Chúng tôi thử đọc bốn tác phẩm mới nhất của họ: “Con cu li tội nghiệp” của Vũ Văn Song Toàn, “Mít ơi” của Trương Thành Thùy, “Nước Mỹ có gì vui?” của Nguyễn Hữu Tài và “Quán ven sông”(1) của Hạnh Vân để minh chứng điều này. Tất cả bốn nhà văn trẻ khi đến với nghề văn đều ảnh hưởng từ người bà, người mẹ, người cha… nên trong những trang viết của họ luôn thể hiện sự trân trọng về đấng sinh thành…
Nguyễn Hữu Tài là một nhà văn trẻ đầy triển vọng. Tuy xa quê hương và đang định cư tại Mỹ đã mười bốn năm nhưng anh đã viết năm tác phẩm. Một Việt kiều, một thạc sĩ ngành tài chính kế toán, hiện đang quản lý bất động sản nhưng lại viết văn, đấy là điều chúng tôi ngưỡng mộ chàng trai tài hoa của thế hệ 8X. Tài, với cảm xúc nỗi nhớ quê hương và gia đình đã ám ảnh, thường trực trong từng giấc ngủ và cảm xúc ấy hiện diện trên từng trang viết của anh. Văn của Tài đau đáu tình người, hồn quê…
Tác phẩm mới nhất Nước Mỹ có gì vui? Nguyễn Hữu Tài tự hỏi cũng là để trả lời, trong Không được khóc ở Maryland, Tài giãi bày: “Mang kiếp thiên di, sống xa nhà, nhìn người ta ấm áp, vui cười, đôi lúc cũng chạnh lòng, thèm một bữa ăn gia đình đúng nghĩa. Thấy mình như kẻ giữa dòng chới với, không biết đi - về phía bến bờ nào. Bên kia là nhà, bên này là chỗ trú thân. Người ngồi đây, nằm đây, đứng đây nhưng vía hồn đâu đó bên kia bờ đại dương xa thẳm...”. Nước Mỹ, đối với Nguyễn Hữu Tài, là nơi “đã lấy gần hết của tôi những tháng năm tuổi trẻ và bao ấm êm của cuộc sống gia đình” nhưng “có một sự thật không thể nào chối cãi được, không có nó, tôi chẳng là gì cả. Nước Mỹ đã là một phần đời không thể thiếu trong tôi”.
Không ít người đã khóc khi đọc đến những đoạn Nguyễn Hữu Tài viết về nỗi nhớ quê, nhớ gia đình, ba má, đặc biệt là những khung cảnh biệt ly ở sân ga, khi tác giả nhận được tin má qua đời mà mình đang chôn chân ở xứ người... đến bao giờ anh có niềm hạnh phúc trọn vẹn trong cuộc sống xa quê ở xứ người, khi mà từng “đêm mơ” vẫn “thấy tan hoang”?
Từ chuyến đi khởi đầu định mệnh vào tháng 6 năm 2000 sang Mỹ, đã khiến “từ đó đến cuối cuộc đời mình, tôi chỉ mãi là cơn gió lạc miền vừa bay vừa buồn, dẫu có bay miết mà vẫn hoài trễ hẹn” (Thiên di).
Bản sắc văn hóa dân tộc, đó là nguồn cội. Như truyền thống quý báu của người Việt Nam, lá rụng về cội, Tài có đi xa quê nửa vòng trái đất nhưng anh vẫn đau đáu, da diết nhớ quê hương. Anh tranh thủ để về Việt Nam, về quê hương – xứ nẫu Phú Yên cũng là để trở về với chính mình.
Vũ Văn Song Toàn có lối thể hiện khá đa dạng và sinh động cho nhiều nhân vật có nghề nghiệp mưu sinh khác nhau, tính cách cũng khác biệt nhau qua tập truyện ngắn “Con cu ly nhỏ tội nghiệp”. Vũ Văn Song Toàn nói về cái duyên dính vào nghiệp văn: “Bà ngoại tôi mù chữ, nhưng kể chuyện rất tài. Truyện Kiều, chuyện thơ Nôm, chuyện người này, người kia, chuyện cuộc đời của bà. Rồi tôi đi học ở Hà Nội, vào đến Sài Gòn, đi ra nhiều nước, mắt thấy tai nghe nhiều chuyện.
Tôi mắc chứng đã nghe chuyện gì, cấm bao giờ quên. Nó cứ ám ảnh tôi suốt. Tôi nghĩ chắc phải viết ra, viết ra như một sự giải thoát.
Và tôi viết. Viết tự nhiên như bà tôi kề chuyện cho tôi vậy. Mới đầu thấy cũng lúng túng lắm, nghĩ hay mình không có tài văn. Kể bà nghe, bà tôi nói: Vạn sự khởi đầu nan, con cứ viết đi. Con muốn đi thì cứ đi đi. Đi mãi rồi sẽ thành đường!
Tôi đến với văn chương tự nhiên như thế!”.
Để đọc những truyện viết về chiến tranh của thế hệ 8X rất hiếm. May mắnTủ sách văn học 8X(2), có tác giả viết về đề tài chiến tranh thời hậu chiến cũng như việc giữ đất, giữ biển đảo quê hương như Vũ Văn Song Toàn với Mụ Kẻ Bể, Hạnh Vân với Quán ven sông cũng là tín hiệu đáng mừng.
Mụ Kẻ Bể là truyện ngắn thể hiện rõ đề tài chiến tranh. Truyện đi vào những phong tục tập quán của một làng biển miền Trung của người dân Thanh Hóa chuyên nghề làm vàng mã cho người chết. Ở đó có Mụ Kẻ Bể, mẹ của Biển, bà ngoại: “mười tám năm bà cặm cụi học nghề làm vàng mã, nuôi cha tôi lớn lên”. Mẹ Quế Hoa, người đàn bà không sinh nở được nhưng nuôi Biển và Biển không biết đó chỉ là mẹ nuôi: “mẹ ăn chay trường. Mẹ nói với bà, đời mẹ chỉ có tôi, tôi là duyên là nợ của mẹ. Mẹ đợi cho tôi lớn khôn thì mẹ sẽ lên chùa đi tu”. Mụ Kẻ Bể là người đàn bà âm thầm hy sinh để góp phần nuôi con vì mình là kẻ đến sau quá xấu xí. Mụ Kẻ Bể là người đàn bà: “đen đúa, xấu xí, tanh hôi, người gì mà bà đi đến đâu ruồi bâu đến đấy. Cả cái làng tôi không ai chứa mụ, chỉ có nhà tôi là cho mụ ở trọ”. Một người cha mà Biển chưa hề gặp mặt: “Cha tôi lớn lên, đàn ông miền biển, ăn sóng nuốt gió lắm. Mười tám tuổi cha tôi rắn rỏi phong sương, cha bơi giỏi như con rái cá. Cha tôi không chịu cảnh ngồi phết vàng mã, cha muốn vượt ra ngoài trùng dương, sống cuộc sống hải hồ. Mười tám tuổi cha đã theo người ta đi đánh cá ngoài khơi”.
Mụ Kẻ Bể được Vũ Văn Song Toàn khái quát được cuộc sống mưu sinh của những người đàn bà sống với biển: “ngày làm muối và chờ chồng đi biển về. Làm muối lúc nào cũng trân mình ở cái nóng như rang. Đàn bà xứ biển da đen cháy, mắt lúc nào cũng toét, chân tay thô kệch, không biết đi guốc, mà có đi ra Kẻ Chợ mua guốc cũng chẳng có đôi nào vừa. Thế mà quanh năm cũng thiếu ăn”. Nhưng trớ trêu họ không trọn vẹn hạnh phúc. Bà ngoại mất để lại bức thư cho Biển biết Mụ Kẻ Bẻ là mẹ Ngừ, mẹ ruột của Biển. Mẹ Ngừ cũng qua đời.
Viết về biển, trong bối cảnh Biển Đông như hiện nay, Vũ Văn Song Toàn đã thể hiện lòng yêu nước của một người dân xứ Thanh, người cha đã bám biển giữ đất cho quê hương: “Cha tôi đóng quân ở đảo xa, đảo Nam Du tận tít miền Nam trở về. Cha tôi rắn rỏi, da cha rám nắng, người cha mặn mòi, cha trở về từ biển. Cha mặc quần áo sĩ quan hải quân”. Đến người con nối tiếp truyền thống ấy, thế hệ này nối tiếp thế hệ khác. Vũ Văn Song Toàn thông qua hình ảnh nhân vật Biển: “Hôm nay đây, tôi là một người lính, bắt đầu lên tàu đi ra đảo Trường Sa. Tôi là Biển… Đêm nay ở biển, trời bao la xanh thẳm. Gió thổi lạnh, tôi nhìn lên chòm sao Bắc Đẩu như cái gầu sòng để định phương, tôi hướng về đất liền, về quê hương. Sóng dưới mạn tàu vẫn vỗ, tôi đưa tay rắc tro của bà tôi, của mẹ Ngừ vào dòng nước đại dương mênh mông vô tận”.
Hạnh Vân tâm sự khi đến nghề viết: “… Cho đến ngày tôi tập tành sáng tác, và truyện ngắn đầu tiên của tôi đạt được một giải thưởng văn học nho nhỏ, tôi mới nhận ra rằng những quyển sách của mẹ đã nuôi dưỡng tâm hồn tôi, giúp tôi phong phú hơn về trí tưởng tượng và tràn đầy niềm đam mê với văn chương, dẫu đời sống vật chất thuở nào còn khó khăn thiếu thốn…
Giờ đây, tôi đang nôn nao nghĩ đến ngày được cầm trên tay tập truyện ngắn mang tên mình, tôi sẽ trân trọng đặt quyển sách còn thơm mùi giấy lên bàn thờ mẹ. Ở bên kia thế giới, chắc hẳn mẹ sẽ mỉm cười hài lòng.
Và tôi hy vọng, tập truyện ngắn đầu tiên của tôi nếu có thể trở thành quyển-sách-đặc-biệt-của-mẹ thì cũng có thể chạm được vào trái tim của những bạn đọc đồng cảm, biết đâu…”.
Nếu Vũ Văn Song Toàn viết về đề tài chiến tranh với Mụ Kẻ Bể về nhân vật Biển, chàng trai nối tiếp truyền thống cha ông làm một người lính Trường Sa giữ biển đảo tổ quốc thì Hạnh Vân với Quán ven sông lại là đề tài hậu chiến. Nhân vật Huệ có người em trai, con gái bị dị tật do di chứng chiến tranh mà Mỹ đã gieo rắc chất độc da cam: “Huệ đã từng rụt rè đặt niềm tin vào những lời yêu chân thành thốt ra từ những người con trai tử tế, nhưng niềm tin ấy đã vỡ tan rất nhanh mà không cần phải có thời gian trải nghiệm lâu dài. Những chàng trai từng thề thốt yêu Huệ đến suốt đời, bất chấp mọi hoàn cảnh đã vội vã quay lưng ngay trong ngày đầu tiên ra mắt gia đình Huệ. Huệ buồn nhưng không trách, bởi cô biết ai mà không vừa thương vừa sợ khi nhìn cảnh cậu em trai dị dạng ngơ ngẩn của Huệ bò lồm ngồm trong nhà, không có gì vui cũng hệch miệng ra cười, không có gì buồn cũng kêu gào khóc lóc; ai mà không vừa xót vừa lo khi biết ba mẹ Huệ đã sinh tới tám người con nhưng giờ chỉ còn lại hai người, và chỉ duy nhất mình Huệ là lành lặn”.
Những cái chết của người thân lần lượt diễn ra trước mắt: “Huệ dồn tất cả lòng căm thù vào bọn người đã rải những hóa chất tàn phá quê hương mình, làm cho biết bao người chết hoặc dở sống dở chết. Cái ngày người ta đưa xác mẹ cùng với đứa em trai ngớ ngẩn của Huệ lên bờ, sự đau đớn lẫn căm thù bốc ngùn ngụt lên đầu Huệ. Huệ tưởng chừng như cơ thể mình cháy bừng thành lửa, và ngọn lửa dữ dội ấy khao khát được thiêu cháy kẻ đã giết chết những người thân yêu của Huệ. Nếu kẻ ấy không rải chất độc da cam lên cánh rừng Mã Đà, nơi đơn vị của ba Huệ đóng quân, thì ba Huệ đã không phải chết trong đau đớn vì căn bệnh ung thư, con gái Huệ đã không phải chết ở cái tuổi lên ba với thân thể dị dạng, em trai Huệ đã không ngơ ngẩn lê lết rơi xuống sông vào cái ngày Huệ quên cài chốt cửa, và mẹ cũng không phải chết vì lao mình xuống dòng nước xiết cứu em...
Nhưng Huệ nhận ra mình bất lực. Huệ chỉ có thể góp một phần tiền trích từ thu nhập của quán cho một số gia đình nạn nhân chất độc da cam đang sống trong tận cùng nghèo đói, chỉ có thể ký được một cái tên trong hàng triệu cái tên đòi công lý, nhưng những kẻ giết người hàng loạt thì vẫn nhởn nhơ sống, vẫn trơ tráo từ chối những khoản bồi thường... Mặt trời công lý ở một nơi xa xôi nào đó đã nghiêng về phía mạnh, và những nạn nhân đáng thương bị xô dạt về phía tăm tối đớn đau.
Nếu Huệ gặp được kẻ nào đó trong số những kẻ đã thả chất độc da cam xuống vùng đất này, Huệ sẽ không ngần ngạt tạt ngay vào giữa mặt hắn một ly nước nóng, để xem kẻ ác có biết đau như một con người?
Trong khung cảnh hằng ngày tại Quán ven sông, Huệ ở bàn số năm cũng có một vị khách đặc biệt. Ông đưa hết những tình nhân này đến tình nhân khác như thay áo: “Mỗi lần nhìn ông như vậy, không hiểu sao Huệ lại liên tưởng tới một nỗi đau nào đó, đau đến khô quắt người, đến kiệt cùng nước mắt”.
Sau này Huệ mới vỡ lẽ ra, ông khách kỳ dị kia cũng có đứa con bị di chứng chiến tranh như em trai Huệ. Huệ đồng cảm và cũng nhận ra rằng, ông khách kỳ dị này là một trong những kẻ gieo rắc chất độc da cam giết người ấy: “Ông kì dị không để tâm đến vùng da đỏ rát trên mu bàn tay, mặt ông vẫn nhăn nhúm trông rất khổ sở.
- Chúng tôi đã giết người đấy... không phải một mà rất nhiều người... Giá như Chúa trừng phạt tôi thay vì con gái tôi thì hay biết mấy. Con bé tội nghiệp, nó phải gánh tội thay cho cha nó...
Huệ run lẩy bẩy, cô lắp bắp lặp lại từ giết người với vẻ kinh sợ. Ông kì dị nhìn xoáy vào mắt Huệ, giọng nói như hụt hơi:
- Ừ, vậy đấy. Chúng tôi giết người mà không biết là mình đang giết người... Tôi thề! Tôi tưởng đó chỉ là thuốc diệt cỏ bình thường...
Ông kì dị lại hướng ánh nhìn đau đáu ra sông, như thể ông đang nói chuyện với sông chứ không phải với Huệ.
- Tụi nó mượn tay tôi giết người, giết con gái tôi, và giết cả tôi nữa... Sống gì cái thằng tôi từng này tuổi mà chưa bao giờ được nghe một tiếng gọi ba?
Câu cuối cùng của ông nghe như tiếng gió rít qua khe cửa hẹp, Huệ rùng mình, ngôn từ của cô lộn xộn nháo nhào không thể sắp thành một câu trọn vẹn:
- Vậy là... ông là... hồi trước...
- Là phi công trong không lực Việt Nam Cộng Hòa. Sân bay Biên Hòa có cái kho hóa chất khủng khiếp… Cỏ cây tới giờ còn không mọc nổi huống chi con người...
