Cựu binh Gạc Ma mong được giám định lại thương tật

Tại thời điểm đó anh Thoa bị thương ở thái dương trái, vai trái và cụt 1/3 ngón tay trỏ phải. 

Mấy năm gần đây, qua những lần kết nối nghĩa tình đồng đội của các cựu binh Trường Sa, nhiều người mới biết anh Thoa đang phải vật lộn với cuộc mưu sinh nhọc nhằn. Hiện cả gia đình anh đang ở trong căn nhà vỏn vẹn có 27 m2 ở 5D Tăng Bạt Hổ, TP Quy Nhơn, Bình Định. Hiện anh đang chăm sóc cha mẹ già đã 73 tuổi, vợ và ba con nhỏ (trong đó hai con học mầm non).

Trước khi nhận lệnh tăng cường ra Trường Sa làm nhiệm vụ trên tàu HQ-604, anh Thoa từng là thợ máy. “Rạng sáng 14-3-1988, chiến sự nổ ra khi tôi đang làm việc dưới máy tàu. Lúc tàu bị hải quân Trung Quốc bắn chìm, tôi chỉ kịp chui ra ôm được hai quả bí ngô (thực phẩm trong tàu 604 nổi lên) rồi cứ thế lênh đênh trên biển suốt cả ngày.

Cựu binh Lê Văn Thoa. Ảnh: CÔNG THI

Chiều tối cùng ngày, tàu Trung Quốc lại xâm phạm gần đảo Gạc Ma của ta và phát hiện tôi trên biển, họ liền dùng gậy dài móc kéo tôi lên tàu. Khi lên tàu đã thấy nhiều đồng đội tôi bị bắt và bị trói tay. Tôi chỉ kịp nhìn thấy anh Hùng cùng Lữ đoàn 125 HQ quê Thanh Hóa” - anh Thoa kể.

Cũng theo anh Thoa, sau gần bốn năm bị giam tách biệt tại một nhà tù ở tỉnh Quảng Đông anh mới được trở về Tổ quốc. “Lúc đó, Lữ đoàn 125 Hải quân hỏi tôi có nguyện vọng gì, tôi đề nghị được tiếp tục cống hiến và rèn luyện trong môi trường quân đội. Lúc đó Quân chủng Hải quân đã quan tâm đưa đi giám định y khoa, kết quả thương tật là 11%” - anh Thoa kể tiếp.

Cuối năm 1996, anh Thoa ra quân với quân hàm trung úy. Trở về với đời thường, anh từng chạy xe ôm mưu sinh nhiều năm tại TP.HCM trước khi trở về Quy Nhơn. Cựu chiến binh Trường Sa Nguyễn Văn Tho, sống gần nhà anh Thoa, cho biết: “Trở về địa phương, Thoa rất tích cực tham gia công tác xã hội, 10 năm liền làm tổ trưởng dân phố. Do có những tháng năm cống hiến trong quân đội, anh Thoa đã được tặng thưởng huân chương Chiến công hạng Ba, huân chương Chiến sĩ vẻ vang…”.

Quán phở mang tên Gạc Ma-Trường Sa của anh Thoa ở Bình Định. Ảnh: CÔNG THI

Thời gian gần đây, anh Thoa thấy thường xuyên xuất hiện cơn đau đầu, nhức vai. Biết chuyện, đồng đội đã khuyên anh nên đi khám và xét nghiệm lại các vết thương, kết quả phát hiện: Có dị vật kim loại ở phần mềm vai và ở cạnh xương thái dương trái. Được Quân chủng Hải quân giúp đỡ chuyển bộ hồ sơ gốc, anh Thoa mang lên Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Định trình bày nguyện vọng được giám định lại các thương tật. Tuy nhiên, đến năm 2016 Sở vẫn giải thích là hồ sơ chưa đúng quy định và chờ bộ phận Người có công xem xét.

Đại tá Nguyễn Văn Dân, 73 tuổi, ở TP Nha Trang, nguyên Chỉ huy trưởng Cụm 2 đảo Sinh Tồn - Trường Sa (bao gồm các đảo Sinh Tồn, Sinh Tồn Đông, Gạc Ma, Len Đao, Cô Lin, Đá Lớn, Huy Gơ…), chia sẻ: “Ngày đó, trong số chín chiến sĩ của ta bị Trung Quốc bắt, đến nay chỉ còn sống có năm người. Tôi đã đến thăm Lê Văn Thoa và biết rõ về hoàn cảnh gia đình, thương tật của anh. Tôi biết Thoa là người con đất võ Tây Sơn (Bình Định), sống thẳng thắn, trung thực… Với tình yêu biển đảo tha thiết, anh đã đặt tên quán phở của mình là Phở Gạc Ma - Trường Sa”.

Đại tá Dân cũng mong rằng các sở, ban ngành chức năng có liên quan nên hướng dẫn, giúp đỡ và tạo điều kiện để cựu binh Lê Văn Thoa làm đúng các thủ tục, đủ điều kiện được giám định lại các thương tật của mình. Đây cũng là sự thể hiện chính sách hậu phương thiết thực, đảm bảo không bỏ sót người có công.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm