Dự án xây dựng nhà hát giao hưởng, nhạc kịch và vũ kịch TP được các đại biểu (ĐB) nhất trí thông qua tại kỳ họp HĐND TP.HCM bất thường diễn ra ngày 8-10.
Nhiều năm “bỏ quên”
Theo ĐB Phan Nguyễn Như Khuê, hiện nay tất cả công trình nhà hát tại TP đều đã trên 25 năm và xuống cấp nghiêm trọng. “Các công trình này không đáp ứng tốt cho các chương trình biểu diễn nghệ thuật do Đảng bộ và nhân dân TP tổ chức chứ chưa nói đến thu hút các đoàn nghệ thuật quốc tế đến biểu diễn” - ông Khuê nói.
ĐB Thi Thị Tuyết Nhung cũng rất đồng tình với dự án và mong muốn dự án này sớm được triển khai vì đã có chủ trương từ hai nhiệm kỳ trước. Theo bà Nhung, đến trực tiếp xem các chương trình biểu diễn của các nghệ sĩ mới thấy cần thiết phải xây dựng nhà hát. Đồng tình cao với tính cấp bách phải xây dựng nhà hát, ĐB Nhung lưu ý cần phải tính toán kết nối với không gian chung tại khu đô thị Thủ Thiêm để phát huy giá trị của nhà hát cũng như của khu đô thị này.
Trao đổi với báo chí bên lề cuộc họp, ông Võ Văn Hoan, Chánh Văn phòng UBND TP, cũng cho hay gần 45 năm sau ngày thống nhất đất nước, TP đã tập trung đầu tư rất nhiều về cơ sở hạ tầng nhưng đầu tư cho văn hóa thì còn rất hạn chế. Các công trình văn hóa đa phần đều tận dụng các cơ sở cũ để lại, cơ sở vật chất đã xuống cấp, quy mô nhỏ hẹp, nằm len lỏi trong các khu dân cư.
Ông Hoan nêu một thực tế là 10 năm trước, TP đã đầu tư giàn nhạc giao hưởng nhưng đến nay vẫn không có chỗ đặt cho đúng vị trí của nó, việc bảo quản cũng rất khó khăn.
Người phát ngôn của UBND TP cho rằng một đô thị lớn như TP.HCM hiện nay đang phải đối diện với nhiều vấn đề như kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm môi trường. Thế nhưng không phải vì thế mà không tính tới việc đầu tư cho văn hóa vì chỉ lo phát triển kinh tế mà không chú ý đầu tư cho văn hóa thì sẽ phát triển thiếu bền vững.
Phối cảnh nhà hát giao hưởng vừa được lãnh đạo TP “bấm nút” xây dựng.
Nhà hát TP hiện nay chưa đáp ứng đủ nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân TP. Ảnh: HTD
Có thể khởi công xây dựng vào năm 2020
Theo ông Trần Vương Thạch, Giám đốc Nhà hát giao hưởng vũ kịch TP, hiện nay TP có ba nhà hát thì đều đã được xây dựng từ lâu, quy mô nhỏ, cơ sở vật chất đã xuống cấp. Cụ thể là Nhà hát TP được xây dựng từ năm 1900 với 406 ghế, sân khấu nhỏ, không đủ để tổ chức những chương trình tầm cỡ.
Thứ hai là Nhà hát Hòa Bình, khánh thành vào năm 1985 với 2.500 ghế và đã xuống cấp trầm trọng. Ngoài ra, TP còn có Nhà hát Bến Thành không đủ tiêu chuẩn kỹ thuật của một nhà hát mà chỉ là rạp để biểu diễn.
“Rõ ràng TP.HCM đang thiếu nhà hát ở tất cả cấp từ quận, huyện đến TP. Trong khi đây là một trong những điều kiện tiên quyết để xây dựng môi trường văn hóa cho người dân, trong đó có các thiết chế văn hóa và con người làm văn hóa” - ông Thạch nói.
Cũng theo ông Thạch, nhà hát giao hưởng, nhạc và vũ kịch có quy mô 1.700 ghế, được xây dựng tại khu đô thị mới Thủ Thiêm, quận 2. Nhà hát sẽ gồm có hai khán phòng lớn (1.200 ghế) và khán phòng nhỏ (500 ghế). Ngoài ra, tiền sảnh của nhà hát có thể dùng làm sân khấu ngoài trời để biểu diễn các chương trình nghệ thuật phục vụ công chúng.
Giám đốc Sở Văn hóa-Thông tin (VH-TT) Huỳnh Thanh Nhân cho biết dự án này không phải bây giờ mới có mà đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong quyết định phê duyệt nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của TP.HCM đến năm 2020, tầm nhìn năm 2025. Trong danh mục các dự án xây dựng cơ bản của khối văn hóa-thể thao có 10 công trình thì bảy công trình là của ngành văn hóa. “Lộ trình thực hiện các dự án này có ba mốc 2011-2015, 2016-2021 và 2021-2025. Như vậy hiện nay ta đã ở cuối năm 2018, so với quy hoạch được thủ tướng phê duyệt đối với đầu tư công với dự án này hiện nay đã quá trễ” - ông Nhân nhìn nhận.
Giám đốc Sở VH-TT cho biết sau khi đã được thông qua chủ trương, nếu thuận lợi theo đúng quy trình thì tới năm 2020 mới có thể khởi công xây dựng nhà hát. Sở VH-TT sẽ làm các thủ tục để xin TP ghi vốn vào năm 2019 và công trình này cũng sẽ được tổ chức thi tuyển thiết kế kiến trúc quốc tế.
Đề xuất xây dựng nhà hát cải lương
Tại kỳ họp, nhiều ĐB cũng đề nghị ngoài nhà hát giao hưởng thì TP cần tính toán để đầu tư xây dựng nhà hát cải lương để bộ môn nghệ thuật cải lương được phát triển xứng tầm. Các ĐB cho rằng TP.HCM chính là “thánh địa” cải lương nhưng hiện nay Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang không đáp ứng được điều kiện để phát triển.
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP, cũng đồng tình cao với đề xuất này. Bà Tâm nói không chỉ văn nghệ sĩ mà đồng bào TP và cả khu vực đồng bằng sông Cửu Long cũng rất thích cải lương. Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang trước đó đã được xây dựng nhưng còn nhiều bất cập nên không đáp ứng được nhu cầu thực tiễn. “Lãnh đạo TP rất quan tâm đến bộ môn nghệ thuật truyền thống cải lương. Việc có một nhà hát cải lương để phát triển xứng tầm bộ môn nghệ thuật này là điều rất cần thiết” - bà Tâm nói.
Giúp TP phát triển đồng đều, bền vững Người dân nên chia sẻ với chính quyền TP khi một đô thị lớn như TP chúng ta thì cần phải phát triển cân đối, hài hòa vừa khắc phục những mặt tồn tại ở hạ tầng kỹ thuật nhưng cũng phải đầu tư những mặt như giáo dục, văn hóa, y tế. Đó là phát triển đồng đều, bền vững. Ông VÕ VĂN HOAN, Chánh Văn phòng UBND TP |