Trường dành riêng cho các em nhỏ miền Nam (từ bốn tuổi đến 17 tuổi) là con em cán bộ, bộ đội, các gia đình chính sách được các địa phương ở miền Nam chọn gửi ra để học tập chuẩn bị vừa cho việc xây dựng miền Bắc vừa cho việc tiếp quản miền Nam. Ước tính có 32.000 HSMN đã ra Bắc học tập.
Tuy chỉ tồn tại 21 năm (1954-1975) nhưng khi kết thúc thân phận pháp lý của mình, cộng đồng HSMN vẫn tồn tại qua thế kỷ XXI và có những đóng góp nhất định trước và sau tháng 4-1975. Học sinh miền Nam - Tư liệu và Kỷ niệm là một trong những quyển sách về cộng đồng này vừa được ra mắt. Sách do một nhóm học sinh Trường HSMN Vĩnh Yên thời gian 1968-1972 tổ chức biên soạn, chủ biên là Cao Văn Dũng, tức nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh.
Sách là tập hợp những tư liệu và hồi ký quý giá về thế hệ HSMN với mục tiêu mang đến cái nhìn toàn diện, hệ thống về mối quan hệ giữa lịch sử HSMN với lịch sử Việt Nam, điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc hình thành nên hoàn cảnh, tính cách, số phận của cộng đồng HSMN. Không chỉ đề cập đến con người chính trị của HSMN, quyển sách còn chú trọng hơn tới con người xã hội của họ. Đây cũng là điều mà các công trình nghiên cứu về HSMN đã xuất bản trước nay vẫn chưa làm rõ.
Sách gồm hai phần Tư liệu và Kỷ niệm. Phần Tư liệu chứa nhiều văn bản lần đầu tiên được công bố bao gồm các văn bản liên quan tới chủ trương đào tạo, chính sách nuôi dạy, bộ máy quản lý và chế độ đãi ngộ đối với HSMN thời gian 1954-1975. Phần Kỷ niệm gồm các bài hồi ký, thơ, bài phỏng vấn, nhạc phẩm của hơn 20 tác giả, phần lớn là HSMN Trường Vĩnh Yên.
Những chuyện kể chân thật đã góp phần khắc họa hoàn cảnh, tính cách và số phận của cả cộng đồng HSMN. Tuy được đưa vào môi trường nội trú và đào tạo đặc biệt với mục đích để thâm nhập vào hạ tầng cơ sở nhằm cải tạo và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Nam thời hậu chiến, HSMN mặt khác lại chịu những thiệt thòi, mất mát về mặt tình cảm và tâm lý rất lớn. Có những người phải xa gia đình và sống tự lập có khi từ rất nhỏ, có những người còn không biết cha mẹ mình là ai, quê hương mình ở đâu. Và một trong những nỗi đau, có khi trở thành vết thương không bao giờ lành ở họ, là câu chuyện không thể hội nhập trở lại gia đình của chính mình sau khi thống nhất đất nước. Nó được nhắc tới trong quyển sách như một đặc trưng chỉ có ở cộng đồng này.
Độc giả cũng sẽ đọc thấy ở đây câu chuyện tìm lại hai HSMN người Cameroon là Irène Ouandié và Monique Ouandié từng làm dậy sóng cộng đồng HSMN. Qua đó có thể thấy ngay cả khi thân phận bị xóa bỏ thì cộng đồng HSMN vẫn luôn có sức sống mãnh liệt và hướng về nhau.
Sách dày 872 trang, khổ 15 x 24 cm, bìa cứng, giá 350.000 đồng do Nhà xuất bản Văn hóa Văn nghệ ấn hành, sẽ phát hành ngày 17-10-2016.