Mồ hôi Huệ rịn ra như tắm trong khi cơ thể cô lạnh ngắt, run cầm cập. Ông kì dị bỗng giật thót mình nhìn đồng hồ rồi vội vã đứng dậy lao ra ngoài, ném lại phía sau câu nói hụt hơi, gấp gáp:
- Con bé giờ này hay lên cơn la hét đập đầu vào tường, một mình bà vú không giữ nổi”.
Hạnh Vân đưa người đọc đến nỗi ám ảnh của chiến tranh với chất độc da cam làm hang triệu người dân Việt Nam gánh chịu những thiệt thòi mất mát. Đọc cứ ám ảnh day dứt…
Trương Thanh Thùy tự sự: “Tôi có ham muốn viết ra những sự thật từ mắt tôi nhìn, từ đầu tôi suy nghĩ, từ trái tim tôi đau và từ tâm hồn tôi học được cách khát sống từ những điều tôi thấy”.
Mô-típ nàng dâu bố mẹ chồng đã được các nhà văn khai thác nhiều như tiểu thuyết Cánh đồng lưu lạc của Hoàng Đình Quang, khi bố chồng vì muốn có cháu đích tôn nối dõi tông đường mà con trai ông đã hy sinh nên ông bất chấp, tìm đến con dâu để sinh ra một thằng con không biết phải gọi mình bằng ba hay bằng ông nội. Mít ơi của Trương Thanh Thùy đau hơn, cay đắng hơn vì nó là một truyện dài. Mít một người vợ chỉ vì không có con mà bị chống hắt hủi, đánh đập và chống đi ngoại tình. Mít là người phụ nữ chịu đựng từ những bất hạnh của tuổi thơ không cha mẹ đến việc không làm được thiên chức cao quý của người phụ nữ. May mắn thay Mít được cha mẹ chồng hiểu cô, thông cảm, động viên và cùng cô vượt qua bao cực khổ của cuộc sống. Đán một người đàn ông chỉ vì không làm ra tiền nhiều bị vợ là Mễ khinh khi nhưng Đán rất mực thương yêu ba đứa con nên anh làm quần quật cốt để ba con có cái ăn, cái mặc. Quan chồng của Mít từ khi biết vợ không thể sinh con đã bê tha, từ chỗ uống rượu ở quán Mễ rồi đến cảnh cả hai đã nảy sinh tình cảm và quan hệ ngoại tình. Cả hai bỏ trốn.
Mít phải thay chồng làm phụ hồ, rồi nuôi heo, gà để chạy, kiếm từng bữa ăn cho cha mẹ chồng mà nàng là dâu hiền. Cha mẹ biết con trai mình ngoại tình bỏ nhà đi, đã quyết định xem Mít là con gái. Đán từ chỗ đồng cảm với Mít mà cả hai gắn kết chỉ vì Mít muốn thay chồng trả nợ cái gọi là dụ dỗ Mễ, người vợ bỏ chồng, người mẹ bỏ con theotrai là Quan, chồng Mít. Từ chỗ các con quấn quýt yêu thương Mít mà Đán quyết định hỏi Mít làm vợ: “Lần thứ hai theo người ta về làm vợ, Mít không khăn áo chỉnh tề nữa, chỉ là cái cười mênh mông, nhiều màu sắc đưa chân Mít về nhà Đán, nơi người đàn ông đã cùng cô chia sẻ những đớn đau trong thời gian vừa rồi, nơi đám trẻ đã rất nhiều lần gọi cô là mẹ. Với Mít, tình yêu dành trọn cho Quan không thể dâng tặng cho người đàn ông khác. Mít đoán, mình không thể yêu Đán, như, Đán không thể yêu cô. Nhưng, Mít vẫn đồng ý theo Đán về làm vợ, làm mẹ của ba đứa nhỏ luôn đói khát tình yêu thương. Với Mít, ba đứa trẻ là đủ. Đủ cho tất cả những khát khao Mít đã nuôi nấng trong mình từ ngày xưa theo Quan về, lần đầu tiên làm vợ.
Đán hạnh phúc! Cái hạnh phúc tưởng chừng muộn mằn quá với một người đàn ông vừa đau nỗi đau bị vợ lừa dối, cố gắng tìm mẹ cho đám con dại. Anh đón Mít bằng tất cả sự hàm ơn sâu sắc nhất của mình!
… Đám trẻ con mừng mẹ mới như mừng áo quần mới ngày tết. Chúng tíu tít nói, tíu tít cười, quần bên cha, quần bên mẹ mới và cả bên ông bà ngoại mới. Cảm giác lần đầu tiên có ông bà ngoại càng khiến đám trẻ sung sướng hơn. Chúng vây lấy bà Lữ như một báu vật trong đời chúng - hệt cái ngày chúng vấu lấy Mít. Con bé Hai lệu bệu: “Bà ngoại, bà ngoại đừng để mẹ Mít bỏ tụi con đi, nghe bà ngoại!”. Bà Lữ xốn mắt, cay xè. Ông Lữ hôm nay không hút thuốc lào. Ông không muốn đám cháu ngoại mới của mình phải chịu đựng cái mùi khó ngửi ấy. Ông Lữ hắng giọng, ra vẻ một ông ngoại thực thụ: “Khờ chưa! Mẹ Mít giờ ở với tụi con rồi, không phải sợ mẹ Mít đi đâu hết!”. Đán quay nhìn ông Lữ, cúi đầu khẽ mang hết vẻ hàm ơn dành cho ông. Ông Lữ kha khả cười:“Nè, nè, cho hai thẳng nhỏ hai cái đùi gà. Bé Hai, con ăn phần ức này nghen, con!”. Mấy đứa nhỏ gắp thịt gà từ tay ông ngoại, hí hửng cười. Mít rớt nước mắt. Bà Lữ mắng: “Khóc cái gì mà khóc? Hôm nay vui, không có được khóc lóc. Vậy... không nên!”. Ông Lữ theo: “Ờ, khóc lóc cái gì? Cười lên đi con, bây khóc đủ rồi!”.
Cũng cùng lúc đó Mễ lại quay về. Sự oái ăm, nghiệt ngã đã làm Mít không thể chịu đựng được sự san sẻ tình cảm mẹ con với Mễ nên Mít đành bỏ đi. Chỉ tội cho Đán khi nhận ra giá trị đích thực của tình yêu mà mình tìm thấy hạnh phúc sẽ vuột mất nên: “Đán nhìn đám con một lượt rồi lao nhanh khỏi nhà. Trơ lại Mễ bơ vơ đứng trước đàn con van nài cha bằng cái nhìn thiếu đói của mẹ chúng và bóng Đán vội vã chạy trong đêm mưa. Đán chạy như bị ma ám. Lao xuống chiếc xuồng nhỏ của mình, Đán chống sào, đẩy chiếc xuồng tre giữa lòng sông ầm ào sóng, tiếng anh lạt hẳn giữa đêm: “Mít ơi”...”. Đây là đoạn kết của truyện như một thước phim quay chậm và đẹp như một bài thơ mà ở đó tình người, tình yêu, sự mất mát, đắng cay, đau khổ, chia ly, nghèo đói… họ vẫn tìm đến với nhau bằng hạnh phúc dẫu muộn màn.
Hành trình của người đàn bà quá đỗi bất hạnh, quá đỗi mất mát và quá nhiều đau khổ. Trương Thanh Thùy đã thành công khi khắc họa chân dung một người phụ nữ chịu thương, chịu khó lẫn chịu nhiều thiệt thòi để qua truyện dài Mít ơi ca ngợi tính nhân văn của con người.
Lâu lắm rồi, từ khi đọc Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư tôi mới đọc một “Mít ơi” của Trương Thanh Thùy. Truyện ngắn hay nói đúng hơn là một truyện dài hay đến như vậy, ám ảnh đến như vậy. Truyện có thể và rất xứng đáng dựng thành phim rất hay.
NGUYỄN TÝ