HỘI THẢO VỀ BẢN SẮC DÂN TỘC TRONG ĐỜI SỐNG VHNT TP.HCM

Các “chấm đen” không làm văn hóa Việt tối màu

Sáng 17-7, Ban Tuyên giáo Thành ủy, Hội đồng Lý luận, Phê bình Văn học, Nghệ thuật (VHNT) TP.HCM tổ chức hội thảo “Bản sắc dân tộc trong đời sống văn hóa, nghệ thuật TP.HCM quá trình hội nhập quốc tế hiện nay”.

Từ thực trạng…

Hội thảo đã nhận được 46 tham luận của hơn 100 nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà báo, trí thức, văn nghệ sĩ tham gia. Nhiều ý kiến đề xuất nên xây dựng một bảo tàng để lưu giữ những giá trị văn hóa, nghệ thuật của TP trong sự nghiệp đổi mới để giáo dục thế hệ trẻ tìm hiểu và biết phát huy, bảo tồn giá trị văn hóa…

Bà Thân Thị Thư, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, Phê bình VHNT TP.HCM, khai mạc hội thảo bằng đề dẫn: “Hội thảo nhằm nhìn nhận lại thực trạng vấn đề từ nhiều góc độ, xem xét một cách khoa học với cách tiếp cận, với cái nhìn đánh giá nhiều chiều để làm rõ những cái được và chưa được trong việc bảo vệ giữ gìn bản sắc dân tộc trong đời sống VHNT TP”.

Không ngần ngại đưa ra những “chấm đen” trong đời sống, TS Nguyễn Hữu Nguyên, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Chính sách Quốc gia nêu vấn đề làm nóng hội thảo: “Hiện tượng tiêu cực về văn hóa và đạo đức như: bảo mẫu đánh đập tàn nhẫn trẻ em mẫu giáo, vợ thiêu chết chồng, con cái ngược đãi cha mẹ già, bạo lực học đường, mại dâm, nghiện hút, giết người cướp của, buôn lậu, tham nhũng lớn nhỏ tràn lan, ăn chơi sa đọa, chạy án, chạy chức, chạy quyền… có thể nói chưa bao giờ những biểu hiện tiêu cực lại xuất hiện nhiều như ngày nay”. Ông nhìn nhận: “Đó là biểu hiện của sự xuống cấp văn hóa, đạo đức xã hội, là sự khủng hoảng giá trị xã hội”. “Những thành phần xuống cấp về văn hóa và đạo đức là sản phẩm, là hệ quả và chúng tồn tại “cộng sinh” với thành phần tham nhũng. Cho dù trong thành phần tham nhũng có cả một số vị trí có chức, có quyền nhưng họ cũng không có tư cách là đại diện cho chủ nhân của cả một nền văn hóa. Nói cách khác, những hành vi vô đạo đức của nhóm này như các “chấm đen” trên một bức tranh - nhưng nó không đủ làm cho cả bức tranh văn hóa Việt Nam chuyển sang “gam màu tối””.

Một buổi biểu diễn âm nhạc dân tộc tại TP.HCM. Ảnh: HTD

… Đến giải pháp

Ngay trong đề dẫn, bà Thân Thị Thư đã lưu ý: “Hội thảo hướng đến giải pháp là làm thế nào để bảo vệ và phát huy bản sắc dân tộc trong đời sống VHNT TP.HCM quá trình hội nhập quốc tế hiện nay; tiếp thu tinh hoa văn hóa và phương thức hoạt động VHNT tiên tiến của các nước trong khu vực và trên thế giới như thế nào để chúng ta vừa phát huy bản sắc văn hóa dân tộc vừa làm phong phú, đặc sắc thêm đời sống văn hóa, nghệ thuật của TP”.

PGS-TS Trần Luân Kim, nguyên Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, đưa ra 12 giải pháp để phát triển VHNT. Trong đó, ông kiến nghị: “TP nên thành lập quỹ hỗ trợ phát triển VHNT và chiến lược lâu dài là đào tạo, bồi dưỡng lớp công chúng có ý thức và hứng thú thưởng thức nghệ thuật dân tộc, có kiến thức và tự giác nhận chân các giá trị dân tộc trên cơ sở chân-thiện-mỹ”. Bà Phạm Phương Thảo - nguyên Chủ tịch HĐND TP nhấn mạnh: “Chăm lo cho sự phát triển văn hóa, ươm mầm cho những tài năng, trong đó có tài năng trên lĩnh vực VHNT là điều rất cần được quan tâm đầu tư, không thể xem nhẹ”.

Nhà nghiên cứu Lê Tú Cầu bổ sung: “TP tiếp tục phát huy kết quả hội thảo này, tổ chức các hình thức trao đổi, nghiên cứu sâu về vấn đề bản sắc dân tộc trong từng loại hình nghệ thuật, đưa ra những giá trị chuẩn mực cho từng loại hình nhằm định hướng cho sự biến đổi giá trị trong xu thế toàn cầu hóa, vẫn giữ được bản sắc dân tộc. Cần có những tiêu chí cụ thể để bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc trong từng loại hình nghệ thuật”.

Đồng tình với các ý kiến trên, ông Đào Duy Quát, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận, Phê bình VHNT Trung ương đánh giá cao việc Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo khoa học hết sức có ý nghĩa này. Ông nhấn mạnh: “Một là bảo vệ, hai là phát huy và thứ ba là phải đổi mới. Có đổi mới mới bảo vệ và phát huy bản sắc dân tộc”.

NGUYỄN TÝ

Xây dựng cho cuộc sống tốt hơn

Có nhiều điều trong cuộc sống có thể văn nghệ sĩ chưa lý giải và còn tranh cãi nhưng làm thế nào cho con người yêu cuộc sống và chung tay xây dựng cho cuộc sống tốt hơn là điều mà văn nghệ sĩ nào cũng đều có thể vun đắp. Công chúng sẽ đón nhận những sản phẩm VHNT góp phần xây dựng đạo đức xã hội, giá trị chân-thiện-mỹ, những sản phẩm chứa đựng niềm tin yêu con người, cuộc sống.

Phạm Phương Thảo

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm