Khi cô Kỳ nói tiếng Anh!

Nếu nghe một anh Tây thốt lên: “Ôi, chậu cây của tôi vừa bị ngã khỏi ban công”, thay vì “Chậu cây của tôi vừa bị rơi từ ban công xuống” và thấy tiếng Việt trọ trẹ của ảnh là dễ thương, đáng yêu, thì một cách công bằng, cũng phải thấy dễ thương, đáng yêu khi nghe Lý Nhã Kỳ nói: “Đzây kèn sính. Đzây kèn song. Đzây ken đen xì. Ô, xâu guôn đờ phùn!”, có thể hiểu là “They can sing. They can song*. They can dance. Oh, so wonderful!”. Đáng yêu chứ, tại sao không?

Có 1.001 lời giải thích cho các thái độ tiêu cực kia. Nhưng hầu hết sẽ xoay quanh một phản-ứng-gốc: sự bất ngờ. Người ta bị bất ngờ, rằng một Lý Nhã Kỳ từng được Cục trưởng Nguyễn Văn Tình của Cục Hợp tác Quốc tế thuộc Bộ VH-TT&DL giới thiệu trước báo chí là “giỏi tiếng Anh, tiếng Đức và cả tiếng Trung Quốc”, hóa ra chỉ nói được tiếng Anh “bồi” đầy lỗi ngữ pháp, ngữ vựng và ngữ âm, với thứ giọng không khác mấy tiếng rao “Sơ sơ! Ma đam, ma đam! Bai pốt cạc! bai sú vơ nia!” (Sir, Sir! Madam, Madam! Buy postcard! Buy souvernir!) thường nghe thấy trên khắp thế giới từ những người bán rong hàng lưu niệm cho khách du lịch, chứ không phải kiểu tiếng Anh lịch lãm xứng danh đại sứ của nền du lịch có câu khẩu hiệu “Vietnam - the hidden charm”.

Và rằng một Lý Nhã Kỳ thường trả lời phỏng vấn báo đài trong nước bằng một giọng Việt đớt đớt, như thể sau nhiều năm ở nước ngoài, nói tiếng nước ngoài, bị lạc phát âm tiếng Việt, hóa ra lại là người có thể trả lời phỏng vấn bằng tiếng Anh với một âm giọng rất Việt Nam: “Am li nha ki, àm bát xơ đơ chua rít giầm ọp Việt Nam” (I’m Ly Nha Ky, ambassador tourism** of Vietnam) và lộ cả cách phát phụ âm r và s rất Nam Bộ: “Am xâu xặp roai èn ve ri hép pi…” (I’m so surprise and very happy)!

Sau sự bất ngờ, có một chuỗi phản ứng khác diễn ra âm thầm và khó thấy bên trong mỗi người: Nhận thức về một sự thật, một sự giả dối. Như vậy, sự chê bai, chế giễu của dư luận về clip phỏng vấn nọ không phải là vì ghen tức, đố kỵ, như lời bênh vực đầy ngụy biện được vài người và vài báo lá cải đưa ra. Không thể như thế! Không thể quy những phản ứng tiêu cực kia là thói xấu điển hình của người Việt, rồi nói xấu người Việt để ngụy biện cho những cái xấu xa của mình và đồng bọn. Những phản ứng tiêu cực đó cần được hiểu là phản ứng cuối cùng, trong chuỗi diễn biến: bất ngờ, nhận thức lại và nhận ra sự thật. Một sự thật mà họ đã không hề biết về Lý Nhã Kỳ, người có tên khai sinh là Trần Thị Thanh Nhàn.

Giờ hãy đừng gào ầm hay chế giễu về khả năng nói tiếng Anh của Nhàn nữa, mà hãy ngồi xuống và tự hỏi: “Vì cái gì hồi đó Bộ VH-TT&DL chọn cô ấy làm đại sứ du lịch? Vì cái gì?”.

MAI HƯƠNG

* Sau động từ “can” (có thể) phải là một dạng động từ nguyên mẫu. “Song” (bài hát) là một danh từ nên không thể đứng sau “can” để có câu “they can song”.
** “Ambassador tourism” có thể (hên xui) có nghĩa là “ngành du lịch dành cho đại sứ”, còn nếu ngụ ý là “đại sứ du lịch” thì phải nói là “tourism ambassador”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm