nhưng khi đọc cứ nhàn nhàn khó nhận ra một giọng điệu riêng. Người viết trẻ tự thân đổi mới để rồi điều chỉnh, tạo ra một phong cách nghệ thuật riêng cho mình. Nhiều nhà thơ nhưng để thuộc để nhớ một bài thơ như thế hệ trước rất khó. Đồng nghiệp không nhớ lấy nổi thì làm sao bạn đọc nhớ. Như Giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh nhận xét: “Thơ không cần nhiều từ ngữ. Nó cũng không quan tâm đến hình xác của sự sống. Nó chỉ cần cảm nhận và truyền đi một chút linh hồn của cảnh vật thông qua linh hồn thi sỹ”.

Hy vọng và chờ đợi

10 năm đầu của thế kỷ XXI, những nhà văn trẻ tự đổi mới mình để dần hình thành riêng một phong cách nghệ thuật. Nhưng so mặt bằng già – trẻ thì số lượng nhà văn “già” của Hội Nhà văn TPHCM gần gấp ba trẻ. Nếu Cà Mau có một hiện tượng Nguyễn Ngọc Tư với truyện ngắn “Cánh đồng bất tận” gây tiếng vang cả nước… thì TPHCM rất may chúng ta có một diễn viên Mạc Can bỗng dưng trở thành nhà văn qua tác phẩm Tấm ván phóng dao. Rồi sau đó ông đoạt giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam cũng như một số giải thưởng khác, sau đó ông lại được chính thức trở thành Hội viên Nhà văn Việt Nam.

Nhà thơ Phan Trung Thành – đại diện thế hệ trẻ trong một cuộc phỏng vấn trên Văn Nghệ trẻ -2008 nhìn nhận thế hệ cùng thời với mình, rằng: “Những người “im lặng” thì tác phẩm ra đều đều, được công chúng đón nhận như Nguyễn Danh Lam, Nguyễn Ngọc Thuần, Bùi Anh Tấn… còn lắm “cây bút trẻ lẫn không còn trẻ” lăng xăng nơi này nơi kia, xuất hiện rồi phát ngôn, phát biểu lung tung…mà tác phẩm cứ là…nhạt như không còn nhạt hơn được nữa… Tâm thế của một người nhập cư mong mỏi Sài Gòn đẻ ra thứ này thứ nọ là điều không lạ… lực lượng sáng tác trẻ của thành phố Hồ Chí Minh là rất phong phú và có thành tựu. Điềm đạm và thanh thoát như Nguyễn Ngọc Thuần, sang trọng và phá cách như Vũ Đình Giang, rạo rực bí hiểm như Nguyễn Danh Lam, lăn lộn tìm tòi trong thế giới đồng tính như Bùi Anh Tấn…

 Toàn cảnh Hội thảo- Ảnh N.TÝ

Về thơ, nổi đình nổi đám trong thế hệ @ nay đã khá “yên ắng” hoặc có xuất hiện thì đấy là một sự nối dài kiệt lực, họ không còn đại diện nữa, còn thế hệ trẻ hơn có phần “nhỉnh” về số đầu sách nhưng mạnh mẽ trong tư duy, lối lập ngôn tự do phóng khoáng dù khai thác đề tài tính dục hay trăn trở những biến động đời sống hiện tại. Tiếp tục dòng truyền thống có Trương Gia Hòa, Ngô Thị Hạnh bên cạnh những tìm tòi khám phá của Ly Hoàng Ly, Trần Lê Sơn Ý, Tú Trinh, Song Phạm…”.

Phải chăng vì miếng cơm manh áo như ông hoàng thơ tình Xuân Diệu từng chua chát “Cơm áo không đùa với khách thơ” nhưng thế hệ họ vẫn viết, vẫn cống hiến hết mình cho văn học. Nhà văn trẻ bây giờ tiếp cận quá nhiều với công nghệ thông tin mà họ viết nhạt chăng hay... Nhiều sân chơi vẫn dành cho cây bút trẻ thử tài, thử sức mà quan trọng hơn giải thưởng lại rất cao, có thể đủ sống như báo Mực Tím, Hoa Học Trò, Áo trắng, Bút Mới (báo Tuổi Trẻ)… rồi những cuộc thi Văn học tuổi 20 của NXB Trẻ và Hội Nhà văn TPHCM tổ chức, NXB Kim Đồng… Để đọc một tập truyện ngắn lịch sử, một tiểu thuyết lịch sử thì khó. Phải chăng văn trẻ không mặn mà với đề tài lịch sử, nhất là đề tài về hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ vì họ sinh ra trong một đất nước đã ngưng mùi khói súng, mùi bom đạn. Có chăng chỉ còn là những trang sử, những thước phim tư liệu… may mắn cũng có một Bùi Anh Tấn viết tiểu thuyết lịch sử.

Cách đây gần 50 năm, nhà văn, nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng (1926-2007) trong bài “Nhiệm vụ tập trung lớn nhứt của nhà văn” (ngày 20 tháng 12 năm 1965), đã viết: “… Hơn lúc nào hết, sự tu dưỡng của người làm công tác văn học phải đặt ra một cách nghiêm chỉnh. Nguồn gốc của sự trì trệ trong văn học bất cứ ở thời kỳ nào là ở chỗ nhà văn còn bước đi chậm rãi (đó là tôi không nói một ít còn thụt lùi nữa) trong khi cả dân tộc lao lên như một trận bão dữ dội. Chúng ta có quyền vui mừng vì những thành quả bước đầu của chúng ta trong một số tác phẩm đã xuất bản, nhưng không thể chối cãi rằng công việc ấy còn quá khiêm tốn. Chúng ta còn nhiều mâu thuẫn phải giải quyết: đội ngũ ít, lý luận kém, thủ pháp chưa cao, nhưng có lẽ mâu thuẫn cơ bản nhứt vẫn là chúng ta chưa đủ nhiệt tình, trái tim chưa đủ sức rung cảm trước cảnh tượng bao la của cuộc chiến đấu, tư tưởng chưa đủ lành mạnh để đón lấy những sự kiện vĩ đại đang xảy ra ở bất cứ hang cùng ngõ hẻm nào của đất nước, căm thù chưa đủ sâu đối với lũ ăn cướp. Nhà văn không thể có tác phẩm tốt nếu tình cảm nhỏ và thấp và càng tệ hơn, nếu họ hiểu cuộc sống được dưới mức bình thường.

Cho nên quá trình xây dựng một nền văn học tiêu biểu ở miền Nam không thể nào tách rời quá trình xây dựng một đội ngũ nhà văn, trong đó, trung tâm là vấn đề nâng cao chất lượng tư tưởng và chính trị.

Nền văn học miền Nam hiện nay phải được giới thiệu như là một nền văn học chống Mỹ thành đạt nhứt. Đó là nền văn học phản ánh cuộc sống và chiến đấu ở vào một thời kỳ rộn ràng chưa từng có của lịch sử.

Tác phẩm hay nhứt là tác phẩm đánh Mỹ đau nhứt.

Nhà văn lỗi lạc nhứt là nhà văn dùng ngòi bút đâm giặc Mỹ bén nhọn nhứt, sâu sắc nhứt.

Hiện tại và cả tương lai đòi hỏi những nhà văn, nếu muốn xứng đáng với danh hiệu nầy, như vậy đó”.

Những gì nhà văn, nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng viết như kim chỉ nam cho mãi đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

NGUYỄN TÝ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm