Buổi ra mắt sách Sa mạc và những vệt nhớ do Nhà xuất bản Văn hóa - Văn nghệ tổ chức sáng 24-3, tại Hội sách TP.HCM 2016.
“Nhà văn khi nói và viết đều sử dụng những cái đầu lạnh và viết bằng trái tim rất lạnh nhưng với riêng Kim Hòa lại khác, cô ấy viết bằng cái đầu và một quả tim rất nóng, nó làm cho bản thân tôi rất cảm động” - PGS-TS Bùi Thanh Truyền, giảng viên ĐH Sư phạm TP.HCM, nhận xét như vậy.
Nhà văn trẻ Kim Hòa (thứ hai bên trái sang) gửi lời cảm ơn đến các thầy cô đã giúp đỡ mình hoàn thành cuốn sách. Ảnh: HÀ PHƯỢNG
Ông Truyền cho rằng cuốn sách chính là cầu nối tri ân, để không riêng gì Kim Hòa mà mọi người ở đây đều cảm nhận được Sa mạc và những vệt nhớ (NXB Văn hóa - Văn nghệ ấn hành) được viết bằng những ngôn từ chân chất, gần gũi với những thứ bình dị của cuộc sống xung quanh.
Ngay từ buổi ra mắt sách, nhà văn Kim Hòa đã gửi gắm sự tri ân chân thành đến những thầy giáo, cô giáo, những bậc cha chú và đàn anh đi trước đã giúp đỡ mình hoàn thành cuốn tản văn đầu đời này.
Có mặt tại buổi ra mắt sách, nhà giáo Nguyễn Đức Thạch, người thầy mà nhà văn trẻ Kim Hòa xem như người cha, đã bình dị bắt xe khách từ quê nhà Ninh Thuận vào Sài Gòn, nhận xét: “Chất văn của Kim Hòa là chất văn trẻ đầy nghị lực, đây là cô gái có khả năng quan sát tốt về sự việc và con người một cách rất tinh tế, từ chính những khó khăn trong cuộc sống bản thân, Kim Hòa đã viết bằng nghị lực, tài năng và cả đam mê của một người trẻ”.
“Kim Hòa là một nhà văn trẻ, là xương rồng giữa sa mạc cát, trong văn của Kim Hòa người ta tìm được những cái lạ lẫm bằng nhiều góc độ mới nhưng lại rất quen thuộc như tô bánh canh mộc mạc ban chiều, như nỗi nhớ mamg tên bánh tráng và xa xa có những trận mưa sa mạc. Tác giả Sa mạc và những vết nhớ đã tạo nên nét riêng so với dòng văn trẻ hiện nay, đó chính là sự chính chắn đầy dấu ấn. Tài năng là không có tuổi, khi nhận mình thua rồi xem đó là một cơ hội tiến bộ, tích cực và lạc quan chính là yếu tố quyết định mọi thứ” - ông Trần Văn Tuấn, Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM, bình phẩm tại buổi ra mắt.
Một số hình ảnh tại buổi giao lưu cùng tác giả trẻ Nguyễn Thị Kim Hòa:
Nhà văn Kim Hòa giao lưu tại buổi ra mắt sách. Ảnh: HÀ PHƯỢNG
Nhà văn trẻ Nguyễn Thị Kim Hòa được xem là cây bút đầy nội lực của thế hệ 8x. Ảnh: NGUYỄN TÝ
Nhà văn Bích Ngân - bà đỡ của Tủ sách Văn học 8x; thầy giáo Nguyễn Đức Thạch - người thầy, cha nuôi của nhà văn trẻ Nguyễn Thị Kim Hòa. Ảnh: NGUYỄN TÝ
Thầy giáo Nguyễn Đức Thạch trả lời phỏng vấn của Đài Truyền hình TP.HCM (HTV). Ảnh: NGUYỄN TÝ
Thầy giáo Nguyễn Đức Thạch, người thầy mà nhà văn trẻ Kim Hòa xem như cha nuôi cùng học trò đón xe khách từ quê nhà Ninh Thuận vào Sài Gòn chúc mừng Kim Hòa. Ảnh: NGUYỄN TÝ
Các nhà văn, dịch giả chụp ảnh lưu niệm cùng tác giả trẻ đến từ miền quê Mộc mạc bánh canh. Ảnh: NGUYỄN TÝ
Tác giả Nho đắng trả lời phỏng vấn của Đài Truyền hình TP.HCM (HTV). Ảnh: NGUYỄN TÝ
Nguyễn Thị Kim Hòa hứa hẹn sẽ là cây bút tên tuổi của vùng đất Phan Rang - Tháp Chàm. Ảnh: NGUYỄN TÝ
Các em học sinh lớp 11/1 Trường chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM) đến học hỏi giao lưu cùng đàn chị. Ảnh: NGUYỄN TÝ
Nhà văn Nguyễn Thị Kim Hòa (SN 1984), sinh ra tại Ninh Thuận, đã có nhiều cuốn sách ra mắt như Tay chị tay em (2011), Nho đắng (2012), Cơn lũ vẫn chưa qua (2014). Là một trong những tác giả trẻ thế hệ 8x đạt nhiều giải thưởng về văn học nghệ thuật: Giải nhất cuộc thi Truyện ngắn Văn nghệ Quân đội 2013-2014, giải nhất cuộc vận động Sáng tác văn học thiếu nhi Việt Nam - Đan Mạch, giải C Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam 2015 tập Đỉnh khói. |